Vừa qua, tại trụ sở TAND tỉnh Gia Lai, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Huỳnh Minh Tùng (chủ mưu), không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Yên Xuân Thủy (người giúp sức phạm tội lần đầu). Xử phạt bị cáo Tùng 7 năm 6 tháng tù, bị cáo Thủy 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 149 của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, dư luận không “tâm phục khẩu phục” với bản án này.Huỳnh Minh Tùng (SN 1982, quê Bình Định, trú tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Đầu tháng 10/2013, Tùng tự mặc trang phục, đeo quân hàm Thượng úy Công an đến nhà nghỉ Quang Trung, ở thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai thuê phòng ở trọ.
Tại đây, Tùng luôn tự giới thiệu bản thân là cán bộ Cục A92 của Bộ Công an phụ trách các tỉnh Tây Nguyên, có quan hệ thân thiết với nhiều cán bộ công an cao cấp, có khả năng “chạy việc làm”, “chạy án” cho mọi người.
Nghe vậy, chị Bùi Thị Tú (SN 1986, ở tổ 5, thị trấn Phú Thiện) đã tin tưởng nhờ Tùng “chạy án” cho anh Nguyễn Văn Bắc (chồng chị Tú) đang bị công an bắt tạm giam về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tùng nói chi phí lo cho anh Bắc hưởng án treo là 170 triệu đồng.
Ngày 16/10/2013, chị Tú chuyển vào tài khoản cho Tùng 40 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ giao đủ khi có kết quả. Ngày 23/10/2013, Tùng đến gặp lãnh đạo Công an huyện Phú Thiện và đặt vấn đề xin cho anh Bắc được tại ngoại.
Nghi vấn Tùng giả danh Công an nên đêm ngày 24/10/2013, Công an huyện Phú Thiện đã kiểm tra hành chính nơi Tùng ở trọ và phát hiện ra một số vấn đề bất thường. Công an huyện Phú Thiện đưa Tùng về trụ sở để làm việc.
Tuy nhiên, do vẫn tin tưởng Tùng lo được án treo cho anh Bắc nên chị Tú không hợp tác với Công an huyện Phú Thiện. Bởi vậy, Công an huyện Phú Thiện không có đủ căn cứ để xem xét hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Tùng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Tùng đã nhận của bà Vũ Thị Sen (SN 1956) - nguyên Thiếu tá Công an huyện Chư Sê, chủ nhà nghỉ Thanh Tâm số tiền 580 triệu đồng để Tùng “chạy việc làm” cho nhiều người. Đến cuối tháng 4/2014, không xin được việc theo thỏa thuận, bà Sen yêu cầu Tùng trả lại tiền, nhưng Tùng không trả và cố tình né tránh.
Để củng cố niềm tin, tiếp tục thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Sen, Tùng đã rủ rê, hướng dẫn Yên Xuân Thủy (SN 1974, ở tổ dân phố 7, thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông - là người lao công cho Tùng) giả danh là Trần Đình Hoàng Điệp - Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Công an tỉnh Gia Lai.
Lúc đầu, Thủy không đồng ý, nhưng sau này, Thủy đồng ý điện thoại giúp sức cho Tùng để Tùng kiếm tiền trả nợ tiền công cho Thủy. Nghe Thủy nói trong điện thoại, bà Sen tiếp tục chuyển giao hơn 595 triệu đồng cho Tùng. Cộng với những khoản tiền trước đó, bà Sen đã chuyển giao tổng cộng hơn 1,1 tỷ đồng cho Tùng để xin việc cho Tâm và nhiều người quen của bà Sen.
Ngoài những vụ việc nêu trên, Tùng còn có những hành vi lừa đảo chiếm đoạt của một số người khác với tổng cộng tất cả là trên 1,4 tỷ đồng. Ngày 30/12/2014, lực lượng công an thi hành lệnh bắt Tùng khẩn cấp theo Quyết định truy nã của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai. Ngày 15/6/2015, Thủy bị bắt giam.
Huỳnh Minh Tùng, Yên Xuân Thủy đã khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu trên. Sau phiên tòa sơ thẩm, Tùng tác động gia đình bồi thường thêm 20 triệu đồng. “Số tiền 20 triệu này, không đáng kể gì so với trên 1,3 tỷ đồng mà bị cáo Tùng phải có trách nhiệm bồi thường cho các bị hại nên đề nghị Hội đồng xét xử không giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tùng”- vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng nhấn mạnh quan điểm tại phiên tòa. Tuy vậy, Hội đồng xét xử TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vẫn quyết định giảm hình phạt cho Tùng (chủ mưu) từ 8 năm 6 tháng tù xuống còn 7 năm 6 tháng tù.
Đối với Yên Xuân Thủy (là người làm công nghèo khó, đang phải nuôi con nhỏ, học vấn thấp, ít am hiểu các quy định pháp luật, bị rủ rê, đã thật thà khai báo giúp các cơ quan tố tụng...) thì Hội đồng xét xử không giảm nhẹ hình phạt. Chính vì thế mà nhiều người theo dõi phiên tòa không “tâm phục khẩu phục”.