Ngày 4/2 đoạn clip được đưa lên mạng mô tả cảnh cô gái đang đứng đón xe ở địa bàn xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Một nhóm thanh niên đã ép buộc, bắt cô gái đưa lên xe máy. Mặc cho cô gái khóc lóc và người dân chứng kiến can ngăn, nhóm thanh niên vẫn đưa cô gái đi. Trước đó vài ngày, một clip khác quay cảnh một cô gái tên M. 16 tuổi, ở xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang đang đứng bên đường thì một nhóm thanh niên đến trò chuyện. Sau đó, nhóm thanh niên bắt cô gái lên xe để về làm vợ của một người trong nhóm. Sau một hồi chống trả M. mới thoát được.
Tôn trọng tập quán không có nghĩa là dung túng cho hủ tục, lạc hậu
Ở góc độ văn hóa, Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc và mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có những phong tục, tập quán khác nhau. Đã từ lâu phong tục “bắt vợ” được xem là một nét đẹp văn hóa, mang tính truyền thống trong hôn nhân của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng “bắt vợ” chỉ là một nét đẹp văn hóa nếu như cả nam và nữ đều đồng thuận, thế nhưng gần đây trên cộng đồng mạng liên tiếp chia sẻ những clip, hình ảnh về một nhóm nam thanh niên tổ chức bắt một cô gái về làm vợ, còn cô gái thì khóc lóc, van xin, gây bức xúc trong dư luận.
Cũng chính vì lý do này mà trong quy định về áp dụng phong tục tập quán trong hôn nhân gia đình của Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 và Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014 đã có sự khác nhau, dù rằng trong một quá trình xuyên suốt, pháp luật về hôn nhân gia đình luôn tôn trọng việc gìn giữ phong tục, tập quán. Cụ thể, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Trong quan hệ hôn nhân gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại luật thì được tôn trọng và phát huy”.
Nhưng qua tổng kết thi hành luật cho thấy những quy định này còn có tính khả thi còn thấp, vì chỉ mới thể hiện được thái độ tôn trọng của nhà nước đối với phong tục, tập quán mà chưa thực sự tạo căn cứ pháp lý rõ ràng và đầy đủ để các cơ quan có liên quan áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc về hôn nhân gia đình. Do đó, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định:“Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của luật này được áp dụng”.
Phân tích hai quy định về áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình của hai đạo luật thì điều dễ thấy nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định theo hướng có sự hạn chế áp dụng phong tục tập quán.
Hay nói cách khác, nếu Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định theo hướng khuyến khích áp dụng phong tục tập quán thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hạn chế áp dụng phong tục tập quán lạc hậu, bằng cách đưa ra các điều kiện nhiều hơn trước khi áp dụng phong tục tập quán. Đây là một điểm mới, tiến bộ hơn, vừa đảm bảo giữ gìn các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, vừa đảm bảo lành mạnh hóa xã hội, loại trừ những hủ tục, lạc hậu.
Tập quán hôn nhân gia đình nào bị cấm hoặc xóa bỏ?
Tuy cùng là phong tục tập quán nhưng không phải mọi phong tục tập quán đều tốt, tiến bộ, nếu không muốn nói là có một số đã trở thành hủ tục, đi ngược lại với quyền con người, quyền nhân thân. Do đó, pháp luật đã quy định cụ thể về việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình cũng như những phong tục, tập quán bị cấm áp dụng và cần phải được xóa bỏ.
Cụ thể, Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2014 đã ban hành kèm theo Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng. Những tập quán lạc hậu này được phân thành hai nhóm là các tập quán lạc hậu cần được xóa bỏ và các tập quán lạc hậu cấm áp dụng.
Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ bao gồm: kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo; cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên; nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ; quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái…
Các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng bao gồm: chế độ hôn nhân đa thê; kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời; tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới); phong tục “nối dây”; khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố; bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Như vậy có thể thấy, theo Nghị định 126, tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ là tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình bị cấm áp dụng. Mặt khác, Luật HN-GĐ đã quy định rõ những điều kiện để nam nữ kết hôn, những hành vi trái với quy định như cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử lý nghiêm. Do đó, hành vi của nhóm nam thanh niên tổ chức bắt một cô gái về làm vợ, còn cô gái thì khóc lóc, van xin như sự việc đã diễn ra ở Nghệ An, Hà Giang thời gian gần đây là vi phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của nhóm thanh niên ở Hà Giang và Nghệ An có thể bị truy cứu nhiều tội danh. Luật sư Trương Xuân Tám cho biết hành vi này có thể bị xử lý hình sự với tội danh bắt giữ người trái pháp luật (Điều 123 Bộ luật Hình sự).
Người phạm tội bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Đối với những người tham gia lôi kéo, “bắt vợ” cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.
Theo luật gia Phạm Văn Chung, những người tổ chức bắt vợ có thể cấu thành tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Theo đó, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Nếu người bị bắt ép làm vợ dưới 16 tuổi và việc bắt ép diễn ra thành công, ngoài việc xử lý người tổ chức bắt vợ, những người tổ chức việc kết hôn cho trẻ em dưới 18 tuổi có thể bị truy cứu về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn….