Nàng dâu mới tung chiêu
Nàng là giám đốc của một công ty truyền thông. Nàng về làm dâu trong phong thái của một nữ tướng người thừa tự tin, thừa tiền, thừa quyền lực, luôn chủ động trong mọi tình thế của cuộc sống.
Ngày đầu tiên nhà có thêm người mới, bữa ăn sáng truyền thống của gia với bát cơm nguội, mấy miếng thức ăn còn lại từ bữa trước, đã được xóa bỏ bằng cơn ngủ muộn và cái vươn vai trễ nải của nàng dâu: Vợ chồng con sẽ ăn sáng ở ngoài mẹ ạ, con lỡ ngủ muộn quá, đến giờ hẹn với khách rồi.
“Đến giờ hẹn với khách rồi” – cái lý do quá hợp lý để ạnh chồng nàng nhanh chóng dắt xe đi cùng vợ, để lại mẹ già ngơ ngác với bữa cơm sáng đang dọn dở.
Hết ngày làm việc, nàng dâu ùa về, mẹ chồng chưa kịp hỏi sao con hứa làm xong sẽ đi chợ luôn mà lại về tay không, thì chuông cửa đã liên tục réo. Người mang đến gạo Điện biên, người mang đến rau Sapa, lợn Mường…
Nhìn giá của những món đồ con dâu mua, mặt mẹ chồng nàng sa sầm vì thói hoang toàng, phung phí của nàng dâu.
Không dừng lại ở việc lựa chọn thực phẩm, nàng dâu mới bắt đầu “cải tổ” lại toàn bộ ngôi nhà. Từ góc bếp đến phòng khách, thậm chí đến cả phòng của mẹ chồng, nàng cho người dọn nhà đến vét sạch đồ thừa. Những món đồ “tri kỷ” của mẹ chồng nhưng có dấu hiệu hỏng hóc, hay có biểu hiện “ không an toàn”, nàng đều thẳng tay vứt đi.
Dù vô cùng tiếc xót, nhưng mẹ chồng nàng không thể “cãi” nổi bởi cái lý của con dâu đưa ra. Ví như cái ấm đu nước chồng bà mua từ những năm 80 của thế kỷ trước, đồ “nồi đồng cối đá” của Nga, bà vẫn tự hào về nó lắm. Vậy mà nàng dâu quyết định bán đồng nát. Nàng bảo: “Nó rất tốn điện. Lại không có chức năng tự ngắt. Mẹ già rồi, ở nhà việc nọ việc kia, cắm nước rồi bỏ quên, có khi cháy cả nhà.”
Hay cái chăn bông 5 kg mà bà chắt bóp mấy kỳ tem phiếu mới mua được cũng bị con dâu lén vứt đi lúc nào không biết. Bực mình, bà định không nhịn mà mắng cho “bà dâu” một trận vì thói tùy tiện. Nhưng vào đúng cái đợt rét nhất, đợt rét cả mấy chục năm mới có 1 lần, nằm trong chiếc chăn điện mỏng manh mà ấm sực con dâu vừa mới mua, nhớ lại tấm chăn nham nhở vết ố mốc, dày bình bịch mà đêm nằm vẫn thấy rét, bà thấy lòng nguôi ngoai đi rõ rệt.
Những ngày lễ, tết, bà không còn cảnh phải dậy lọ mọ từ sáng để đi chợ, rồi lục đục cả buổi trong bếp mới có một mâm cơm đàng hoàng cúng ông bà ông vải. “Đoạt quyền” mẹ chồng, chỉ bằng vài cú điện thoại, 30p, 1 tiếng đồng hồ sau, nàng dâu mới đã xong nhiệm vụ chuẩn bị mâm cơm với đầy đủ gà luộc, xôi đồ, canh măng nem rán… Được chồng mách nước, với những món đã thuộc “bí kíp gia truyền” của nhà chồng nàng chẳng dại gì mà “nấu bằng điện thoại”. Mẹ chồng vì thế vẫn có chỗ để thể hiện vai trò, bữa cơm vẫn vô cùng rôm rả khi các thành viên được xuýt xoa khen món này mẹ nấu ngon, món kia chị dâu mua hợp khẩu vị…
Từ ngày có dâu, mẹ chồng nàng mới biết thế nào là cá hồi, là lẩu nướng, zăm-bông… Cũng từ ngày có dâu, thi thoảng mẹ chồng được con dâu, con trai đưa đi uống café, đi xem phim... con dâu còn mua cho bà một tấm thẻ tập yoga ở trung tâm đầu phố. Thay vì chiều chiều tất bật cơm nước, rồi sốt ruột ngồi bên mâm cơm chờ lũ con về, bà đi tập yoga, đến sinh hoạt với mấy bà hưu trí…
Chưa đến nửa năm sau ngày có con dâu, những hốt hoảng ban đầu đã dần dần lắng lại, bà thấy “cơn gió lạ” mà con dâu mang về cho ngôi nhà của mình thật là một cơn gió mát lành. Thật may, bà đã biết kiềm chế cơn hốt hoảng ban đầu, để có thời gian thích nghi, và nhận ra những thay đổi tích cực của nhân tố mới là cô con dâu hiện đại, tài giỏi.
Mẹ chồng khôn nên nhường ngôi nội tướng
Đã qua rồi thời con dâu về nhà chồng với tâm lý sợ hãi, lo lắng. Con người của thời đại mới luôn tự tin, thoải mái, vui vẻ, thể hiện vai trò, bản lĩnh của mình trong gia đình và trong xã hội. Đặc biệt, khi chủ động được về kinh tế, các cô con dâu càng tự tin và dám thể hiện mình hơn.
Cũng bởi thế, các bà mẹ chồng của thời nay cũng nên theo xu thế của “con người thời đại mới”. Thay vì dóm ngó, xét nét, uốn nắn con dâu theo những thói quen xưa cũ, nên để cho các nàng dâu có cơ hội để thể hiện mình, được tự do trong cuộc sống của mình.
Vạch ra được dăm ba lỗi của con dâu, bắt con dâu phải thế này, thế kia theo lối sống của mình... các bà được gì ngoài cảm giác chiến thắng, rằng đã đe nẹt được một đứa con dâu? Trong khi đó, cái mất đi lớn nhất là tình cảm của mẹ chồng, nàng dâu. Mà khi những người “giữ lửa” trong nhà mặt nặng mày nhẹ, chắc chắn, ngôi nhà đó sẽ không là tổ ấm của tất cả các thành viên còn lại.
Đành rằng “khác máu tanh lòng” nhưng nếu các bà mẹ chồng coi con dâu như con gái, đối xử với con dâu như con gái, chắc chắn sẽ chẳng nàng dâu nào lại không coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Mà có khôn thì mẹ chồng phải hiểu được rằng, nên nhường quyền lại cho con dâu, dại gì không an hưởng tuổi già khi trong nhà đã có một người sẵn sàng nhận cho mình cái danh xưng “nội tướng” khó nhọc mà bấy lâu mình phải è lưng gánh vác!