Làng nghề trăm tuổi
Một chiều tháng 11, như bao ngày khác, ông Nguyễn Văn Tĩnh hối hả di chuyển từ xưởng thủ công về căn nhà của mình. Trong không không gian rộng chừng 30m2 tràn ngập nào sợi mây, tre với 3 người thợ cặm cụi làm việc, ông Tĩnh nhanh chóng lựa chọn lấy 3 sản phẩm mà ông cho là đẹp và đặc trưng nhất trong các sản phẩm mây tre đan để giới thiệu với khách. Đó là một chiếc giỏ xách, một chiếc đèn lồng và một chiếc rế. Cả 3 sản phẩm này đều rất lạ mắt, theo như lời giới thiệu của ông, thì đây là những sản phẩm cực hút khách tại thị trường nước ngoài. Công việc của ông khoảng chục năm nay vẫn như thế, vừa là nghệ nhân trực tiếp sản xuất các sản phẩm mây tre đan, vừa kiêm luôn vai trò là hướng dẫn viên khi có khách tham quan đến. Ông Tĩnh cũng chính là thành viên trong gia đình cả 3 đời đều là nghệ nhân tại Phú Vinh và chính ông cũng vinh dự được công nhận là nghệ nhân ưu tú vào năm 2013.
Nghệ nhân Tĩnh chính là con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, người được dân trong vùng nhắc đến là người có đôi bàn tay khéo léo đến kỳ lạ. Cụ là nghệ nhân đầu tiên đan thành công ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu mây tre truyền thống. Dùng sợi mây, nan tre, để làm ra một sản phẩm bình thường đã khó, nhưng dùng nó để mô tả phong cách, thần thái một con người còn khó hơn nhiều. Sinh thời, cụ Khiếu vẫn thường nói: “Nghề đan mây chỉ được gọi là thành công khi làm ra những sản phẩm mỹ nghệ có hồn”.
Tại Phú Vinh có rất nhiều thế hệ gia đình như ông Tĩnh. Trong sách ghi chép lại, tại nơi đất của trăm nghề - Hà Nội, làng Phú Vinh chính là một trong những làng nghề xuất hiện sớm nhất và còn phát triển cho đến ngày nay. Mây và tre đã xuất hiện trước cả tiềm thức những bậc cao niên trong vùng, trở thành hơi thở nhịp sống hằng ngày của người dân.
Các sản phẩm đan lát của làng Phú Vinh độc đáo và mang nét đặc trưng riêng, rất hút khách. |
Thế nhưng ít ai biết, cội nguồn của những sản phẩm độc đáo tại làng nghề ban đầu không phải từ mây và tre nứa mà là từ chính lông cò. Các cụ cao niên kể lại rằng, cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (tên gọi cũ của làng Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn… Chẳng ai biết tổ nghề của vùng là ai, thế nhưng một điều mà người ta chắc chắn rằng, dân trong vùng – những người nghệ nhân chính là phần hồn cốt quan trọng của “xứ mây” này.
Gần mấy thế kỷ tồn tại và nâng niu tinh hoa của làng nghề, đến nay, các sản phẩm tại làng nghề Phú Vinh được các nghệ nhân sản xuất đạt đến độ tinh tế hoàn hảo. Một điều khiến sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh nổi bật hơn hẳn trên thị trường quốc tế hay ngay tại chính những triển lãm, hội thảo sản phẩm làng nghề trong nước là bởi thiết kế của các sản phẩm vừa mang nét tinh xảo riêng biệt, lại vừa giữ được chất truyền thống đặc trưng của miền quê Bắc Bộ. Độ bền của các sản phẩm có thể lưu giữ được từ 30 – 40 năm.
Hàng chục năm qua, lực lượng lao động ở Phú Vinh quanh năm dành hết thời gian sản xuất gần 1000 mẫu hàng bán sang thị trường các nước trên thế giới. Để phù hợp với thị hiếu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất trong thôn đã chủ động thay đổi hướng sản xuất. Ông Tĩnh tự hào, sản phẩm mây tre đan thì nhiều, “riêng làng nghề Phú Vinh có nét đặc trưng về xiên mây, đan tranh ảnh bằng mây, đan tết các loại hoa văn mà ở các làng nghề khác không có”.
Tận dụng những giá trị truyền thống cả về văn hóa lẫn thương mại của các sản phẩm mây tre, các nghệ nhân làng Phú Vinh luôn không ngừng sáng tạo, học hỏi và nắm bắt xu hướng thị trường, tận dụng cơ hội để phát triển du lịch.
“Biết được lợi thế trên thị trường, lại vừa dịp có cơ chế chính sách khuyến khích du lịch làng nghề, người dân tại vùng đã sáng tạo, chuyển hướng sang làm du lịch song song với sản xuất mây tre đan thủ công. Khách du lịch đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh khá nhiều. Họ đều thích thú đến xem hoạt động đan lát của người dân, ngắm phong cảnh thiên nhiên và được trực tiếp trải nghiệm đan lát theo người thợ đan của làng nghề, nghệ nhân Tĩnh chia sẻ.
Các nghệ nhân đang sản xuất sản phẩm. |
Tìm cơ hội cho du lịch vươn lên
Để du lịch làng nghề thực sự phát triển không phải là điều dễ dàng. Dù rất tâm huyết với sản phẩm đặc trưng của làng nghề và khát khao đưa Phú Vinh trở thành một trong những điểm đến hút khách ở Hà Nội, nhưng khi bước vào thực hiện, những nghệ nhân trong vùng cũng gặp phải khó khăn như những làng nghề khác.
Các chương trình, chính sách phát triển du lịch vùng chưa cụ thể, thiếu sự vào cuộc của các cấp, ngành là một trong những yếu tố khiến du lịch chưa nổi bật ở đây.
Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung lại trăn trở về việc làm sao để quảng bá các sản phẩm tới khách du lịch trong nước và quốc tế. Là người làm ra nhiều sản phẩm nổi tiếng, tham gia nhiều hoạt động quảng bá qua các hội chợ quốc tế, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chia sẻ: “Sản phẩm mây, tre đan của Hà Nội khá phong phú, đẹp mắt, mang nét đặc trưng, tuy nhiên còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, khi so với sản phẩm của các nước bạn thì có một điểm yếu rất rõ là bao bì sản phẩm. Bao bì phải làm sao vừa mang nét đặc trưng của làng nghề, vừa có thiết kế độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa. Chính điều này sẽ tạo ấn tượng tốt của khách hàng đối với sản phẩm. Hiện, phần lớn các làng nghề đều không làm được điều này. Sản phẩm của mình vì thế kém hấp dẫn hơn”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh thuộc gia đình có 3 đời là nghệ nhân tại làng mây tre đan Phú Vinh. |
Luôn mong muốn mang đến cho Phú Vinh một diện mạo mới, để du lịch vùng có sức bật mạnh mẽ hơn, nhiều năm qua, các thế hệ nghệ nhân đều không ngừng nỗ lực quảng bá, đưa sản phẩm của làng ra thị trường thế giới. Nghệ nhân Tĩnh bày tỏ: “Là một nghệ nhân, chúng tôi mong muốn làng nghề phát triển hơn nữa, chúng tôi sẽ là những người đầu tiên, xung phong ủng hộ các chương trình phát triển du lịch. Hy vọng làng nghề Phú Vinh sẽ trở thành một điểm đến quen thuộc đối với tour du lịch thủ đô Hà Nội và du khách du lịch đến tham quan nơi đây”.
Từ các sản phẩm đồ gia dụng, các nghệ nhân trong làng đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, đồ trang trí, trang sức và các sản phẩm phục vụ du lịch, vừa giữ được nghề lại tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. Bên cạnh đó người dân làng nghề biết kết hợp kỹ thuật truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại như thiết kế, phối màu mang lại những nét rất riêng cho dòng sản phẩm, hướng tới khách du lịch và thị trường xuất khẩu. Cho đến nay mây tre đan Phú Vinh đã trở thành nghề truyền thống có tiếng đất Hà thành, đảm bảo giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho một lượng lớn người lao động, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc, cốt cách làng nghề mà cha ông để lại.