Từ “điểm nóng” của tảo hôn...
Năm 2017, trao đổi với báo chí, ông Giàng A Pàng, nguyên Trưởng trạm Y tế xã Lóng Luông - người đã có nhiều năm lăn lộn ở cơ sở đấu tranh với hủ tục tảo hôn cho biết, tảo hôn là tập tục đã tồn tại và ăn sâu vào tâm thức của người dân từ nhiều đời nay. Chính vì thế, việc con gái đi lấy chồng sớm vì sợ “quá lứa” và một bộ phận không nhỏ em trai “sợ” thua thiệt so với các bạn đồng trang lứa đã lấy vợ, do vậy tạo thành một trào lưu lấy vợ, lấy chồng sớm.
Sau khi lấy nhau, các cặp vợ chồng “nhí” đều sống dựa vào gia đình nhà chồng hoặc có cuộc sống quá khó khăn, để rồi cái nghèo vẫn diễn ra theo một vòng luẩn quẩn “nghèo - tảo hôn - nghèo”.
Được biết, chính quyền xã Lóng Luông “lao tâm khổ tứ” để tìm ra cách giải quyết vấn đề tồn tại này. Bằng chứng là hàng năm, xã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chống tảo hôn, cùng với các tổ chức đoàn thể, các trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hệ lụy của tảo hôn đối với cá nhân, gia đình, xã hội. Đặc biệt, chính quyền xã có chủ trương thành lập câu lạc bộ gia đình không tảo hôn ở các bản thu hút người dân tham gia để hiểu rõ về tác hại của tảo hôn...
Cách đây 2 năm, năm 2016, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc của bản Săn Cài - một bản dọc quốc lộ 6 thuộc xã Lóng Luông đã ra đời trong bối cảnh như thế.
Đến nỗ lực thoát phận “con rùa nuôi xó cửa”
Tôi đến với CLB Gia đình hạnh phúc bản Săn Cài xã Lóng Luông đúng vào lúc CLB đang sinh hoạt định kỳ. Ấn tượng ban đầu với tôi đó là khả năng nói tiếng Kinh rất thạo của những người phụ nữ người Mông nơi đây, có lẽ do vị trí địa lý của bản nằm dọc quốc lộ 6.
Trò chuyện, Giàng Thị Dua kể em lấy chồng năm 19 tuổi. “Em có hai con 7 và 4 tuổi. Tham gia CLB được học về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các kiến thức gia đình, em mới biết ngày trước em lấy chồng quá sớm khi còn chưa biết gì. Thế nên, cuộc sống gia đình của em lúc đầu cũng không thuận lợi lắm. Sinh hoạt ở CLB em cũng hiểu thêm về tập quán tảo hôn, hôn nhân cận huyết của người Mông là không nên, rồi cả việc sinh con thứ ba nữa. Con của em, em sẽ không cho kết hôn sớm và động viên chúng đi học thật nhiều” – Dua tâm sự.
Cũng như Giàng Thị Dua, Sùng Thị Tớ năm nay 24 tuổi, tham gia CLB ngay từ khi mới thành lập, đến nay đã được 2 năm. Tớ rất thích học nhưng bị bố mẹ bắt lấy chồng sớm, thế nên Tớ phải rời sách vở khi chưa hết học kỳ 1 lớp 11 để làm vợ, làm dâu. Sùng Thị Tớ có hai con gái và “em không muốn cuộc đời con em sẽ khổ như mẹ, chẳng được học nhiều, chẳng được bước chân đi đâu, nên em sẽ cố gắng làm việc để cho con gái học đầy đủ, có công ăn việc làm rồi mới lấy chồng” , người mẹ trẻ nói về suy nghĩ của mình.
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được học tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài và hình ảnh những người phụ nữ Mông lầm lũi, nhẫn nhục, cam chịu “như con rùa nuôi xó cửa” trong tác phẩm ấy luôn ám ảnh tôi.
