[links()]Bản án sơ thẩm dân sự số 11/2013/DSST ngày 31/5/2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu xét xử vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng” giữa nguyên đơn là ông Trần Xuân Lập, một nông dân già cả, điếc nặng với bị đơn là ông em vợ Lê Duy Nguyên, Giám đốc doanh nghiệp, nguyên Đại biểu Quốc hội để lại nhiều “mảng tối” cần được ánh sáng công lý soi rọi.
Hơn 2 năm qua, TAND huyện Quỳnh Lưu đã 5 lần mở phiên tòa xét xử vụ án nói trên với nhiều sai sót trong tố tụng, đặc biệt là ra phán quyết “đình chỉ vụ án” trái pháp luật bị TAND tỉnh Nghệ An hủy bỏ, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại. Ngày 31/5/2013 HĐXX bỗng dưng đưa ra bản án với nội dung đơn giản đến không ngờ: Bác đơn khởi kiện của nguyên đơn vì “không có cơ sở”.
Quyết định của tòa gây “chấn động” đối với nguyên đơn- gia đình một nông dân nghèo chỉ biết tin vào công lý- và đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng xét xử của tòa án địa phương. TAND huyện Quỳnh Lưu đã tuyên “Bác đơn khởi kiện” sau khi đưa ra căn cứ: Lâm bạ số 02 mang tên ông Trần Xuân Lập, nhưng ông Lê Duy Nguyên ký (mạo) tên ông Lập, việc này cả 2 ông đều thừa nhận, do đó đã vi phạm về trình tự thủ tục giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho người được giao đất theo quy định của Luật Đất đai năm 1987 và Nghị định 30 ngày 23/3/1989 và quy định tại Điều 2, 3 của Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu. Như vậy sổ lâm bạ giao đất cho hộ gia đình ông Trần Xuân Lập theo Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 là chưa hợp pháp, chưa xác lập QSDĐ của gia đình ông Lập. Ông Trần Xuân Lập cho rằng gia đình ông được cấp 36,5ha rừng theo Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 của UBND huyện Quỳnh Lưu để khởi kiện ông Lê Duy Nguyên là không có cơ sở. Theo Điều 688 Bộ luật Dân sự đất chưa được xác lập để Nhà nước giao đất.
Phiên tòa xử vụ "ngũ lạ" để lại nhiều hệ quả pháp lý và dấu hỏi về chất lượng xét xử |
Nếu chỉ đơn giản như vậy thì có cần mở đi mở lại tới 5 phiên tòa xét xử, kéo dài quá trình tố tụng tới hơn 2 năm, thậm chí HĐXX ngày 27/3/2012 do một Phó Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu làm chủ tọa còn lúng túng đến mức ra “Quyết định đình chỉ vụ án vi phạm pháp luật tố tụng dân sự”, và bị TAND tỉnh Nghệ An quyết định: “Hủy toàn bộ Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 03/2012/QĐST ngày 27/3/2012 của TAND huyện Quỳnh Lưu, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết theo quy định” (Quyết định số 01/2012/QĐKDTM-PT ngày 25/7/2012 của TAND tỉnh Nghệ An)?
Sự thực, việc ông Nguyên giả mạo chữ ký ông Lập không những ngay từ khi làm đơn khởi kiện phía nguyên đơn đã nêu rõ, thậm chí còn làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an; tại các phiên xét xử, trong trình bày của mình trước tòa, ông Lê Duy Nguyên cũng công khai thừa nhận việc “mượn tên” ông Lập để xin cấp đất rừng và đặc biệt công khai thừa nhận việc ký mạo tên ông Lập. Vậy tại sao trong quá trình thụ lý vụ án thẩm phán không nhận ra, tại sao các phiên tòa với các HĐXX cũng không nhận ra, chỉ đến khi HĐXX do thẩm phán Lê Anh Sơn làm chủ tọa ngày 31/5/2013 thì mới nhận ra và lấy làm căn cứ để ra phán quyết: Bác đơn khởi kiện của ông Trần Xuân Lập vì “không có cơ sở”?
