Môn bơi sắp là môn chính thức trong chương trình phổ thông?

Bao giờ hết “xóa mù” bơi trong nhà trường? (Ảnh minh họa)
Bao giờ hết “xóa mù” bơi trong nhà trường? (Ảnh minh họa)
(PLO) - Theo số liệu của WHO 2016, mỗi năm Việt Nam có hơn 11.000 trẻ tử vong do đuối nước, xếp vị trí thứ 2 trên thế giới. Tuy nhiên, môn bơi chưa thực sự được coi trọng. Trong khi đó, ngành Giáo dục dự kiến trong năm tới, môn này có thể trở thành môn học chính thức trong nhà trường.

Những con số thương tâm

Trước đó, dù chưa vào hè nhưng cả nước đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước hết sức thương tâm như vụ 4 nữ sinh lớp 6 cứu nhau bị chìm ở sông Sê San, Gia Lai hay trường hợp 3 nam sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Trãi, Quảng Ngãi đi tắm biển bị sóng cuốn... Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin về việc khiến 4 cháu nhỏ bị nước cuốn trôi tại khu vực hạ du nhà máy thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên). Thông tin nêu rõ, sáng 24/5, tại khu vực khu vực hạ du nhà máy thủy điện sông Ba Hạ đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến 4 cháu nhỏ bị cuốn trôi... 

Cũng trong năm 2016, cũng có nhiều vụ đuối nước chấn động dư luận. Vào khoảng 15h30 ngày 8/5, tại bãi biển Hải Lý (xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), 3 nam sinh đang tắm thì bị sóng cuốn mất tích. Những người chứng kiến vụ việc cho biết khi đang tắm thì bất ngờ có sóng lớn, 2 em kịp lao lên bờ, 3 em còn lại đã bị sóng cuốn trôi ra xa. Trước đó vài ngày (mồng 4/5), 4 nữ sinh (3 em 13 tuổi và 1 em 14 tuổi) Trường THCS Nguyễn Huệ được nghỉ học nên đã kéo nhau đến khu vực bãi biển gành Bãi Dài, đoạn thuộc xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) tắm. Trong lúc vui chơi, 4 nữ sinh đã không may gặp phải dòng nước xoáy, cuốn ra xa và chìm dần.

Theo con số thống kê từ Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do gặp phải các tai nạn thương tích. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Cần có cơ chế cụ thể

Được biết, nếu chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng ngay trong năm tới thì môn bơi là một môn nằm trong môn học giáo dục thể chất. Ông Ngũ Duy Anh -Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ đầu năm đến nay, Vụ đã ban hành 5 công văn/chỉ thị gửi đến các cơ sở giáo dục về việc trang bị cho trẻ những kiến thức để đề phòng tránh đuối nước và giảm thiểu các tai nạn thương tâm. Trong đó, việc đưa môn bơi và giảng dạy cho học sinh cũng là một điều cần thiết.

Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng  cho biết, Cục đang xây dựng đế án về bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, đề án cũng gặp khó khi điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, có khi cả tỉnh mới có một bể bơi thì chả nhẽ cho trẻ tập bơi trên cạn? 

Và thực tế, ngay ở Hà Nội, nhiều trường từ hệ Giáo dục Tiểu học đến Đại học, Cao đẳng cũng không có bể bơi để giảng dạy, nhất là các trường trong nội thành diện tích quá chật hẹp. Vì thế, nếu áp dụng môn bơi vào giảng dạy chính sẽ phải tùy thuộc điều kiện từng trường. Thậm chí những trường đã đầu tư xây dựng bể bơi mini nhưng thiếu kinh phí duy trì hoạt động của bể bơi. Hầu hết các trường đang thiếu đội ngũ giáo viên tiểu học có chuyên môn bơi để dạy bơi cho học sinh. Số lượng bể bơi nước nóng ở các nhà trường rất ít, nên chỉ tổ chức dạy bơi cho học sinh trong các tháng mùa hè.

Huyện Mỹ Đức là địa phương có nhiều sông, hồ nhưng tỷ lệ học sinh biết bơi lại không cao. Hơn nữa do thực trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng nên việc tổ chức học sinh học bơi ở sông hồ rất hạn chế. Năm nay, Phòng GD-ĐT Mỹ Đức đã lên kế hoạch thuê bể bơi của Trung tâm thương mại Hiền Lương, thuộc huyện Ứng Hòa để tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Trước nhu cầu lớn về học bơi của học sinh nhưng không có điều kiện triển khai, một giáo viên thể dục của huyện đã tự đầu tư lắp đặt bể bơi thông minh di động để dạy bơi cho hơn 300 học sinh. Năm 2017, kế hoạch của huyện này là lắp đặt 9 bể bơi thông minh tại 9 xã với mục tiêu đẩy số lượng học sinh được phổ cập bơi tăng mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới có 50% cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi trong trường học. Các bể bơi phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn, điều kiện vệ sinh, giáo viên đủ trình độ mới được cấp phép tổ chức dạy bơi. Việc tổ chức dạy bơi ở các cơ sở không chạy theo số lượng mà phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả, học sinh học xong phải biết bơi chứ không làm theo phong trào.  

Nhìn nhận về việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngành Giáo dục phải có cơ chế đặc thù, có chỉ đạo, cho phép trường thu phí tối thiểu bao nhiêu một cách thống nhất, đồng đều để các nhà trường dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp, tham gia của các sở, ngành, thành phố… về kinh phí.  

Bởi ngoài việc lắp đặt bể bơi thông minh trong trường học, nhiều quận, huyện hiện chủ yếu áp dụng hình thức liên kết với các công ty, trung tâm thể dục thể thao mở lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, thực hiện việc giảm học phí cho các học sinh khác từ  30% đến 70% trong 3 tháng hè, thu hút rất đông học sinh tham gia học bơi. Thực tế, với mức phí học bơi ở ngoài mất từ 2 triệu đến 3 triệu đồng một khóa học 12 buổi thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học.

Đọc thêm

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?

Sinh viên tốt nghiệp đào tạo nghề và cơ hội được chào đón ở Đức

Đại diện ĐSQ Đức và GIZ chụp ảnh cùng ban lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA2.
(PLVN) - Những sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao đầu tiên được hỗ trợ bởi Cơ quan hợp tác phát triển của Đức (GIZ) đang trên hành trình đến Đức. Điều này đánh dấu sự khởi đầu một chương đầy hứa hẹn cho lao động lành nghề Việt Nam và hệ thống đào tạo Việt Nam trên trường toàn cầu.

Mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội

Ảnh minh họa

(PLVN) - Ngày 19/4 là hạn để học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Điền phiếu đăng ký dự tuyển là một bước quan trọng đối với các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi quan trọng này.