Trong các chuyến công tác đến vùng cao, những người phụ nữ Mông tôi gặp, lúc nào cũng là hình ảnh chiếc gùi trên lưng, nếu không có gùi lại địu con. Đôi chân sải bước thoăn thoắt, đôi tay chai sần cáu két một màu chàm của công việc nhà nặng nhọc. Ấy thế, nhưng câu nói cửa miệng của người đàn ông Mông là: “Đàn bà con gái chả làm được cái gì đâu mà!”.
Chị Giàng Thị Ganh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lóng Luông |
Hỏi vì sao lại thế, hầu hết các chị em đều giải thích: “Người dân tộc Mông vẫn nặng tư tưởng coi trọng con trai. Ngay từ khi sinh ra, nếu đẻ con trai thì chôn rau rốn vào cột nhà. Còn đẻ con gái, rau rốn đem chôn vào chân giường”. Từ khi chào đời, bé gái đã gắn đời mình với chiếc giường, với phận làm vợ, làm mẹ lầm lụi như con rùa ở xó cửa.
Ngay đến chị Vương Thị Chở, cháu đời thứ 4 của gia đình họ Vương - vua Mèo, hiện làm hướng dẫn viên du lịch khu di tích Nhà Vương ở Sà Phìn cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang cũng nói với tôi rằng: “Đàn ông Mông cho rằng con gái không có cái trách nhiệm đi ra xã hội nên không cần học nhiều chữ. Quan niệm truyền đời ấy đã chặn đường học của các bé gái bản Mông. Làm việc nhà, chăm sóc con cái là phận sự quan trọng nhất của người phụ nữ! Tư tưởng ấy đã găm chặt vào suy nghĩ của đàn ông nơi đây”.
Lan man như vậy để thấy, việc những cô gái như Giàng Thị Dua, Sùng Thị Tớ mạnh dạn tham gia CLB Gia đình hạnh phúc và tự nhận thức được “sẽ cho con gái đi học, không lấy chồng sớm để không khổ như mình” là cả một sự thay đổi lớn lao.
Nhân lên những nụ cười
Nhân nói về sự thay đổi lớn lao trong tư duy của người phụ nữ Mông, tôi muốn nói đến cuộc đời của hai người phụ nữ nữa ở xã Lóng Luông và bản Săn Cài.
Đó là chị Giàng Thị Ganh (44 tuổi), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lóng Luông. Mở đầu cuộc trò chuyện, thay vì nói về cuộc đời mình, chị phấn khởi nói về con số 700 hội viên của Hội Phụ nữ xã và 4 CLB đang hoạt động, CLB Gia đình hạnh phúc là một trong số đó. “Chúng tôi quyết định thành lập CLB vì thấy Lóng Luông “mang tiếng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết nhiều quá.
Các CLB hoạt động một thời gian đã cho thấy hiệu quả ngay trong việc vận động người Mông từ bỏ hủ tục. Ví dụ như CLB Mẹ chồng nàng dâu hóa giải quan niệm xưa nay là mẹ chồng phải khắt khe với con dâu, tình cảm con dâu- mẹ chồng luôn xung đột, nguội lạnh, làm ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc gia đình, thậm chí là nguyên nhân của bạo lực gia đình.
Nhiều cặp mẹ chồng – nàng dâu tham gia CLB đã thương yêu và gắn bó với nhau hơn. Rồi CLB Gia đình hạnh phúc, như gia đình của chị Sồng Thị Gống trước kia người chồng coi vợ như cái bóng làm việc nhà, không bao giờ thèm hỏi ý kiến vợ về các việc lớn trong nhà. Nay hai vợ chồng tham gia CLB, người chồng đã thay đổi nhận thức, chia sẻ việc nhà để vợ tham gia vào ban lãnh đạo CLB và đồng ý cho các con tiếp tục học lên cao hơn” – chị Gống chia sẻ.
Tiết mục văn nghệ do thành viên CLB Gia đình hạnh phúc biểu diễn |
Cũng theo chị Ganh, giờ kể lại thì dễ, nhưng lúc mới hình thành các CLB, đi vận động người dân tham gia không hề dễ chút nào. Có gia đình chị phải đi đến ba bốn lần mới có kết quả. Ở hai bản xa nhất của xã là bản Lũng Xá và Tà Dê, chị đến từng nhà vận động, có gia đình người chồng cứ thấy chị đến là vào giường nằm ngủ không tiếp chuyện, nhưng chị vẫn kiên trì thuyết phục, đến lần thứ ba mới thành công.
“Hiện giờ ở xã chúng tôi, người dân đã nhận thức được con trai và con gái đều cần được chăm sóc và đi học như nhau, chứ không trọng nam khinh nữ nữa. Năm 2017, xã tổ chức lớp học xóa mù chữ ở hai bản Săn Cài và Cao Lóng có hơn 70 học viên nữ tham gia lớp học. Với phụ nữ Mông, gia đình người Mông, đó là sự thay đổi rất lớn về nhận thức” – theo chị Giàng Thị Ganh.
Cá nhân chị Giàng Thị Ganh cũng là một tấm gương điển hình cho việc phụ nữ người Mông quyết tâm vươn lên. Ngày bé chị rất thích đến lớp học cái chữ để sau này được đi đây đó, nhưng 14 tuổi bố mẹ đã bắt lấy chồng. Dùng dằng phản đối mãi, rốt cuộc chị cũng phải lấy chồng năm 19 tuổi và cũng năm này chị tham gia công tác trong tổ phụ nữ bản.
Chồng chị khác nhiều người đàn ông Mông khác, không coi vợ như cái bóng làm việc nhà, mà còn gánh vác bớt việc để cho vợ yên tâm đi học. Và thế là người phụ nữ đã có chồng con ấy cắp sách đến trường học lại cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi trung cấp chuyên môn. Hai đứa con chị và cả con cô con dâu cũng theo gương mẹ, được sự động viên của bố học hành đàng hoàng ở bậc đại học: “Cả nhà đi học gánh nặng việc gia đình đổ lên vai chồng và bố mẹ chồng. Lắm khi nghĩ thương lắm, nhưng chỉ biết cố gắng làm tốt, học tốt để không phụ công”, chị Ganh tâm sự.
Bức ảnh tôi chụp cuối cùng tại bản Săn Cài là bức ảnh của gia đình chị Giàng Thị Lan, Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc khi hai vợ chồng chị tiễn khách. Là một trong những người chồng tham gia CLB, anh Tếnh A Sếnh (chồng chị Lan) cho biết vợ chồng anh cưới nhau hơn chục năm nhưng hiếm muộn. Buồn chuyện gia đình anh uống rượu, “rượu vào tôi nặng lời làm vợ buồn lắm.
Thế rồi run rủi thế nào chúng tôi nhận nuôi được cháu gái bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện gần nhà. Đặt tên con là Tếnh Thị Thiện Nhân với ước mong con lớn lên làm người tốt, thật nhiều việc thiện. Ba năm nuôi con, hai năm sinh hoạt trong CLB cùng vợ, tôi thấy mình thay đổi nhiều. Thương vợ, con nhiều lắm, muốn làm nhiều việc tốt cho gia đình mình”, anh Sếnh chia sẻ.
Tôi tin rằng lời chia sẻ của anh Tếnh A Sếnh cũng là lời chia sẻ của 20 ông chồng khác là thành viên của CLB và là niềm hạnh phúc của 20 bà vợ cùng những đứa trẻ. Rồi tới đây, khi thêm nhiều cặp vợ chồng người Mông nữa tham gia các CLB, hạnh phúc và nụ cười chắc chắn sẽ được nhân lên nhiều lần ở các bản như Săn Cài, Cao Lóng, Lũng Xá, Tà Dê... và Lóng Luông sẽ không còn là “điểm nóng hủ tục” trong mắt nhiều người nữa.