Khoản 2, Điều 688 Bộ luật Dân sự về “Căn cứ xác lập quyền sử dụng đất” ghi: “Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất”. Vậy hộ gia đình ông Trần Xuân Lập được UBND huyện Quỳnh lưu ra Quyết định số 02 ngày 10/1/1993 giao cho 36,5 ha rừng (tức là đã thể hiện ý chí của Nhà nước về việc giao đất và công nhận quyền sử dụng đất cho ông Lập) và gia đình ông Lập đã có trên 2400 công cùng tổ hợp trồng rừng là phù hợp với điều 1,2 Quyết định số 02 và Khoản 2, Điều 688 Bộ luật Dân sự. Có nên bỏ qua những căn cứ trên để chỉ tập trung vào sơ suất về thủ tục, do tình cảm gia đình ông Lập đã cho qua việc ông em vợ Lê Duy Nguyên ký mạo tên mình vào sổ lâm bạ, nhưng vẫn nghĩ 36,5 ha đất rừng trong sổ lâm bạ vẫn thuộc quyền sử dụng của mình, và thực tế vẫn đứng tên và bỏ công trồng rừng trên 36,5 ha đất rừng, để “vô hiệu hóa” sổ lâm bạ, bác đơn khởi kiện của ông Lập?
Tòa bác quyền khởi kiện của ông Lập chỉ vì hành vi trái pháp luật ký mạo chữ ký tên ông Lập của ông Nguyên. Lỗi không phải do ông Lập, nhưng ông Lập lại gánh chịu hậu quả. Còn ông Nguyên quản lý sử dụng 36,5ha đất rừng mang tên ông Lập bằng hàng loạt hành vi gian dối đã được chính HĐXX sơ thẩm nhận định trong bản án số 11/2013/DSST ngày 31/5/2013 rằng: “Đã có kết luận giám định các chữ ký tên ông Lập đều không phải do ông Lập ký, ông Nguyên thừa nhận ông đã tự làm và ký vào biên bản góp đất, sổ lâm bạ, giao nhận thực địa”, nhưng HĐXX không hề có ý kiến gì về việc ông Nguyên vi phạm pháp luật. Đây là điều khó thuyết phục nhất của bản án, không công bằng giữa nguyên đơn và bị đơn, không tương xứng giữa hành vi và hậu quả pháp lý.
Bản án sơ thẩm ngày 31/5/2013 của TAND huyện Quỳnh Lưu nhận định: “Đã có kết luận giám định các chữ ký tên ông Lập đều không phải do ông Lập ký, ông Nguyên thừa nhận ông đã tự làm và ký vào biên bản góp đất, sổ lâm bạ, giao nhận thực địa. Ông Lê Duy Nguyên giả chữ ký nhận lâm bạ của người khác, ký giả tên trong hai Bản cam kết...để hợp lý hóa việc chiếm đất của mình.
Việc giả mạo giấy tờ, chứng cứ của ông Lê Duy Nguyên lại được sự tiếp tay của một số cán bộ xã Quỳnh Lập, cán bộ huyện, hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu ký xác nhận đã làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm hại và sinh biết bao hệ lụy. Tại các phiên Tòa xét xử vụ án “ Tranh chấp QSD đất lâm nghiệp và tài sản” giữa ông Trần Xuân Lập và ông Lê Duy Nguyên, luật sư đã nhiều lần đề nghị HĐXX xem xét có kiến nghị đến Cơ quan điều tra khởi tố và điều tra hành vi giả mạo giấy tờ chiếm đoạt tài sản theo Điều 141 Bộ luật hình sự của ông Lê Duy Nguyên và sự tiếp tay của một số cán bộ xã, huyện Quỳnh lưu cho sự giả mạo của ông Nguyên nhưng đều bị phớt lờ???
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Quỳnh Lưu ngày 31/5/2013 đã tuyên để lại hệ quả pháp lý rất nguy hiểm, đó là: Người bị người khác ký tên vào sổ lâm bạ mang tên mình thì bị mất quyền khởi kiện, mất đất rừng được giao; còn người ký giả mạo vào sổ lâm bạ và làm nhiều văn bản có dấu hiệu giả mạo khác thì lại được sử dụng 36,5ha đất rừng mang tên người khác.
Gia đình nông dân nghèo Trần Xuân Lập đang chờ công lý soi sáng những “mảng tối” sau vụ án đầy những “chuyện lạ” này.
PLVN tiếp tục cập nhật.
Quốc Huy - Thành Lê