Máy bay chở khách không phi công lợi nhiều đường?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Ngân hàng UBS của Thụy Sỹ vừa công bố một báo cáo cho rằng việc phát triển công nghệ cho phép máy bay có thể tự vận hành mà không cần phi công có thể khiến các hãng hàng không tiết kiệm được khoảng 35 tỉ USD mỗi năm, đồng thời còn cải thiện an toàn hàng không. Tuy nhiên, khảo sát cũng thừa nhận không có nhiều hành khách sẵn sàng tham gia trải nghiệm mới như vậy.

Tiết kiệm chi phí và an toàn?

Theo báo cáo do UBS công bố trong tuần này, dù có thể phải đến giữa thế kỷ này thì máy bay không người lái mới có thể chính thức được trình làng nhưng khi viễn cảnh này trở thành hiện thực, số tiền mà các hãng hàng không tiết kiệm được là rất lớn. Trong số 35 tỉ USD được nêu ở trên, theo ước tính của UBS, bao gồm 31 tỉ USD tiền lương và các khoản chi cho các phi công, 3 tỉ USD cho các hoạt động huấn luyện liên quan.

Bên cạnh đó, các chuyến bay cũng sẽ trở nên hiệu quả hơn vì tất cả các hoạt động đều được tự động hóa, được tính toán chính xác đến từng chi tiết bằng máy, đồng nghĩa với việc sử dụng ít nhiên liệu hơn. Chỉ riêng khoản tiền nhiên liệu tiết kiệm được mỗi năm nếu các máy bay tự động hoạt động ổn định đã lên đến 1 tỉ USD. Ngoài ra, việc mọi thứ đều được lập trình chính xác sẽ giúp máy bay có thể bay gần nhau hơn, giúp các hãng bay có thể khai thác bầu trời tốt hơn. Cuối cùng, các hãng hàng không sẽ có thể tăng cường hiệu suất sử dụng máy bay vì họ sẽ không cần phải dựa trên lịch của phi công để sắp lịch bay. Hiện nay, các phi công đều được sắp xếp ngày nghỉ để đảm bảo sức khỏe.

Báo cáo của UBS còn nói rằng dù chi phí vận hành máy bay và nhiên liệu chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều so với chi phí mà các hãng hàng không phải bỏ ra để trả lương cho phi công nhưng một số hãng hàng không lớn có thể tăng gấp đôi lợi nhuận nếu họ chuyển sang vận hành máy bay không người lái.

Cùng lúc, hành khách sẽ được hưởng lợi từ việc vận hành máy bay không người lái. Tiền vé máy bay khi đó sẽ giảm được khoảng 1/10 so với hiện nay. “Hành khách sử dụng dịch vụ của các hãng hàng không của Mỹ sẽ tiết kiệm được trung bình khoảng 11% chi phí”, báo cáo cho biết. Mức tiền mà hành khách ở châu Âu có thể tiết kiệm được được dự báo thấp hơn – chỉ khoảng 4%. 

UBS cũng cho rằng những thay đổi về công nghệ như vậy cuối cùng sẽ khiến cho việc đi lại bằng đường hàng không trở nên an toàn hơn, tối thiểu hóa những sai sót trong buồng lái do con người gây ra vì máy bay khi đó sẽ do máy tính kiểm soát. Hiện nay, theo dữ liệu ở Mỹ, 3/4 những vụ tai nạn hàng không là do lỗi con người. 

Ý tưởng có cơ sở

Các nhà phân tích Jarrod Castle và Celine Fornaro của UBS chỉ ra rằng công nghệ không người lái trong những năm gần đây cũng đã có những bước tiến nhanh chóng. Công nghệ điều khiển các máy bay quân sự không người lái từ xa hoàn toàn có thể sử dụng vào mục đích dân sự. Cho đến nay, hầu hết các hãng chế tạo máy bay lớn trên thế giới cũng đã tiến hành các thử nghiệm máy bay hoàn toàn tự động. Chỉ 2 tuần trước khi UBS công bố báo cáo của mình, hãng Airbus tiết lộ đã hoàn tất thử nghiệm với Sagitta – một máy bay không người lái có thể tự bay trong khoảng 7 phút theo một hành trình bay đã được lập trình sẵn ở Overberg, Nam Phi.

Hãng Boeing tại triển lãm hàng không Paris hồi tháng 6 vừa qua cũng cho biết đang thử nghiệm máy bay không người lái trên các mô hình. Theo đại diện của hãng, hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể thay thế nhiều quyết định hiện do các phi công đưa ra. Trên thực tế, hiện nay, buồng lái máy bay cũng đã được tự động hóa khá cao. Công nghệ hiện cho phép phần lớn các chuyến bay thương mại hoạt động theo chế độ tự động và các máy bay hiện đại có thể sử dụng công nghệ máy tính cho hoạt động cất cánh, bay với tốc độ tiết kiệm xăng nhất và hạ cánh ở một số sân bay kể cả trong điều kiện sương mù. Số phi công trên buồng lái một máy bay tiêu chuẩn cũng đã giảm từ 3 người xuống còn 2 người trong những năm gần đây.

Công nghệ quân sự thậm chí còn tiến bộ hơn. Hải quân Mỹ hiện đã có thể cho một máy bay chiến đấu tự động cất và hạ cánh trên một tàu sân bay vào tháng 7/2013. Ông Doug Davis – Giám đốc chương trình máy bay không người lái ở Trường Đại học bang New Mexico – cho rằng những máy bay không người lái sẽ là sự chuyển đổi lớn tiếp theo trong ngành công nghiệp hàng không.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tương lai không xa?

