Mổ xẻ các giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông tại TP Hồ Chí Minh

Mổ xẻ các giải pháp giảm ùn tắc, tai nạn giao thông tại TP Hồ Chí Minh
(PLO) -Ngày 29/3, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phối hợp với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia tổ chức Hội thảo “ Bàn về các giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn TPHCM. 

Cơ sở hạ tầng giao thông chưa theo kịp phát triển kinh tế xã hội

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND. TPHCM cho biết: Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của cả nước, TPHCM đã trở thành một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng trong cả nước…

Chính vì thế, quá trình đô thị hoá đã diễn ra hết sức nhanh chóng, lượng dân nhập cư ở các tỉnh thành vào TPHCM để làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, lượng xe cá nhân không ngừng tăng nhanh qua các năm đã gây nên tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, gây nên nhiều hệ luỵ phải xử lý, trong đó tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng có nhiều diễn biến khó khăn phức tạp.

Hội thảo này có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp cho TP lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp thiết thực giúp cho ngành GTVT xây dựng các chương trình hành động hiệu quả, triển khai toàn diện các giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông và TNGT, góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước , sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế - tài chính – thương mại – khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.

Đóng góp cho hội thảo về những giải pháp công nghệ giảm kẹt xe tại TPHCM, PGS TS Hồ Thanh Phong và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG TPHCM nhìn nhận: Trong hơn 40 năm qua, TP.HCM đã có sự phát triển to lớn đáng kinh ngạc về cơ sở hạ tầng giao thông. Nếu như ngày xưa, ông rất vui mừng khi được đi học bằng xe lam – loại xe phổ biến thời bấy giờ thì nay, phương tiện xe lam gần như không còn nữa.

Thay vào đó, là những phương tiện hiện đại, những chiếc xe bus năm sao, những cây cầu vượt, những tuyến đường cao tốc… Sự tăng trưởng đó, đã đặt TPHCM đứng trước những thử thách to lớn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị. Hiện tượng kẹt xe liên tục xảy ra khi tốc độ gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân cứ nhảy vọt lên 11% hàng năm theo số liệu của ngành GTVT. Và tình hình có thể xấu hơn nếu không có phương án cải thiện mạnh mẽ.

Một trong những nguyên do khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng là do nhiều yếu tố, trong đó việc mở đường, xây cầu chưa tính đến yếu tố động của giao thông( cầu vượt Lăng Cha Cả liên tiếp kẹt xe vào những giờ cao điểm) việc thiết kế giao thông còn nhiều bất hợp lý (ví dụ như tiểu đảo, vòng xoay Nguyễn Kiệm) qui hoạch giao thông chưa tính đến lâu dài, chưa quan tâm đúng mức việc kết hợp biện pháp quản lý và biện pháp công trình, công tác quản lý và điều phối giao thông còn hạn chế.

Thêm vào đó, các hình thức và biện pháp duy trì trật tự giao thông chưa đầy đủ, chưa mạnh mẽ và đều khắp, ý thức của người đi đường khi tham gia giao thông còn chưa được nâng cao.  Do đó, để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, TPHCM cần phải nhanh chóng tăng cường năng lực giao thông bằng cách: xây thêm tuyến metro, tổ chức lại đường sắt đô thị, tổ chức lại xe bus, qui hoạch lại giao thông bằng các phương pháp vận trù học hiện đại, thiết kế lại hệ thống điều khiển đèn tín hiệu, thiết kế hệ thống cảnh báo giao thông qua hệ thống SMS, bảng thông báo LED, trang web, ứng dụng trên di động, đồng thời nhanh chóng phê duyệt để triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên diện rộng.

Ông Lê Văn Khoa - PCT UBND.TPHCM ( phải) và ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM
Ông Lê Văn Khoa - PCT UBND.TPHCM ( phải) và ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM 

Đánh giá về việc giảm ùn tắc giao thông trong thời gian qua, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết: Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành GTVT đã chủ động khắc phục những hạn chế yếu kém, tập trung các giải pháp giảm ùn tắc giao thông và cơ bản, đã hoàn thành 6 chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt đã kìm hãm và giảm dần số vụ ùn tắn giao thông trong các năm liên tiếp. TNGT cũng giảm về số vụ, số người chết và số bị thương, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông hiện hữu, đưa vào sử dụng khai thác nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm. Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khiếm khuyết dẫn đến không tạo được nhiều chuyển biến như mong đợi.

Nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông TP cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, diên tích đất giao thông còn thấp, công tác giải phóng mặt bằng chậm, vận tải hành khách công cộng chỉ mới chiếm 9,8% tổng nhu cầu đi lại của nhân dân. Số người chết do TNGT giảm nhưng chưa bền vững, số vụ ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Vì vậy,  trong giai đoạn 2016- 2020 có 7 nhóm vấn đề được đặt ra. Bảy nhóm vấn đề này sẽ tương đối đồng bộ nếu chúng ta thực hiện tốt.

Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung khai thác tốt nhất cơ sở hạ tầng hiện nay. Đây là một trong những giải pháp ưu tiên. Vì đây là nhóm giải pháp tốn ít chi phí nhất và có thể triển khai làm được ngay, hiệu quả thấy rõ. Giải pháp ưu tiên thứ 2 là tiếp tục tập trung dồn sức để phát triển vận tải công cộng, đổi mới và cải tổ lại hệ thống vận tải công cộng, trong đó chú trọng phát triển hệ thống vận tải giao thông đường thủy nội địa để góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ. Một ưu tiên quan trọng trong quá trình triển khai là xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Đây là những công trình đã được xác lập trong quy hoạch giao thông đang thực hiện trong thời gian qua.

Kéo giảm TNGT cần có cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp

Về kéo giảm ùn tắc giao thông và TNGT, TS Vũ Anh Tuấn – Trường Đại học Việt Đức cho rằng: Khi giải quyết ùn tắc và tai nạn, chúng ta thường quan niệm rằng cơ sở hạ tầng giao thông phải đầy đủ. Nhưng không một nước nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu GTVT. Đã đến lúc phải có quan niệm mới, đó là lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp. Muốn vậy, cần phải quản lý giao thông toàn diện thay vì chỉ hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân.

Cùng đóng góp cho giải pháp này,TS Đinh Phương Duy – Học viện cán bộ TPHCM cho rằng, bên cạnh việc qui hoạch cơ sở hạ tầng giao thông thì việc nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông là rất cần thiết. Ngành GTVT cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp cho người tham gia giao thông thay đổi thói quen, thay đổi hành vi giao thông để hình thành được một thói quen văn minh trong cộng đồng xã hội, góp phần làm thay đổi nhận thức và thái độ của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cạnh đó, cần nghiêm khắc trong việc xử phạt các hành vi vi phạm, để bảo đảm dù có là ai thì vẫn xử phạt, bất kể người đi bộ, người đi xe, hay xe bảng xanh, bảng đỏ. Việc đưa khoa học công nghệ mới vào ứng dụng trong xây dựng cầu đường, cảng ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng rất cần thiết. Làm sao để xây dựng những tuyến giao thông có sức chở lớn, những trục đường xuyên tâm nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, TNGT, ngập nước, ưu tiên nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông trước các thành phần kinh tế khác. Có như vậy, mới bảo đảm một đô thị bền vững trong tương lai./.

Đọc thêm

Thu phí không dừng tất cả các làn tại Sân bay Nội Bài

Dịch vụ thu phí không dừng sẽ được triển khai tại tất cả làn thu phí ô tô ra vào Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
(PLVN) -Thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hệ thống các làn thu phí không dùng tiền mặt và thu tự động không dừng dịch vụ dừng/đỗ ô tô tại đây đã hoàn tất thời gian vận hành thử nghiệm, chính thức áp dụng trên toàn Cảng.

353 camera sẽ giám sát giao thông tại Kiên Giang

 353 camera sẽ giám sát giao thông tại Kiên Giang
(PLVN) - Chiều ngày 18/12, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến bấm nút triển khai vận hành hệ thống camera giám sát, xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ông Giang Thanh Khoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Khởi công Đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành
(PLVN) - Ngày 14/12, tại tỉnh Bình Phước diễn ra Lễ động thổ khởi công công trình Đường cao tốc TP HCM -Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước và công bố giai đoạn 2 Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, đồng thời khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất lốp ô tô của Công ty TNHH HAOHUA (Việt Nam). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự các sự kiện.