Nhiều chợ truyền thống đìu hiu
Chợ An Đông, khu chợ từng sầm uất, nổi tiếng nhất nhì TP HCM, từng chứng kiến một thời thịnh vượng với các gian hàng vàng bạc, thời trang, mỹ phẩm… bán sỉ, lẻ tấp nập, thì từ vài năm nay đã rơi vào cảnh đìu hiu. Tháng 12/2023, vào mùa cao điểm kinh doanh, tiểu thương ở chợ vẫn “ngồi chơi” nhiều hơn là bán hàng. Hiện tượng bỏ sạp cũng không ít.
Tương tự, các chợ lớn, nổi tiếng kinh doanh phồn thịnh một thời như chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Bình Tây… lượng khách giảm sút đáng kể, có chợ chỉ còn bằng 50%, 30% so với trước kia. Các chợ dân sinh tại các quận như chợ Vườn Chuối, chợ Gò Vấp, Thủ Đức, An Sương…, lượng mua sắm tại chợ cũng giảm.
Chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán rau tại chợ Thủ Đức chia sẻ: “Tôi bán rau củ tại khu vực chợ đã hơn 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ thấy tình hình ế ẩm như thời gian qua, đặc biệt là sau dịch COVID-19, hình như thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi. Mỗi ngày trước kia tôi bán được gần 100kg rau củ, nay chỉ được 30 - 40kg là mừng rồi. Cả ngày vất vả nhưng lợi nhuận không bao nhiêu nên tôi cũng định “về hưu” sớm vào sang năm, dù sao con cái cũng đã ổn định. Tôi biết một số chị em gắn bó với chợ lâu đời nay cũng có ý định sẽ sớm bỏ nghề”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của chợ truyền thống: Sự phát triển mạnh của hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện dụng ở khắp nơi, thói quen mua sắm online dần thay thế cho mua sắm tại chỗ vì sự tiện lợi và mặt hàng đa dạng…
Cạnh đó, nhiều khu chợ trước kia tiểu thương khá “mang tiếng” vì nói thách, “chặt chém”, thái độ không tốt với khách mua sắm vãng lai. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số chợ nổi tiếng mất dần khách hàng.
Phát triển chợ chuyên doanh, phố ẩm thực
Sự thoái trào của chợ truyền thống là thực tế. Tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn có thể có “đất sống”, thậm chí làm tốt nếu có hướng phát triển đúng, khai thác hết tiềm năng.
Những năm qua, dù kinh tế đi xuống, chợ truyền thống gặp khó, nhưng nhiều chợ chuyên doanh các mặt hàng như bán buôn rau củ, hải sản, chợ hoa, chợ thuốc Tây…. vẫn phát triển ổn định. Ngoài ra, một hướng khai thác hiệu quả đang được các địa phương triển khai là “biến” chợ truyền thống thành chợ ẩm thực phục vụ du lịch.
Quận 10 là địa phương có nhiều chợ chuyên doanh và nhiều kế hoạch khai thác chợ truyền thống hiệu quả. Một khu chợ chuyển đổi kinh doanh nổi tiếng ở quận 10 là chợ hoa Hồ Thị Kỉ. Đây là một trong 3 ngôi chợ lâu đời được chuyển đổi hình thức thành chuyên doanh thành công trên địa bàn quận trong vòng 5 năm qua (gồm phố nội thất Ngô Gia Tự, phố chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ và trung tâm chuyên doanh dược phẩm Tô Hiến Thành).
Từ khi chuyển đổi, việc bán mua ở những nơi này đi vào nền nếp, văn minh, lịch sự, vệ sinh môi trường, trật tự giao thông được bảo đảm. Đặc biệt, từ khi “thương hiệu” được cụ thể hoá, lượng khách đến chợ hoặc mua bán online cũng đông đảo hơn. Chợ còn phát triển mạnh mảng ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực đêm. Chợ hoa Hồ Thị Kỉ đã trở thành một điểm “check in” quen thuộc của người dân thành phố và du khách, đây cũng là một hướng đi đáng học hỏi.
Hiện quận 10 có kế hoạch biến ngôi chợ truyền thống đag nxuống cấp là chợ Nguyễn Tri Phương thành phố đi bộ đêm thuộc khuôn viên Kỳ đài Quang Trung. Dự kiến đây là điểm vui chơi, thư giãn, ẩm thực, mua sắm, nghệ thuật hấp dẫn của cả quận và thành phố, góp phần phát triển kinh tế đêm.
Cuối năm 2023, trước tình hình đi xuống của các chợ truyền thống, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi UBND thành phố Thủ Đức và quận huyện; đơn vị quản lý chợ về việc rà soát, phối hợp thực hiện các giải pháp góp phần gia tăng mãi lực của chợ truyền thống trên địa bàn TP. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Trong đó, với thực trạng hiện tại, các địa phương cần rà soát, kiểm tra tình hình, quản lý chặt chẽ hiện tượng chợ tự phát, phân khu, phân nhóm chợ cho khoa học, thuận tiện hơn, nâng cao chất lượng hàng hoá và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tái phạm nhiều lần.
Quan trọng không kém là thay đổi hình thức kinh doanh của chợ cho phù hợp với nhu cầu của thời đại. Theo đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị mô hình kinh doanh của chợ truyền thống cần đổi mới theo hướng cung cấp sản phẩm đa dạng và chất lượng; cung cấp các dịch vụ bổ sung như tham quan, ẩm thực; Tổ chức các lễ hội, sự kiện tại chợ để thu hút du khách và người dân; tổ chức các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm tại chợ với quy mô phù hợp; Phát triển chợ theo hướng phục vụ du lịch; xây dựng thương hiệu chợ; Nâng cao kỹ năng bán hàng cho các hộ kinh doanh, số hộ hoạt động kinh doanh...
Với các nhóm giải pháp khá cụ thể trên, cùng với bài học thay đổi tích cực từ một số quận năng động, thời gian tới, có lẽ bài toán “chợ truyền thống” ở TP Hồ Chí Minh sẽ được giải một cách hiệu quả, khiến chợ truyền thống “thay da, đổi thịt”, trở thành điểm đến yêu thích đối với người dân và du khách.