Trong thông cáo báo chí mới phát hành, một lần nữa, Bộ TN&MT khẳng định, việc hướng dẫn ghi tên các thành viên có chung quyền SDĐ đối với trường hợp quyền SDĐ là tài sản chung của hộ gia đình tại khoản 5 Điều 6 của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT là phù hợp với quy định tại khoản 29 Điều 3, khoản 1 Điều 97 và khoản 2 Điều 98 của Luật Đất đai; Điều 101 và Điều 212 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tuy nhiên, với mong muốn tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và mỗi người dân đều hiểu rõ quyền, lợi ích của việc ghi tên từng thành viên có chung quyền SDĐ trong hộ gia đình trên GCN; đồng thời để các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị điều kiện triển khai thực hiện tốt hơn, hiểu chính xác và đầy đủ quy định trong Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, Bộ TN&MT với tinh thần cầu thị, lắng nghe, nghiên cứu và đánh giá kỹ về thực tế triển khai đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của quy định tại khoản 5 Điều 6 của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản QPPL mới quy định về vấn đề này.
Tại văn bản này, Bộ TN&MT cũng giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của dư luận về quy định ghi tên người SDĐ khi cấp GCN cho hộ gia đình. Cụ thể, nhiều người dân và dư luận hiểu nhầm quy định về tên các thành viên trong Sổ hộ khẩu và các thành viên có chung quyền SDĐ của hộ gia đình được ghi trên GCN, Bộ TN&MT khẳng định: Đối tượng áp dụng của quy định này chỉ điều chỉnh cho chủ thể SDĐ là “hộ gia đình” mà trong đó có các thành viên có chung quyền SDĐ; các trường hợp khác như quyền SDĐ của cá nhân, của vợ và chồng, dòng họ… thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành (Thông tư 23/2014/TT-BTNMT).
Bộ cũng khẳng định: Việc ghi tên người SDĐ trên GCN đối với quy định này chỉ áp dụng đối với thành viên có chung quyền SDĐ trong hộ gia đình theo quy định tại khoản 29 Điều 3 của Luật Đất đai (theo đó, hộ gia đình SDĐ là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền SDĐ chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền SDĐ; nhận chuyển quyền SDĐ) mà không phải là nhân khẩu trong Sổ hộ khẩu như dư luận lo ngại.
Về lo ngại phát sinh thủ tục hành chính, Bộ TN&MT khẳng định, việc áp dụng Thông tư này không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục nào và giải thích: Quy định này chỉ hướng dẫn kỹ thuật cách ghi tên của người SDĐ trên GCN nằm trong thủ tục đăng ký lần đầu hoặc đăng ký biến động đã và đang áp dụng theo Bộ thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai.
Bộ cũng nói rõ: Việc xác định thành viên của hộ gia đình có quyền SDĐ trước hết sẽ do hộ gia đình có nhu cầu thông qua việc kê khai vào Đơn đăng ký, cấp GCN và các loại giấy tờ về quyền SDĐ (nếu có). Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước thực hiện việc ghi thông tin các thành viên có chung quyền SDĐ của hộ gia đình theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.
Về lo ngại phải thực hiện cấp đổi đối với Giấy đã cấp trước đây ghi tên hộ gia đình, Bộ TN&MT giải thích: Theo quy định của pháp luật về đất đai, GCN đã cấp tại thời điểm trước đây vẫn có giá trị pháp lý, người SDĐ không cần phải thực hiện thủ tục cấp đổi. Thông tư 33/2017/TT-BTNMT không quy định việc phải cấp đổi này như lo ngại của dư luận.