Thiết bị lạc hậu 2-3 thế hệ vẫn nhập
Trình bày dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ. Trong đó, quy định không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã khiến Nhà nước không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Việt Nam cũng như hành vi chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các đạo luật có liên quan (Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Luật Đầu tư 2014; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2014; Luật Thống kê năm 2015)… đã khiến một số quy định của Luật CGCN 2006 không còn phù hợp, cần rà soát và sửa đổi, bổ sung các chế định liên quan để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thi hành của văn bản.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho biết, hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua rất thấp, một số ngành, lĩnh vực như các nhà máy nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; Việt Nam vẫn chủ yếu CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị đã lạc hậu đến 2 – 3 thế hệ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho rằng với tình trạng công nghệ trong nước và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung 16/61 điều của Luật CGCN năm 2006 là chưa thể đáp ứng.
Do đó, Ủy ban thẩm tra đề nghị sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật CGCN năm 2006, nâng cấp dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CGCN thành Luật CGCN (sửa đổi).
Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đối chiếu dự thảo Luật với các quy định trong các đạo luật có liên quan về thẩm định, kiểm soát công nghệ trong các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài, các dự án có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) để ban hành các quy định về kiểm soát, ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra trong thời gian qua như phá dỡ tàu biển cũ của Vinashin, nhà máy nhiệt điện, xi măng lò đứng...
Luật chưa chặt hay tổ chức thực hiện có vấn đề?
Tại phiên họp, các đại biểu nhất trí với việc phải sửa đổi toàn diện Luật CGCN năm 2006. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vụ Formosa đã cho thấy rõ vai trò của công nghệ. “Vậy thì việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào và được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất của ta như thế nào?”, Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Hai lần nêu băn khoăn về việc “Luật này rồi có khắc phục được nguy cơ Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ, có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hay không”, Chủ tịch QH đề nghị sửa đổi, bổ sung luật theo hướng bao quát, toàn diện hơn để khắc phục được những lo ngại trên.
Tương tự, lấy ví dụ Formosa, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định công nghệ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tác động nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội. “Từ đó đặt câu hỏi có phải do Luật CGCN năm 2006 và các luật khác chưa đủ cơ sở pháp lý hay cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ để dẫn đến tình trạng như thế, hay vấn đề là do tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước chưa tốt? Theo tôi là cả hai, có cả về luật pháp và tổ chức thực hiện. Cả 2 cái này đều chưa đáp ứng nhu cầu của Nghị quyết 20. Do đó, cần làm Luật này và làm Luật phải khắc phục cả hai vấn đề”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.