Bước sang tuổi 30, Thanh Hoan, ở Thanh Xuân, Hà Nội vẫn háo hức mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Trước đây gia đình cô làm ruộng nên từ 3 hôm trước Tết, mẹ đã hì hụi thổi xôi, giã men, ủ làm rượu nếp cái. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu phủ lá sen, dưới là chậu hứng lấy nước rượu để khi ăn trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu.
Giờ không tự làm nếp cái nữa, nhưng năm nào cô cũng chuẩn bị một cái Tết Đoan Ngọ tươm tất. Sáng sớm nay, Hoan ra chợ chọn hoa quả tươi ngon, nếp cái, xôi ngũ sắc và tự nấu chè hạt sen, táo đỏ, kỳ tử.
Với chị Nguyễn Hằng, ở Đan Phượng, Hà Nội cứ ngày này là "ký ức tuổi thơ lại ùa về dữ dội". Ngày ấy, mẹ mua mớ lá móng tay. Đêm trước Tết Đoan Ngọ mẹ giã nhỏ lá, gói chặt vào từng móng tay cho mấy chị em gái. Đứa nào cũng hồi hộp, háo hức cả đêm, ngứa cũng không dám cử động. Sáng hôm sau việc đầu tiên mẹ làm là bảo các con mở tay xem đã lên màu cam đẹp chưa. Đây là một tục lệ để trừ tà của người dân địa phương.
Trước hiên nhà đã bày mẹt nếp cẩm, xoài cóc, mận để cả nhà cùng ăn giết sâu bọ trước khi ăn sáng. Khi ăn, ai cũng không được quên câu thần chú "giết sâu sâu chết, giết bọ bọ chết". Giờ đây lập gia đình, ngày này của Hằng chỉ còn đơn giản với ít hoa quả và rượu nếp cái.
Tại quê Thái Bình của Việt Linh, 28 tuổi, đúng chính Ngọ ngày 5/5 có tục "khảo cây". Những cây nào điếc trái, không ra quả thì những đứa trẻ sẽ được phép leo tít lên ngọn. Người bên dưới sẽ cầm dao hoặc thứ gì đó giả vờ rất "nguy hiểm" mà khảo:
- Cây kia, sang năm có ra quả không?
- Có, những đứa trẻ thích thú hô to.
- Mày ra mấy quả?
- Ra mười lăm, hai mươi chục quả - tiếng cười của trẻ càng to dần.
- Mỗi quả to bằng nào?
- Bằng cái thùng ạ..., lũ trẻ tụt xuống, ôm bụng cười ngặt nghẽo.
Tết Đoan Ngọ hằn trong kí ức Linh là những buổi gia đình đoàn viên bên mâm cơm thịt vịt sau mùa gặt thơm thịt, béo chắc. Hiện nay đã lập gia đình, Linh vẫn sửa soạn tươm tất như những gì ngày xưa ông bà dạy, với thịt vịt, hoa tươi, cơm rượu và bánh gio. "Tôi có thể vẫn sửa soạn chỉn chu nhưng một phần trong ký ức tôi vẫn không thể nào bồi đắp", Việt Linh chia sẻ.
Sáng nay Cẩm Nhung, 29 tuổi ở Quảng Ninh đã chuẩn bị cả một mâm cỗ chỉ trong khoảng một tiếng với nếp cái, sữa chua, chè sen vải. Trong đó cô mất thời gian nhất vào tỉa quả dưa hấu, trong khoảng 20 phút.
"Tết Đoan ngọ ngày xưa bà nội thường gọi tôi dậy sớm, đưa cho một mảnh sành để ném vào chum. Sau đó tắm nước dừa và được thưởng thức mâm cỗ bà đã chuẩn bị sẵn. Chính vì vậy khi lớn lên, mỗi năm ngày này tôi đều chuẩn bị đầy đủ như cách bà nội từng làm", Nhung chia sẻ.
Chị Nguyên Hạnh, 38 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình đã chuẩn bị hai mâm cỗ mặn và ngọt. Mâm mặn chị mất tới 2 giờ chuẩn bị, gồm các món: Cá hồi áp chảo, thịt bò xào hoa thiên lý, măng nhồi thịt hấp, gà hấp xì dầu, gà kho gừng, nộm tôm bầu, cá chiên, dưa gang muối chua, vịt om sấu.
"Truyền thống quê tôi ngày 5/5 là đi tết cha mẹ 2 bên, rồi làm mâm cơm mặn và hoa quả cúng", chị cho hay.
Truyền thống quê của Nguyễn Thu Hường, 33 tuổi ở thành phố Vinh, Nghệ An là ăn thịt vịt. Sáng nay, bố Hường ra chợ mang về 5 con vịt làm đủ món: tiết canh, luộc, canh măng vịt... Chừng 10h sáng cả nhà với hơn chục người đã có thể quây quần bên mâm cỗ toàn vịt.
"Bố mình nấu ăn ngon nhưng bị mất tay phải do chiến tranh nên ít khi vào bếp. Vì thế ngày giết sâu bọ với gia đình mình còn gọi vui là Ngày bố vào bếp hay Ngày thịt vịt", Hường nói.
Nguyễn Thùy Trang, Quận 5, TP HCM cũng dậy sớm chuẩn bị mâm cỗ cúng với bánh trôi, xôi nếp ngũ sắc, một cách đổi mới khác truyền thống bánh gio, bánh ú mọi năm.
Trong truyền thống của người Hoa, Tết Đoan ngọ không thể thiếu bó lá thơm. Vợ chồng Tăng Ái Linh, TP HCM đang thay bó lá thơm năm trước bằng bó lá tươi năm nay. Bó lá đặt trước nhà gồm: xương rồng, liễu, khuynh diệp, ngũ trảo, đơn đỏ... để trừ tà ma, đem lại may mắn.
Tại miền Tây Nam Bộ, gia đình Loan Anh, 23 tuổi làm mâm cơm tươm tất với bánh xèo, thịt kho, khổ qua nhồi thịt và canh sườn heo hầm thuốc bắc, với vị ngọt đặc trưng.
"Với người miền Tây, ngày này không thể thiếu bánh xèo, nhiều nhà còn nấu thêm cả bánh canh thịt vịt", Loan Anh chia sẻ.