Trong khi bị cáo đã mời luật sư bào chữa, Tòa vẫn chỉ định luật sư để sớm mở phiên tòa nên bị cáo đã từ chối “ý tốt” của tòa.
Theo lịch, ngày 8/1/2013, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử vụ án cướp tài sản đối với bị cáo Hoàng Văn Thảo và 21 bị cáo khác bị truy tố về tội “Cướp tài sản” liên quan đến hoạt động đòi nợ thuê của Thảo và các đồng phạm. Khung hình phạt mà các bị cáo bị truy tố có mức án cao nhất là tử hình nên bị cáo buộc phải có luật sư tham gia tố tụng để bào chữa.
Tòa án yêu cầu chỉ định luật sư ngay khi mở phiên tòa |
Tuy nhiên, ngày 8/1/2018, Luật sư Giáp Văn Điệp và Luật sư Nguyễn Văn Tú, người bào chữa của bị cáo Thảo có đơn xin hoãn phiên tòa và đề nghị Tòa án làm rõ một số nội dung liên quan đến việc kêu oan của bị cáo và vi phạm tố tụng của CQĐT, VKSND.
Trong đơn, LS Điệp đề nghị Tòa làm rõ việc bị cáo Thảo không nhận được kết luận điều tra, cáo trạng trước khi đưa vụ án ra xét xử do bị cáo không đọc được và không có ai đọc cho bị cáo nghe; bị cáo còn có đơn kêu oan và “tố” việc bị khởi tố xuất phát từ mâu thuẫn với một lãnh đạo CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang.
Do các LS bào chữa không có mặt nên TAND tỉnh Bắc Giang đã dừng phiên tòa ngày 8/1/2013. Song, Tòa cho rằng việc xin hoãn phiên tòa của LS là không chính đáng vì những vấn đề mà LS nêu ra cần phải được làm sáng tỏ tại phiên tòa nên Tòa án không hoãn phiên tòa mà chỉ tạm dừng một ngày để “bổ sung LS”.
Sau đó, Tòa án đã gửi công văn “hỏa tốc” sang Đoàn LS tỉnh Bắc Giang yêu cầu Đoàn LS “nhắc nhở” các LS bào chữa cho bị cáo Thảo, yêu cầu các LS phải có mặt trong phiên tòa sẽ được tiếp tục xét xử vào 9/1/2013. Đồng thời, TAND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Đoàn LS chỉ định LS tham gia tố tụng để bào chữa cho bị cáo Thảo. Đây là phương án “dự phòng” để phiên tòa tiếp tục diễn ra khi LS mà bị cáo mời không tham gia tố tụng.
Nhận được yêu cầu của Tòa án, Đoàn LS tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi VPLS Nguyễn Đình Huân yêu cầu chỉ định LS tham gia tố tụng bào chữa cho bị cáo Thảo. Ngày 9/1/2013, phiên tòa diễn ra với sự tham gia của LS chỉ định Giáp Thị Vân, nhưng bị cáo Thảo đã từ chối việc chỉ định LS và yêu cầu hoãn phiên tòa để LS mà bị cáo mời được tham gia bào chữa cho bị cáo. Vì vậy, Tòa án đã không thể mở phiên tòa với “LS dự phòng” mà phải hoãn theo yêu cầu của bị cáo.
Theo LS Tú, trong giai đoạn điều tra, bị cáo đã có thư gửi các cơ quan chức năng tố cáo bị điều tra viên Cường bức cung và phản ánh việc mâu thuẫn với cán bộ của CQĐT trong thời gian trước khi bị khởi tố. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của bị cáo, các LS đã yêu cầu làm rõ những nội dung mà bị cáo tố cáo trước khi mở phiên tòa.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, chị Nguyễn Thị Hải Yến, vợ của bị cáo Thảo cho biết, do bị cáo Thảo bị truy tố về tội cướp tài sản ở khung hình phạt cao nhất là tử hình trong khi bị cáo đang kêu oan và có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ án chưa đảm bảo khách quan, gia đình không tin tưởng LS chỉ định nên ngay từ giai đoạn điều tra, bị cáo đã từ chối LS chỉ định và mời LS bào chữa cho bị cáo.