UBS nói rằng công nghệ cần để điều khiển những máy bay điều khiển từ xa có thể xuất hiện vào năm 2025. Những tiến bộ sau năm 2030 có thể khiến các máy bay kinh doanh và trực thăng có thể hoạt động tự động và cuối cùng, máy bay thương mại sẽ có thể tự hoạt động mà không cần phi công. “Trên một chuyến bay thương mại, nếu chuyển ngay từ 2 phi công xuống không còn người nào trong vòng 10 đến 20 năm tới có thể quá đột ngột nên chúng tôi dự báo ban đầu các hãng hàng không có thể giảm xuống còn một phi công trong buồng lái và một phi công phụ trách điều khiển từ mặt đất”, UBS cho biết. 

Theo dự báo của UBS, việc sử dụng máy  bay không người lái có thể bắt đầu với máy bay chở hàng. “Không giống máy bay chở khách, tình trạng của phi công sẽ không gây nhiều quan ngại. Do đó, việc đưa vào sử dụng máy bay chở hàng không người lái có thể được hiện thực hóa sớm hơn so với máy bay chở khách”, báo cáo nhận định. 

Báo cáo nói trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu phi công của các hãng hàng không đang tăng mạnh do sự phát triển mạnh mẽ các hãng hàng không giá rẻ cũng như sự tăng mạnh số chyến bay thương mại ở châu Á. Bên cạnh đó, trên thực tế, số phi công nghỉ hưu ở một số nước cũng ngày càng nhiều, khiến chi phí đi lại ngày càng cao. Do đó, nó mở ra hy vọng sẽ giải được bài toán thiếu hụt phi công cũng như tiết kiệm chi phí cho ngành hàng không.

Từ năm 2010, Chủ tịch Hãng hàng không Ryanair Michael O’Leary đã tuyên bố rằng ông muốn xin phép để nhà chức trách cho phép máy bay bay với chỉ 1 người trong buồng lái vì phi công thứ 2 có mặt ở đó chỉ để đảm bảo phi công thứ nhất không ngủ gật và thực hiện một vài thao tác điều khiển máy tính. 

Hành khách lo sợ

Tuy nhiên, hơn một nửa trong số 8.000 người mà UBS đã tiến hành khảo sát nói rằng họ sẽ từ chối đi bằng máy bay không người lái dù tiền vé có giảm đi. “Khoảng 54% người được hỏi nói rằng họ sẽ không lên một chuyến bay không có phi công và chỉ có 17% nói sẽ lên một chuyến bay như vậy”, báo cáo cho biết. Theo báo cáo, tỉ lệ chấp nhận bay trên máy bay không người lái có khác nhau ở mỗi nước. Ở Đức và Pháp tỉ lệ này là 13% nhưng ở Mỹ có đến 27% người được hỏi nói sẽ sẵn sàng bay trên máy bay không người lái. Những người trẻ và có giáo dục cũng có xu hướng sẵn sàng thử điều mới mẻ này hơn. 

Hiệp hội Phi công Anh Balpa cũng cảnh báo rằng họ lo ngại về sự phấn khích đối với ý tưởng tương lai này. Theo Balpa, trong trường hợp có sự cố xảy ra, hành khách vẫn muốn có người trong buồng lái. “Tự động hóa đã hỗ trợ cho các hoạt động của máy bay nhưng mỗi ngày các phi công vẫn phải can thiệp khi chế độ tự động có vấn đề. Máy tính có thể bị lỗi và vẫn cần phải có người để điều khiển máy tính. Hầu hết chúng ta đều sở hữu một số thiết bị điện tử có thể làm được những việc kỳ diệu nhưng vẫn cần con người điều hành các thiết bị đó”, ông Steve Landells, chuyên gia về an toàn chuyến bay của Balpa nhận định.

Nhiều người nêu lại vụ việc xảy ra với một chuyến bay của hãng hàng không US Airways hồi tháng 1/2009 làm dẫn chứng. Khi đó, chỉ 6 phút sau khi cất cánh khỏi thành phố New York, máy bay bị một đàn ngỗng trời đâm vào cả 2 động cơ, khiến hệ thống cánh quạt nén khí hư hỏng nặng. Chỉ trong vòng 2 phút, phi công anh hùng Chesley Sullenberger đã đánh giá mức độ thiệt hại cũng như những hệ lụy của vụ việc. Sau đó, ông quyết định lựa chọn duy nhất là hạ cánh khẩn xuống sông Hudson. Nhờ quyết định đó mà máy bay đã hạ cánh an toàn trên mặt nước và toàn bộ những người có mặt trên máy bay đều sống sót. 

Các chuyên gia trong ngành hàng không cũng cho rằng ý tưởng sử dụng máy bay không người lái sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ hành khách. “Chuyện đó là tương lai khá xa. Một hãng hàng không sẽ phải rất dũng cảm mới dám đưa phi công khỏi buồng lái. Bởi, lo ngại số 1 của hành khách là gì? Đó là họ sẽ được an toàn”, ông Chris Tarry, một chuyên gia hàng không nhận định.

Còn ông Mike Sinnett – Phó Chủ tịch phụ trách công nghệ tương lai của Boeing – thì thừa nhận sự phát triển của công nghệ hiện vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu an toàn. “Chúng ta chưa đủ thông minh để lập trình sẵn tất cả các chương trình đối phó với mọi tình huống. Máy móc sẽ phải có khả năng đủ để đưa ra một loạt những quyết định. Nếu chưa thể làm được việc đó thì chúng ta chưa thể hiện thực hóa được kế hoạch sử dụng máy bay chở khách không người lái”, ông nhận định. 

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.