Mùi hôi khó chịu tác động trực tiếp đến khứu giác, gây khó thở, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng thế nào là ô nhiễm mùi và xử lý ô nhiễm về mùi như thế nào vẫn là vấn đề khiến các cơ quan chức năng lúng túng...
Những đống rác như thế này góp phần tạo nên mùi khó chịu, ô nhiễm môi trường |
Chờ hướng dẫn
Thời gian gần đây một số người dân trên địa bàn TP. Hải Phòng phản ánh tình trạng một số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, nhựa phế liệu, sắt, thép… gây mùi khó chịu, làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống, khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ.
Tuy nhiên, để xác định những cơ sở sản xuất gây mùi khó chịu có gây ô nhiễm môi trường hay không, ô nhiễm ở mức độ nào… lại gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến nay, vẫn chưa có một quy định rõ ràng về mức quy “chuẩn” cho “ô nhiễm mùi” làm cơ sở xác định ô nhiễm môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Lan - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở TN&MT TP. Hải Phòng, hiện “ô nhiễm mùi” vẫn đang là vấn đề nhạy cảm, còn bỏ ngỏ để chờ thông tư hướng dẫn của Bộ TN&MT. Để quản lý tốt vấn đề này, Bộ TN&MT phải quy định rõ các thông số thống nhất để làm mức “chuẩn” cho mùi, hướng dẫn cụ thể về cách thức lấy mẫu, máy móc, trang thiết bị phân tích, đo đạc… rồi mới đem đối chiếu với chỉ số chuẩn để có cơ sở xác định có gây ô nhiễm môi trường về mùi hay không…
Bà Lan cũng cho biết thêm, mùi hôi có thể phát ra từ nhiều chủ thể, nhiều vật liệu khác nhau và nhiều khi rất khó xác định xem mùi được bắt nguồn từ đâu.
Đặc biệt, trong các khu công nghiệp lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm DN thì việc xác định lại càng khó khăn, kể cả khi đã xác định được chủ thể gây mùi rồi thì cũng rất khó xác định đâu là mùi độc hại, gây khó chịu, còn đâu là bình thường. Trong nhiều trường hợp đối với người ngoài thì cho rằng đó là mùi khó chịu, nhưng với các công nhân trực tiếp làm việc trong nhà máy lại cho rằng mùi đó là bình thường, họ vẫn hít thở, lao động hàng ngày…
Hơn nữa, việc xác định thời điểm gây mùi khó chịu cũng rất khó khăn vì mùi phát tán rất nhanh mà cũng dễ tự triệt tiêu trong không khí nên việc xác định vi phạm môi trường về mùi là rất khó.
Khó cả… cơ chế tài chính?
Không chỉ thế, hiện việc trưng cầu giám định làm cơ sở xác định ô nhiễm môi trường cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các chính sách về tài chính. Một cán bộ Sở TN&MT TP. Hải Phòng tiết lộ, thông thường trong các đợt kiểm tra định kỳ việc tuân thủ pháp luật về môi trường của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đoàn kiểm tra sẽ căn cứ vào biên bản cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo quan trắc tác động môi trường… có trong hồ sơ để kết luận, đánh giá.
Còn với trường hợp thanh, kiểm tra giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nếu thấy có căn cứ vi phạm thì bắt buộc phải trưng cầu giám định từ các đơn vị có chức năng về quan trắc, thẩm định môi trường. “Thế nhưng, việc trưng cầu giám định, quan trắc lại không hề đơn giảm vì liên quan đến nhiều thủ tục, lấy mẫu, phân tích, thẩm định… khó khăn nhất lại là thủ tục thanh toán tài chính.
Số tiền chi trả cho mỗi lần trưng cầu giám định về môi trường thường là tiền triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng trong khi ngân sách nhà nước lại có hạn và được khống chế với nhiều thủ tục rất chặt chẽ nên nhiều khi cơ quan quản lý nhà nước buộc phải “nợ” tiền giám định”, vị cán bộ này chia sẻ.
Trao đổi với báo chí, GS Lê Huy Bá (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, Việt Nam đã có quy định về mùi nhưng hiện nay còn chưa đầy đủ, chưa cụ thể; ước lệ, định tính hơn là định lượng; quy định chưa rõ ràng, chưa bênh vực được người dân khi bị ảnh hưởng. Nhiều nước trên thế giới, nhất là Bắc Âu, có những quy định rất chặt chẽ về mùi, mức độc của từng loại mùi, mức xử phạt…
Việt Nam còn rất ít nghiên cứu về mùi. Loại mùi gì, độ nhạy bao nhiêu, khống chế mùi thế nào đều chưa có quy định cụ thể…
“Tôi cho rằng cần phải có đền bù thiệt hại về sức khỏe khi mùi gây ra ảnh hưởng lớn. Tính toán thiệt hại do mùi khó, nhưng làm được. Định lượng mùi, ảnh hưởng thế nào với sức khỏe, là những mùi gì, vẽ được lan truyền của mùi theo hướng gió trong không khí, khoanh phạm vi ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng… Kết hợp với định tính, cảm quan. Nhiều bệnh liên quan do mùi gây ra lắm: ung thư, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, gây ra bệnh ngơ ngác vì mùi… Rồi so sánh với vùng đối chứng về tỷ lệ bệnh… Chỉ tiếc là ở Việt Nam, chuyện này chưa được quan tâm đúng mức” – GS Lê Huy Bá nhận định.
Văn Thương