Cùng lúc lừa 4 ngân hàng
Sáng 22/8, tại TAND TP HCM đã diễn ra một phiên tòa khá lạ, tuy việc xét xử diễn ra ở phòng xử hình sự nhưng vành móng ngựa được dẹp sang một bên. Người tham gia phiên tòa là Đặng Thị Nguyệt Thu (SN 1967, HKTT: TP Cần Thơ) không được gọi là bị cáo hay nguyên đơn, bị đơn… mà được HĐXX, đại diện VKS, các luật sư gọi là bị án.
Được biết, cách đây không lâu, Đặng Thị Nguyệt Thu là bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã bị tuyên án 18 năm tù và đang trong quá trình thụ án (tức phần tội danh và hình phạt đã có hiệu lực pháp luật).
Tuy nhiên, trước đó HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP HCM giải quyết lại.
Do đó, tại phiên tòa sáng 22/8, HĐXX chỉ xem xét lại phần trách nhiệm dân sự nên Đặng Thị Nguyệt Thu không phải là bị cáo và không phải đứng trước vành móng ngựa.
Theo bản án hình sự sơ thẩm của TAND TPHCM: Đặng Thị Nguyệt Thu được xác định với tư cách là bị cáo, Công ty CP Ca cao Việt Nam vừa là bị hại vừa là nguyên đơn dân sự. Bốn ngân hàng:
Ngân hàng thương mại CP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại CP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng thương mại CP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nội dung vụ án như sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bến Tre cấp thì ngành nghề kinh doanh của Công ty CP Ca cao Việt Nam là sản xuất socola, các sản phẩm từ cacao, chế biến sữa… Vốn điều lệ là 200 tỷ. Trụ sở chính ở Bến Tre, chi nhánh ở TP HCM do ông Trần Văn Liêng làm giám đốc.
Công ty Cacao Việt Nam có mở 4 tài khoản tại các ngân hàng Eximbank, VPBank, Vietcombank, Vietinbank do ông Trần Văn Liêng đứng tên làm chủ.
Đặng Thị Nguyệt Thu là kế toán trưởng của công ty, làm việc tại chi nhánh TP HCM từ tháng 11/2007 đến tháng 8/2013. Ngoài nhiệm vụ kế toán trưởng, Thu còn có nhiệm vụ quan hệ với các ngân hàng làm hồ sơ vay tiền, mua nguyên liệu sản xuất, báo cáo thuế, báo cáo cổ đông…
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thu đã dùng thủ đoạn lập các chứng từ chuyển tiền như: ủy nhiệm chi, lệnh chi, séc ghi khống các nội dung thanh toán như: chi trả tiền thuê kho xưởng, tiền mua nguyên vật liệu cho sản xuất, tiền nộp thuế giá trị gia tăng, tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương cho nhân viên…
Trong đó, một số đã được ông Trần Văn Liêng ký khống (để sử dụng vào công việc của Công ty Cacao như trả tiền vay nóng bên ngoài, đáo hạn ngân hàng…). Với những chứng từ này Thu tự ghi nội dung. Một số do Thu ghi khống nội dung và giả chữ ký của ông Liêng.
Sau khi có chữ ký của giám đốc trên các chứng từ, Thu đưa nhân viên hành chính đóng dấu của công ty rồi đem đến các ngân hàng thực hiện giao dịch chuyển tiền. Sau đó, Thu nhờ người quen (chị họ, cháu, bạn thân) đứng tên thụ hưởng rút tiền bằng thẻ ATM đưa lại tiền mặt và chuyển vào tài khoản của mình.
Cụ thể: Thu đã lập 91 ủy nhiệm chi, lệnh chi và các séc ghi khống để rút tiền công ty Cacao Việt Nam tại 4 ngân hàng trên, chiếm đoạt của Công ty Cacao Việt Nam hơn 3,2 tỷ đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm tháng 8/2015, TAND TP.HCM tuyên bố bị cáo Đặng Thị Nguyệt Thu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xử phạt 18 năm tù, tuyên buộc bồi thường cho Công ty CP Cacao Việt Nam hơn 3,2 tỷ đồng mà Thu đã chiếm đoạt.
Phiên tòa ngày 22/8 |
Ai là bị hại?
Sau đó, nguyên đơn dân sự là Công ty CP Cacao Việt Nam làm đơn kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại. Công ty này cho rằng, 4 ngân hàng phải được xác định là bị hại trong vụ án (nguyên đơn dân sự).
Theo lập luận của Công ty, Thu đã giả các chữ ký của tổng giám đốc là hành vi lừa đảo ngân hàng để rút tiền, chứ không phải lừa đảo công ty. Từ đó, Công ty Cacao Việt Nam yêu cầu các ngân hàng phải trả lại tiền cho Công ty.
