Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Xung quanh việc phổ biến triển khai Luật Báo chí 2016, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Xin ông cho biết những điểm mới, tiến bộ của Luật Báo chí 2016 so với Luật hiện hành, thưa ông?
Ông Lưu Đình Phúc: So với Luật Báo chí năm 1999, Luật Báo chí 2016 có nhiều tiến bộ hơn. Thể hiện rõ nhất là bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Quan điểm này thể hiện rất rõ trong tất cả các quy định của Luật mới, cụ thể như mở rộng đối tượng ra báo, hình thức cơ quan báo chí được phép liên kết với các nguồn lực trong xã hội để sản xuất thông tin, bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…
Những quy định liên quan đến cải chính trên báo chí cũng được thể hiện rõ ràng: Nếu cơ quan báo chí nào đăng sai sự thật thì phải thực hiện cải chính thông tin với quy định về vị trí đăng, nội dung thông tin, thời lượng. Chẳng hạn đối với báo điện tử, nếu đăng sai thông tin thì phải ngay lập tức gỡ bỏ thông tin sai sự thật, trường hợp lấy lại nội dung báo chí đã phát nhưng sai sự thật thì cũng ngay lập phải gỡ bỏ và cải chính thông tin, các trang tin tổng hợp cũng phải đăng cải chính thông tin. Điều này nhằm bảo đảm quyền cá nhân, tổ chức bình đẳng về thông tin trong quan hệ với cơ quan báo chí. Đó là những quy định nổi bật của Luật lần này.
Là đại diện phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông có kỳ vọng gì về những thay đổi trong hoạt động báo chí, hoạt động quản lý báo chí sau khi Luật mới này đi vào cuộc sống?
Ông Lưu Đình Phúc: Tôi thấy sự tham gia đông đảo của các cơ quan báo chí khi nghe phổ biến triển khai Luật lần này, cho thấy các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên rất quan tâm đến hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí. Thời gian tới, khi Luật chính thức đi vào cuộc sống, với những quy định cụ thể, tôi tin rằng hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên sẽ khởi sắc hơn, cơ quan báo chí sẽ phát triển hơn, đồng thời bảo đảm hành lang pháp lý hoàn chỉnh, hạn chế thông tin không khách quan, sai sự thật, ảnh hưởng tới tổ chức, cá nhân cũng như xã hội.
Gần đây, có tình trạng nhà báo bị hành hung trong quá trình tác nghiệp, ông đánh giá như nào về tình trạng này và Luật Báo chí mới 2016 có điều khoản cụ thể nào để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp, thưa ông?
Ông Lưu Đình Phúc: Những việc làm cản trở nhà báo trong quá trình tác nghiệp không phải bây giờ mới diễn ra mà đã xảy ra nhiều vụ việc trước đó, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kỷ cương của pháp luật nói chung, cũng như hạn chế quyền tác nghiệp của phóng viên. Theo tôi, trong những trường hợp như thế này, các cơ quan quản lý cần có tiếng nói để yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc sớm nhất, tìm rõ nguyên nhân, nhằm bảo vệ hoạt động tác nghiệp của phóng viên, không để xảy ra tình trạng tương tự, đồng thời cần có những xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật, nhằm mang tính răn đe, tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Đối với bản thân các phóng viên, nhà báo cần phải tự trang bị kiến thức về Luật Báo chí (Điều 25 trong Luật Báo chí 2016) và có những hành xử để tránh những rủi ro trong quá trình tác nghiệp mà lại hoàn thành được nhiệm vụ tòa soạn giao.
Liên quan đến thông tin về nước mắm có chứa arsen trong thời gian gần đây, hàng loạt cơ quan báo chí bị xử lý về thông tin này. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp cho rằng, thông tin nước mắm có chứa arsen là khách quan vì các báo đăng theo công bố của một tổ chức thì tại sao lại bị xử phạt. Xin ông chia sẻ rõ hơn về sự việc này?
Ông Lưu Đình Phúc: Việc xử lý này là cơ quan quản lý đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động báo chí. Vì những thông tin mà cơ quan báo chí công bố tới công chúng thì phải từ người phát ngôn của cơ quan hành chính Nhà nước nhưng trong sự việc này lại không phải cơ quan quản lý Nhà nước, nên cơ quan báo chí không có quyền miễn trừ trong trường hợp này.
Nếu báo chí đăng lại lời phát ngôn của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan hành chính Nhà nước thì báo chí không phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng. Còn với những thông tin trong sự việc về nước mắm vừa rồi thì đây không phải là cơ quan hành chính Nhà nước, hơn nữa tổ chức công bố thông tin lại công bố một khảo sát liên quan tới chức năng của cơ quan Nhà nước về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế. Bộ Y tế mới là cơ quan công bố chất lượng sản phẩm có đạt hay không.
Hơn nữa, khi đăng thông tin thì một số cơ quan báo chí lại làm sai lệch bản chất thông tin, như thông tin về tỉ lệ arsen vượt ngưỡng cho phép và đánh đồng với chất gây ung thư trong khi thực chất, arsen có trong nước mắm là arsen hữu cơ, không nguy hại tới sức khỏe con người còn thạch tín – được biết đến như chất độc, gây ung thư - là arsen vô cơ. Đưa tin như vậy có tác động rất xấu tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống cũng như gây hoang mang trong dư luận xã hội./.