Bị cáo có chứng cứ cho rằng, bị hại mang xe đến để cho mượn trong khi những cáo buộc chiếm đoạt tài sản mà Viện kiểm sát đưa ra lại dựa trên những lời khai thiếu căn cứ.
Đến nhà vay tiền hay vì chuyện tình cảm?
Theo cáo trạng của VKSND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thì ngày 17/03/2010, ông Trần Mạnh Thắng đến Cty của ông Trần Văn Tần mượn xe ôtô Hyundai Getz mang BKS 30T- 4960 do ông Tần thuê của Cty CP thiết kế xây dựng và vận tải Đông Hà Nội để làm phương tiện đi lại. Cùng thời gian này, ông Thắng nhờ chị Vũ Thị Lan giới thiệu và cùng đi với chị Lan đến gặp chị Nguyễn Vũ Hoàng Oanh để hỏi vay tiền.
Tại nhà chị Oanh, ông Thắng đề nghị vay 200 triệu đồng và chị Oanh đồng ý với yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Vì thế, ông Thắng đã sử dụng xe ô tô mượn của ông Tần cùng bản photo giấy tờ xe thuê, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Ích Ảnh, sổ hộ khẩu của gia đình ông Thắng làm “tài sản thế chấp” để vay số tiền trên.
Sau khi thỏa thuận xong về các điều kiện vay mượn, chị Oanh đi lấy tiền và hẹn ông Thắng đến Hàng Khoai để thực hiện việc giao nhận tiền. Tuy nhiên, khi ông Thắng đến điểm hẹn thì không gặp chị Oanh, liên lạc bằng điện thoại nhiều lần nhưng không được. Vì thế, ông Thắng về mà không lấy được tiền vay. Tài sản thế chấp cũng để lại nhà chị Oanh từ ngày 17/3/2010.
Đến tháng 6/2010, ông Thắng bị người cho mượn xe tố cáo là chiếm đoạt chiếc ô tô đã mượn. Để cứu mình, ông Thắng cũng làm đơn tố cáo Oanh với nội dung là chị Oanh lừa đảo chiếm đoạt ô tô này từ ông Thắng.
Tuy nhiên, theo chị Oanh thì sự việc không đúng như kết luận của CQĐT. Vào thời điểm trên, chị Vũ Thị Lan đã đưa ông Thắng đến nhà chị với mục đích giới thiệu bạn cho chị Oanh chứ không phải là vay tiền. Ông Thắng đã để lại chìa chiếc ô tô mà ông đi mượn cho chị Oanh sử dụng mặc dù chị Oanh không có yêu cầu. Khi phát hiện chiếc xe để ở ngoài đường, sợ rằng chiếc xe bị trộm cắp nên chị Oanh đã mang đi gửi giữ tại bãi Song Cường trên đường Trần Duy Hưng.
Buộc tội với chứng cứ mù mờ
Sau khi không thấy ông Thắng đến xe, chị Oanh đã lần theo số điện thoại của Cty CP thiết kế xây dựng và vận tải Đông Hà Nội để thông báo việc đang giữ chiếc xe ô tô của Cty do ông Tần thuê. Một nhân viên của Cty này là chị Thủy đã nhận được thông tin nhưng cho rằng xe đã cho thuê thì người thuê chịu trách nhiệm quản lý và phải đem trả Cty.
Khi ông Thắng tố cáo chị Oanh thì CQĐT, VKSND quận Hai Bà Trưng đã cho rằng việc chị Oanh giữ chiếc ô tô mà ông Thắng “cầm cố” nhưng không đưa tiền cho ông Thắng vay là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã khởi tố chị Oanh về tội danh này. Trong khi đó, ông Thắng mượn xe của người khác rồi đem đi cầm cố nên cũng bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư Phạm Thị Hương Giang, người bào chữa cho chị Oanh thì trong vụ án này chứng cứ buộc tội đối với chị Oanh không rõ ràng, có dấu hiệu oan sai. Việc chị Oanh gọi cho điện cho Cty CP thiết kế xây dựng và vận tải Đông Hà Nội (chủ phương tiện) để thông báo việc xe của Cty này đang được chị gửi giữ cho thấy chị Oanh không có ý thức chiếm đoạt chiếc xe, nên việc cáo buộc chị Oanh “chiếm đoạt” tài sản của ông Thắng là không có cơ sở.
Hơn nữa, nếu chị Oanh chiếm đoạt chiếc xe và không đưa tiền cho ông Thắng vay thì ngay lúc đó, ông Thắng đã phải có phản ứng ngay. Nhưng thực tế, từ khi giao xe cho chị Oanh đến khi chị Oanh trả xe cho chủ, ông Thắng không có ý kiến gì.
Ông Thắng chỉ “tố” chị Oanh khi chính bản thân ông này bị tố cáo. Phải chăng, phía sau sự việc còn có ẩn tình và việc chị Oanh cho rằng, ông Thắng đưa xe cho chị sử dụng liên quan đến vấn đề tình cảm là có thật chứ không phải vì việc vay tiền. Các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ những ẩn tình này để không làm oan đối với các bị can trong vụ án.
Chiếm giữ không phải chiếm đoạt? Xung quanh vụ án còn nhiều uẩn khúc này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Ngô Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Hà Giang để làm rõ hơn bản chất vụ án. Thưa Luật sư, có ý kiến cho rằng, việc buộc tội “lừa đảo” đối với người nhận thế chấp mà chưa giao tiền là không đúng, ông có ý kiến gì về vấn đề này? - Nếu nói đây là một tranh chấp dân sự thì hoàn toàn đúng nhưng truy tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải xem xét lại vì tôi nhận thấy chưa có đủ cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ việc này. Nếu trong vụ án này, chị Oanh chưa đưa tiền cho vay mặc dù đã nhận tài sản đảm bảo thì ông Thắng hoàn toàn có quyền đòi tiền vay. Như vậy, nếu sự thật như CQĐT kết luận thì bản chất đây là tranh chấp về nghĩa vụ dân sự theo hợp đồng chứ không phải là tội phạm. Việc chị Oanh giữ tài sản mà ông Thắng giao, không đưa tiền cũng không trả lại tài sản thế chấp có phải là hành vi chiếm đoạt không, thưa ông? - Nếu chị Oanh mang bán chiếc xe và lấy tiền sử dụng thì có thể xác định đây là hành vi chiếm đoạt. Nhưng chị Oanh đã mang chiếc xe đó đi gửi và có thông báo cho chủ xe biết việc mình giữ xe để yêu cầu chủ xe đến lấy thì đó là hành vi giữ xe chứ không chiếm đoạt xe. Đối với tài sản mà việc sở hữu phải đăng ký thì việc chiếm đoạt hoàn thành khi đã đăng ký sở hữu xe hoặc chuyển hóa tài sản đó thành tiền một cách bất hợp pháp. Trong vụ án này, chị Oanh không bán xe để lấy tiền, không chuyển xe sang tên mình thì không thể nói là chiếm đoạt được. Hành vi chiếm giữ xe có thể xuất phát từ một giao dịch dân sự hoặc xuất phát từ hành vi đơn phương, song đều không phải là tội phạm. Đây là vụ việc tranh chấp dân sự thuần túy giữa các bên liên quan. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh