1. Phân biệt phế liệu và chất thải
Theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014, Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác (Khoản 16 Điều 3).
Còn chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác (khoản 12 Điều 3)
Dựa trên các định nghĩa này, có thể phân định phế liệu và chất thải dựa vào 3 tiêu chí sau:
- Các yếu tố có thể trở thành phế liệu, chất thải:
Đối với phế liệu: Chất thải là vật chất, có thể tồn tại dưới những dạng như rắn, lỏng, khí hoặc các dạng khác. Những yếu tố phi vật chất không thể là chất thải. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với những yếu tố cấu thành môi trường theo pháp luật môi trường.
Đối với chất thải: là những vật chất tồn tại ở dạng rắn, lỏng, khí. Như vậy, các yếu tố có thể trở thành chất thải rộng hơn nhiều so với phế liệu.
- Các yếu tố trên bị từ bỏ giá trị sử dụng:
Với phế liệu: Với trường hợp trở thành phế liệu, việc từ bỏ giá trị, công dụng của chủ sở hữu vật chất mang tính chủ động.
Với chất thải:Trong trường hợp chất thải, việc từ bỏ giá trị công dụng của chủ sở hữu vật chất bao gồm cả trường hợp chủ động và bị động.
- Mục đích sau khi bị thải ra:
Với phế liệu: thu hồi và tái sử dụng làm nguyên liệu mới cho quá trình sản xuất khác
Với chất thải: Luật BVMT 2014 không đề cập tới mục đích sau khi vật chất bị thải ra mà quy định phải có biện pháp xử lý, tiêu hủy phù hợp với từng loại chất thải.
2. Pháp luật môi trường về nhập khẩu phế liệu
Ngoài Luật BVMT 2014, việc nhập khẩu phế liệu còn được quy định trong các văn bản pháp quy khác đó là: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu; Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Nghị định 179/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
- Chủ thể được phép nhập khẩu phế liệu:
Điều 55 Nghị định 38 quy định 2 đối tượng được phép nhập khẩu phế liệu, đó là: Tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; và Tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
- Các phế liệu được nhập khẩu vào Việt Nam
Theo Điều 76 Luật BVMT 2014, chỉ được nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo Quyết định số 73.
- Điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu
Khoản 2 Điều 76 Luật BVMT 2014 đưa ra 2 yêu cầu cơ bản đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu, đó là:
a) Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường;
b) Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Và trong Điều 56 Nghị định 38 quy định chi tiết điều kiện về bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu. Các điều kiện cụ thể cho cả tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu và cả tổ chức, cá nhân nhận ủy thác nhập khẩu.
Các tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu phế liệu đều phải kí quỹ bảo đảm theo quy định tại các Điều 57, 58, 59, 60 của Nghị định 38.
- Xử lý vi phạm
Trong quy trình nhập khẩu, xử lý phế liệu, nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm tác động xấu tới môi trường thì số tiền kí quỹ bảo đảm sẽ được sử dụng để khắc phục hậu quả ô nhiễm do phế liệu nhập khẩu gây ra. Nếu số tiền ký quỹ bảo đảm không đủ để khắc phục hậu quả thì người có hành vi vi phạm phải thanh toán thêm toàn bộ các khoản chi phí xử lý phế liệu nhập khẩu.
Khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 179/2013.
Và nếu hành vi vi pham có cấu thành tội phạm thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật Hình sự.