Gia đình bị cáo cũng đặt câu hỏi, việc LS chỉ định tham gia phiên tòa ngày 9/1/2013 mà không đọc hồ sơ, không được trao đổi với bị cáo về những vấn đề mà bị cáo kêu oan thì liệu LS có thể bào chữa cho bị cáo hay chỉ ngồi cho đủ thủ tục, giúp tòa giải quyết nhanh vụ án đang gây tranh cãi này?.
Một vụ án mà bị cáo kêu oan nhưng Tòa lại cố gắng giải quyết một cách cấp tập bằng việc yêu cầu chỉ định LS tham gia phiên tòa mà không cần đọc hồ sơ. Phải chăng, đây là bằng chứng cho thấy, Tòa vẫn chỉ coi LS là thành phần “cho có” trong một vụ án? Chúng tôi có cuộc trao đổi với LS Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này: Thưa LS, việc các LS xin hoãn phiên tòa và không có mặt tại phiên xét xử lần đầu thì Tòa án có được bổ sung LS để tiếp tục xét xử hay không? - Theo Bộ luật tố tụng và thực tiễn xét xử thì khi người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất, kể cả có hay không có lý do chính đáng thì để bảo vệ quyền bào chữa của bị cáo, Tòa án phải hoãn phiên tòa. Việc chỉ dừng phiên tòa và yêu cầu chỉ định LS để tiếp tục xét xử vụ án là điều tôi chưa từng thấy. Việc chỉ định LS để tham gia phiên tòa ngay khi phiên tòa được mở có đúng pháp luật không, thưa ông? - Pháp luật quy định bị cáo có quyền mời LS hoặc được chỉ định LS tham gia tố tụng để bào chữa trong suốt thời gian tiến hành tố tụng. Việc chỉ định LS ngay tại tòa thì về nguyên tắc là không trái pháp luật. Tuy nhiên, việc chỉ định LS phải tính đến cả thực tiễn thực hiện vai trò của LS. Trong một vụ án phức tạp thì cả LS được mời hay LS chỉ định đều phải thực hiện đầy đủ quy trình là được chỉ định, được cấp chứng nhận bào chữa, được đọc hồ sơ và tham gia phiên tòa. Nếu chỉ định ngay khi tòa mở phiên tòa thì không một LS nào có thể thực hiện hết các công việc cần thiết để bào chữa cho bị cáo? Một vụ án phức tạp nhưng Tòa án lại chỉ định LS ngay khi mở phiên tòa và LS tham gia tố tụng mà không đọc hồ sơ vụ án, phải chăng tòa xem nhẹ vai trò của LS và LS chỉ định thì tham gia hoàn toàn mang tính hình thức, thưa ông? Theo tôi, vai trò của LS đã được đánh giá cao hơn nhưng trong thực tế, không ít thẩm phán vẫn còn tâm lý coi thường LS vì họ cho rằng LS không phải là người quyết định mà thẩm phán mới là người phán quyết. Hiện tượng chỉ định LS ngay khi mở phiên tòa cũng có thể nói lên tâm lý không coi trọng LS. Theo tôi, để khẳng định vai trò và vị thế của nghề LS cũng như trách nhiệm với người được bào chữa thì các LS nói chung và LS tham gia tố tụng do được chỉ định cần phải làm đúng và đầy đủ trách nhiệm. Không thể vì nể nang Tòa hay vì lý do nào mà coi thường quyền lợi của khách hàng, dễ dãi trong các vụ án được chỉ định để tham gia với vai trò hợp thức hóa hồ sơ cho Tòa. Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh