Trước những thông tin trên, luật sư Lê Văn Thiệp- Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết quan điểm: Nếu nhà sản xuất là Cty TNHH URC Việt Nam biết nguyên liệu đầu vào có hàm lượng chì vượt phép, thay vì phải tiêu hủy, trong trường hợp nếu họ vẫn dùng để sản xuất cho ra những sản phẩm không an toàn rồi bán ra thị trường thì hết sức nguy hiểm.
Luật sư Lê Văn Thiệp |
Đặt giả thiết là như thế thì hành vi trên đã vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và có kết luận cuối cùng thì có thể khởi tố hình sự. Nếu biết là vượt mức mà vẫn cố ý sản xuất sản phẩm thì Cty có thể bị khởi tố hình sự bình thường, lãnh đạo của Cty ấy có thể bị khởi tố nếu như các cơ quan chức năng chứng minh được hành vi cố tình. Nếu biết thức uống quá trình sản xuất vượt quá các ngưỡng mà pháp luật cho phép, không đủ các điều kiện để lưu hành sản phẩm mà bán ra thị trường ảnh hưởng cho người tiêu dùng có thể xử lý về tội lừa dối khách hàng đối với người bán.
Nhưng theo luật sư Thiệp thì cái quan trọng là phải xác minh hậu quả, xác định những ai đã uống, tổn hại như thế nào. Cái quan trọng nhất là phải chưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ đã bán ra bao nhiêu sản phẩm người dân tiêu dùng rồi. Tuy chưa xẩy ra hậu quả chết người trực tiếp nhưng có thể gây tổn hại đến sức khỏe thì vẫn phải xem xét để làm căn cứ. “Đó là quan hệ của Nhà nước, Nhà nước yêu cầu. “Trong trường hợp phát hiện ra đầu vào (nguyên liệu) có nhiễm độc hàm lượng chì vượt phép mà nhà sản xuất tiêu hủy thì không có vấn đề gì”- luật sư Thiệp nói .
Phiếu kiểm nghiệm được xác nhận là của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) |
Bày tỏ quan điểm về "nghi án" này, Luật sư, Tiến sỹ Trần Đình Triển- Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội đánh giá: Đối với doanh nghiệp sản xuất những hàng thực phẩm ăn uống được đăng ký và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký về chất lượng, mã hàng hóa. Chắc chắn với sản phẩm của URC Việt Nam đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm nghiệm hoặc cho phép.
Khi đã cho phép rồi thì chỉ được làm đúng với tỉ lệ mọi chất có trong đồ uống đó chứ không được khác hơn. Đây là chưa nói đến việc hàm lượng chì vượt mức cho phép. Về mặt nguyên tắc phải thực hiện đúng với chất lượng đã đăng ký. Nếu như sau khi có kết luận của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) là nguyên liệu đầu vào đã bị nhiễm chì vượt mức cho phép mà nhà sản xuất vẫn cố tình sản xuất từ nguyên liệu đó, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Và nếu nhà sản xuất vẫn cố tình đưa nguyên liệu đó vào sản xuất với một số lượng lớn tiêu thụ ở thị trường rộng rãi như vậy thì có thể đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trong trường hợp này có cần phải chứng minh hậu quả nghiêm trọng không thưa luật sư, hậu quả gây chết người chẳng hạn?.
Theo luật sư Trần Đình Triển thì việc bàn về hậu quả thì nó có nhiều vấn đề khác nhau. Bởi hậu quả đối với thực phẩm ăn uống nó không phải là hậu quả bây giờ mà có thể hậu quả là tác hại mai sau. Nhưng về mặt khoa học người ta có thể tính được khi lượng chì ở trong đồ uống mà con người sử dụng thường xuyên ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ nào, khoa học người ta chứng minh được. Điều này nếu cơ quan điều tra tiến hành làm, chắc chắn cần phải giám định về chất đó vượt ngưỡng có thể gây tổn hại đến sức khỏe con người như thế nào. Căn cứ vào dó để xem xét khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Đồng quan điểm với hai luật sư trên, luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc công ty luật Fanci cho rằng: Yếu tố hình sự cần phải chứng minh hậu quả. Nhưng trong việc này rất khó chứng minh giữa nguyên nhân và hậu quả đó. Trong trường hợp này chỉ có thể xử lý hành chính. Nếu trường hợp cơ quan hữu trách chứng minh người dùng đồ uống trên có dư lượng chì trong máu gây tổn hại cho sức khỏe có thể xử lý hình sự. “Tất cả sản phẩm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật mà pháp luật quy định thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm tiêu hủy chứ không được sản xuất sản phẩm và bán ra thị trường”- luật sư Tú nói.
Như trước đó báo PLVN đã đưa tin, chiều 9/5, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã lấy mẫu ngoài thị trường, mẫu tại cơ sở sản xuất của Công ty TNHH URC Việt Nam để kiểm tra. Trước mắt, sẽ ưu tiên kiểm tra hàm lượng chì và yêu cầu các cơ sở kiểm nghiệm trả kết quả sớm nhất vì đây là vấn đề đang nóng.
Trước thông tin nghi vấn về việc Bộ Y tế không minh bạch thông tin về kết quả kiểm nghiệm sản phẩm, ông Phong cho rằng kết quả lan truyền trên mạng là kết quả xét nghiệm nguyên liệu. Tuy nhiên, không thể dựa vào đó để khẳng định sản phẩm kém chất lượng.
Để đảm bảo khách quan, tất cả các mẫu nguyên liệu tại nhà máy và mẫu C2, Rồng đỏ trên thị trường sẽ được gửi đến các viện kiểm nghiệm khác để xét nghiệm. "Kết quả xét nghiệm hàm lượng chì trong C2 và Rồng đỏ sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất. Nhanh nhất có thể trong ngày mai"- ông Phong khẳng định.
Sau khi có nghi vấn C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép, mới đây đại diện URC Việt Nam đã lên tiếng khẳng định đây là thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đại diện công ty này định kỳ 6 tháng, công ty vẫn gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm tra và tất cả hàm lượng đều ở mức cho phép.
Thông tin về nguyên liệu đầu vào bị nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép đang khiến người tiêu dùng thực sự hoang mang, lo lắng. Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm cần khẩn trương vào cuộc để làm rõ chất lượng các nhãn đồ uống của công ty này, nếu như sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là an toàn thì cũng sớm có thông báo để NTD được an tâm sử dụng sản phẩm của công ty, còn nếu như sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng là có vấn đề thì cũng nên có những cảnh báo sớm, nhanh chóng tới người tiêu dùng.
Báo Pháp luật tiếp tục thông tin...