Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Điều 106 BLLĐ hiện hành quy định, người sử dụng lao động dược sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Được sự đồng ý của NLĐ; Bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc trong tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày , không quá 30 giờ/tháng và 1 năm không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ.
Ngoài ra, điểm c Điều luật này còn quy định, sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.
Trên thực tế, còn tình trạng nhiều doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định nhất là các doanh nghiệp hoạt động ngành nghề may mặc, chế biến thủy sản làm hàng xuất khẩu thường bị động về thời gian với bên đặt hàng gia công sử dụng nhiều lao động. Thực tế do tiền lương thấp nên một bộ phận NLĐ muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập.
Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp huy động NLĐ làm thêm giờ nhưng lại không trả lương làm thêm giờ cho NLĐ. Nhiều trường hợp đã dẫn tới tranh chấp, đình công.
Vì thế, rất nhiều ý kiến đề nghị cần tăng thời giờ làm thêm tối đa để giải quyết được đồng loạt nhiều vấn đề: vừa đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ NLĐ có nguyện vọng làm thêm để tăng thêm thu nhập, đồng thời tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Trong mối tương quan so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức thấp, trong khi Trung Quốc là 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng; Malaysia: 104 giờ/tháng, Lào: 45 giờ/tháng, Campuchia và Philippines không khống chế thời giờ làm thêm.
Liên quan đến vấn đề này, đánh giá về 3 năm thực hiện BLLĐ 2012, nhiều chuyên gia đã đề nghị tăng số giờ làm thêm trong một năm (có thể xem xét quy định về làm thêm giờ tối đa trong ngày, trong tuần) để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế NLĐ có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Đồng thời đề nghị bỏ điểm c vì không rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện và không cần thiết.
Quá trình soạn thảo, cũng có nhiều ý kiến đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa theo hướng quy định 1 ngày làm việc thì NLĐ làm việc bình thường và làm thêm tối đa không quá 12 giờ/ngày và không được phép huy động NLĐ làm thêm giờ liên tục quá 5 ngày làm việc cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Do vậy, dự thảo luật đang thể hiện 2 phương án tại Điều 106 để xin ý kiến. Phương án 1, bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ, tuy nhiên tổng số giờ làm thêm của NLĐ không được vượt quá 600 giờ trong một năm.
Phương án 2, bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 12 giờ trong 1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.