Từ người mất tài sản trở thành thành bị cáo
Theo hồ sơ vụ án, năm 2016, Nguyễn Hữu Tài cho vay lãi dưới hình thức "bốc bát họ", trả góp theo ngày. Anh Nguyễn Công Thành vay của Tài 10 triệu đồng nhưng bị cắt lãi 2 triệu đồng, chỉ được cầm về 8 triệu đồng.
Theo thỏa thuận, Nguyễn Công Thành có trách nhiệm trả cho Tài mỗi ngày 200.000 đồng trong 50 ngày (gồm 160.000 đồng tiền gốc và 40.000 đồng lãi). Tuy nhiên, sau đó anh Thành chỉ đóng 30 ngày rồi dừng lại, còn nợ của Tài 4 triệu đồng.
Chiều 21/9/2016, Tài phát hiện anh Thành đang ngồi tại quán nước vỉa hè ở phường Yên Phụ (Tây Hồ) nên đã bắt ép anh Thành trả nợ. Sợ bị đánh, anh Thành bỏ chạy thì bị nhóm người của Tài đuổi theo đánh, rồi khống chế ngồi lên xe máy đưa đến địa điểm khác để ép trả nợ số tiền còn lại.
Nhóm của Tài còn giữ điện thoại của anh Thành để anh không liên lạc với gia đình.
Trên đường chở anh Thành đi, do xe máy bị hết xăng nên anh Thành bỏ chạy vào trụ sở Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Nhóm Tài thấy vậy ném điện thoại của anh Thành vào trụ sở rồi bỏ về.
Sáng hôm sau, 22/9/2016, Tài bị Công an quận Tây Hồ triệu tập đến làm việc và đã khai nhận toàn bộ sự việc.
Ngày 29/04/2021 TAND TP Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài 24 tháng tù về tội "Cướp tài sản".
Bốn đồng phạm của Tài cũng phải lĩnh án gồm Nguyễn Khắc Đức (29 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Văn Lộc (26 tuổi, ở quận Tây Hồ) cùng 20 tháng tù; Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) 18 tháng tù, Nguyễn Quang Chính (23 tuổi, ở quận Tây Hồ) 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tội gì?
Là người theo dõi phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm tội “cướp tài sản”, Luật sư Trần Thị Ngọc nhận xét, hành vị đánh người, đòi tiền anh Thành của bị cáo Tài và đồng phạm không cấu thành tội cướp tài sản.
Theo quy định Điều 168 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 thì “cướp tài sản” là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào trạng thái không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của điều luật này phải thỏa mãn hai dấu hiệu bắt buộc là có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự và phải có mục đích chiếm đoạt tài sản
“Tuy nhiên, trong vụ án nêu trên chỉ thỏa mãn một dấu hiệu đó là nhóm Tài dùng vũ lực đối với anh Thành, nhưng không thỏa mãn dấu hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản bởi số tiền bị cáo đòi là 4 triệu đồng (là tài sản của bị cáo Tài đang bị anh Thành chiếm đoạt)”, Luật sư Trần Thị Ngọc nhận định.
Theo lời khai của bị cáo Tài thì bị hại là anh Thành thừa nhận vay của bị cáo Tài 10 triệu đồng, anh Thành chỉ trả được 6 triệu đồng, còn nợ bị cáo Tài 4 triệu đồng nhưng anh Thành có hành vi tắt điện thoại, trốn tránh nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của bị cáo Tài khiến tài bức xúc. Hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Hành vi dùng vũ lực của Tài và đồng phạm có thể thỏa mãn tội “cố ý gây thương tích”, tùy theo tính chất mức độ, tỷ lệ thương tích của anh Thành thì các bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính. Đây là loại tội khởi tố theo yêu cầu của bị hại và bắt buộc phải có kết quả giám định thương tích của bị hại.
Những vụ việc từ người bị mất tài sản trở thành bị cáo xảy ra không hiếm, để lại băn khoăn cho không ít người vì cách đánh giá tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc hành hung người khác để ép trả nợ hoàn toàn khác với bản chất việc dùng vũ lực để cướp tài sản. Nếu chỉ nhìn vào hình thức biểu hiện của hành vi mà không xem xét rõ bản chất của sự việc, sẽ không tránh khỏi việc nhiều người bị kết án oan, sai.