Miền ký ức xa xăm
Cái tên làng hoa Ngọc Hà đã có từ xa xưa, xưa tới mức hiện nay cũng rất ít bậc cao niên trong làng có thể nhớ được cái tên ấy tồn tại từ bao giờ. Tuy nhiên, những câu ca về một miền hoa đã đi vào sử sách như một điểm nhấn của Hà Nội 36 phố phường thì mãi in trong ký ức người dân thủ đô chẳng thể nhòa đi:
“Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát,
Hoa Ngọc Hà thơm ngát gần xa.
Hỏi người xách nước tưới hoa,
Có cho ai được vào ra chốn này?”
Hay:
“Ngày rằm đi chợ mua hoa,
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua.”
Nổi danh là thế, nhưng cũng như bao làng nghề truyền thống khác của đất kinh kỳ, theo thời gian, làng hoa Ngọc Hà dần trở nên mai một. Hoa trong vườn nhà dần thu mình lại vào những chậu cảnh trước sân, ngoài cổng. Cây cảnh, cây thuốc nhường đất vườn cho các tòa nhà, khu chợ,... mọc lên. Các gánh hoa rong của các bà, các chị con gái làng Ngọc Hà dần đi vào dĩ vãng.
Thú chơi hoa tuy còn, nhưng người trồng hoa dần dần hiếm hoi tựa lá cuối thu. Cả một vùng đất hoa thành Thăng Long ngày nào với những tháng ngày sầm uất, ngập tràn sắc hoa trên mọi nẻo đường hiện giờ chỉ còn trong hoài niệm của các bậc lão niên. Trong sự hoài niệm ấy, có cả những mảng ký ức lãng mạn của những cặp đôi nên duyên nhờ gánh hoa rong. Lại có cả những kỷ niệm hào hùng trong thời kỳ chống ngoại xâm, khi mà mỗi bó hoa là một bức mật thư, mỗi cô gái làng hoa đóng vai trò như một chiến sĩ giao liên ở vùng có chiến sự.
Hoa Ngọc Hà dần thu mình lại theo thời gian |
Nhắc lại quãng thời gian đó, bà Trương Thị Xuyến (84 tuổi) - từng là một cô gái làng hoa Ngọc Hà chính gốc như được trở về thời thanh xuân. Bà say sưa kể về một thời lửa bom ác liệt khi từng là một nữ thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ giao liên cho cảm tử quân, đội du kích: “Ngày đó, chiến sự nổ ra, đình Hữu Tiệp, chùa Bát Mẫu thành chiến trường, các cô gái làng được các anh bộ đội căn dặn kỹ lưỡng về cách truyền đạt tín hiệu, mật thư thông qua màu sắc, số lượng của từng loại hoa để góp phần thông tin liên lạc giữa các trận tuyến ác liệt. Thế là hoa cũng đem đi đánh giặc được cơ đấy”. Thời bình, bà lại cùng chị em bạn bè quẩy gánh hoa rong đi khắp 36 phố phường, góp phần tô điểm thêm cho từng căn nhà, góc phố nơi các cô gái ấy đi qua…
Từ sự phai tàn tất yếu tới công cuộc giữ lấy tinh túy làng hoa.
Ấy vậy nhưng khi nhắc tới thời kỳ đất nước đổi mới đi lên vào cuối những năm 1980, tâm trạng bà phần nào chùng hẳn lại. Bởi đó là thời gian có nhiều biến động xã hội, sau khi hình thức hợp tác xã được giải thể, đô thị hóa làm cho đất vườn trồng hoa trở nên thưa dần. Thêm vào đó, các hộ dân hoặc là bán đất vườn lấy kế sinh nhai, hoặc là áp dụng phương pháp trồng, ươm hoa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng với xu thế phát triển của đất nước, nghề trồng hoa truyền thống của làng Ngọc Hà mai một theo thời gian. Bà Xuyến là một trong những người thuộc lớp người sau cùng bám trụ lại với nghề nghiệp của ông cha, nhưng thời thế đổi thay cuối cùng cũng buộc bà phải xếp lại đôi quang gánh đã một thời đi khắp chốn đô thành.
Bà Trương Thị Xuyến – một “cô gái" làng hoa Ngọc Hà chính gốc |
Đáng buồn là thế nhưng hiện giờ, các bậc cao tuổi như bà Xuyến cùng chi hội phụ nữ làng Ngọc Hà cũng vẫn có những cách rất riêng để lưu lại phần nào đó nghề trồng hoa truyền thống khi xưa. Đó chính là khuôn viên tại ngôi đình làng tổ truyền - đình Ngọc Hà. Nơi đây được bao phủ xung quanh bởi những luống hoa, cây cảnh, cây thuốc như mẫu đơn, lan Ý, dạ minh châu, hoa Trạng nguyên,... Ở đây, ta có thể dễ dàng thấy được nhiều giống cây quý từng làm nên thương hiệu cho vùng đất “ngàn hoa” giữa lòng Hà Nội. Có những giống hoa được người làng kỳ công giữ lại, nhưng cũng có những loài cây do người xứ khác đem về. Cùng với đó, kỹ thuật chăm sóc được lưu truyền từ xa xưa của các cô gái Ngọc Hà thuở trước đã khiến những khoảnh vườn nhỏ tại đây quanh năm khoe sắc, tỏa hương.
Đây cũng chính là niềm tự hào của các bà, các chị về một mảnh đất duy nhất trên toàn thành phố Hà Nội còn lưu lại những giá trị xưa cũ của làng hoa Ngọc Hà, theo cách truyền thống, không pha trộn. Khuôn viên đình Ngọc Hà chính là nơi để dân làng, đặc biệt là người cao tuổi có chỗ lui tới để thỏa thú điền viên; cũng là nơi để các lớp người trước truyền lại cung cách trồng và chăm bón hoa cho lớp người trẻ kế cận. Tất cả đều hướng đến việc sẽ níu giữ lấy những giá trị truyền thống đã làm nên tên tuổi cho miền đất ngàn hoa đã từng đi vào lịch sử đất nước nói chung, lịch sử thủ đô nói riêng.
Nhờ vậy, người Hà thành có lẽ sẽ không còn quá nuối tiếc mỗi khi nhắc đến địa danh từng một thời nức tiếng Kinh Bắc khi xưa. Bởi tại một ngôi đình nhỏ, hoa Ngọc Hà vẫn còn đó, vẫn còn những con người tâm huyết, đau đáu với nghề, với việc giữ lấy danh xưng “làng hoa Ngọc Hà” đầy kiêu hãnh.