Ngày 29/2/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM đã đưa vụ án xét xử phúc thẩm. HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: phần tội danh và hình phạt bị cáo Thu không kháng cáo và cũng không bị kháng nghị nên phần này đã có hiệu lực và cấp phúc thẩm không xét lại.
Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, theo HĐXX cấp phúc thẩm: 4 ngân hàng trên là những ngân hàng được Công ty Cacao Việt Nam tin tưởng để mở tài khoản giao dịch trong hoạt động kinh doanh, thanh toán, lưu chuyển tiền tệ (ngân hàng có thu phí), nhưng do chủ quan các nhân viên ngân hàng không phát hiện được chữ ký giả của chủ tài khoản do Đăng Thị Nguyệt Thu ký giả để thực hiện giao dịch rút tiền để chiếm đoạt.
Mặt khác, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, Thu ký giả chữ ký của chủ tài khoản là hành vi gian dối để lừa đảo những ngân hàng đang giữ tiền của Công ty Cacao Việt Nam. Điều cần xem xét ở đây là Thu có hành vi gian dối để lừa đảo tổ chức nào? Công ty Cacao hay Ngân hàng?
Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, Thu có lời khai ý thức của Thu là chiếm đoạt tiền của Công ty Cacao, nhưng hồ sơ thể hiện hành vi Thu ký giả chữ ký của chủ tài khoản là nhằm qua mặt ngân viên ngân hàng và thực tế Thu đã rút được số tiền hơn 3,2 tỷ đồng từ ngân hàng với hành vi gian dối này.
Từ phân tích trên, xét thấy 4 ngân hàng nêu trên phải được xác định là bị hại (tức nguyên đơn dân sự là cơ quan bị thiệt hại do tội phạm gây ra) từ hành vi gian dối của Thu mới đúng.Tòa cấp sơ thẩm xác định 4 ngân hàng trên là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng.
Từ việc xác định sai tư cách của người tham gia tố tụng của cấp sơ thẩm nên kháng cáo của Công ty Cacao yêu cầu các ngân hàng trả lại tiền cho công ty không thể xem xét chấp nhận ở cấp phúc thẩm. Từ đó, TAND Cấp cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự để giải quyết lại từ đầu.
Tại phiên tòa sáng 22/8 vừa qua, Công ty Cacao Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm yêu cầu 4 ngân hàng phải trả cho công ty là hơn 3,2 tỷ đồng mà bị án Thu đã chiếm đoạt.
Theo Công ty này, Đặng Thị Nguyệt Thu đã giả các chữ ký của tổng giám đốc là hành vi lừa đảo ngân hàng để rút tiền chứ không phải lừa đảo công ty. Các ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm tra chữ ký và con dấu khi cung cấp dịch vụ thanh toán, hậu quả xảy ra là do lỗi của các ngân hàng.
Do đó phía công ty đề nghị HĐXX buộc các ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với những ủy nhiệm chi, lệnh chi do Thu làm giả.
Tuy nhiên, 4 ngân hàng đều có ý kiến đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự. Những người đại diện theo ủy quyền cho rằng, mặc dù phía ngân hàng có một phần lỗi nhưng là điều bất khả kháng vì chữ ký thật và chữ ký giả có nhiều nét tương đồng.
Thiệt hại xảy ra là hậu quả trực tiếp giữa hành vi gian dối của bị cáo và sự quản lý lỏng lẻo của công ty Cacao Việt Nam.
Đối với chữ ký giả do bị cáo thực hiện quá tinh vi và được hợp thức hóa bằng con dấu thật của công ty, các nhân viên ngân hàng đã làm đúng quy trình nghiệp vụ và không thể phát hiện bằng mắt thường, ngân hàng không có nghiệp vụ giám định chữ ký. Thiếu sót trên của ngân hàng không phải là nguyên nhân trực tiếp để gây ra thiệt hại.
Mặt khác, ngân hàng chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán, không phải là dịch vụ gửi giữ, do đó chủ tài khoản phải có trách nhiệm bảo quản tài sản là với số dư trên tài khoản của mình. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi con dấu bị lợi dụng, sử dụng sai mục đích.
Sau nhiều giờ tranh cãi căng thẳng, hơn 12h trưa, HĐXX tuyên việc bản án sơ thẩm xác định Công ty CP Cacao Việt Nam vừa là bị hại vừa là nguyên đơn dân sự; 4 ngân hàng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có cơ sở. Từ đó, giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc bị án Thu bồi thường cho Công ty CP Cacao Việt Nam hơn 3,2 tỷ đồng đã chiếm đoạt.
Tuy nhiên, rất có thể quyết định này của TAND sẽ bị Công ty CP Cacao Việt Nam kháng cáo một lần nữa. Việc tranh cãi ai mới là bị hại trong vụ án trên như vậy sẽ còn tốn nhiều giấy mực.