Cảm ơn mẹ đã luôn bên con!
Trần Thị Ngọc T, (SN 1985, trú tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) nhận bản án 7 năm 6 tháng tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Những ngày đầu đi thụ án với T là quãng thời gian thực sự đáng sợ và lạnh lẽo khi phải xa mẹ, xa con trai. Nhưng cảm xúc đó của T dần vợi đi khi tháng nào mẹ cô cũng sắp xếp thời gian vào trại giam để động viên con gái cố gắng cải tạo tốt.
5 năm thụ án là chừng ấy thời gian mẹ cô thay cô vun vén gia đình nhỏ, nơi chỉ còm cõi 1 bà, 1 cháu. Cảm động trước tình yêu thương của mẹ, ân hận về những tội lỗi mình đã gây nên, Trần Thị Thanh T đã viết một bức thư dài gửi đến mẹ để tỏ bày nỗi nhớ và sự biết ơn của mình đối với mẹ.
“Khi nhận được những dòng chữ này của con, mẹ ngạc nhiên lắm phải không mẹ?... Đã gần 5 năm rồi con không được ngủ cùng mẹ, không được ngồi cùng mâm ăn cơm với mẹ, không được bóp vai cho mẹ, không được vui đùa cùng mẹ và cũng không được nhìn thấy mẹ hàng ngày như trước đây. Con buồn lắm mẹ ơi! Giờ đây, khi ngồi sau song sắt trại giam con ao ước, giá như thời gian quay trở lại thì tốt biết mấy. Khi đó con sẽ nghe lời mẹ vô điều kiện để con không có ngày như hôm nay. Nhưng điều ước đó mãi chỉ là điều ước thôi phải không mẹ?
Cuộc sống nơi đây khiến con nhớ mẹ nhiều hơn, cần hơi ấm của mẹ nhiều hơn. Và con biết, mẹ cũng nhớ con nhiều lắm phải không mẹ? Mỗi lần mẹ vào thăm con, nhìn mẹ qua tấm kính, những sợi tóc bạc, những nếp nhăn trên trán mẹ khiến trái tim con quặn thắt lại. Con chẳng biết nói gì với mẹ mà chỉ thấy hai hàng nước mắt chảy dài trên má con mà thôi. Và con cũng lại nhìn thấy mẹ khóc. Mẹ đã khóc rất nhiều vì đứa con gái ngu dại mà mẹ thương yêu hết mực này phải không?.
Con biết từ khi con lớn lên đã làm cho mẹ buồn nhiều, khóc nhiều vì con. Mẹ yêu thương con, luôn chiều con và dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Mẹ từng nói với con rằng: “Vì con thiệt thòi do không có bố nên mẹ sẽ bù đắp và dành cho con tất cả”. Con hiểu được điều đó, biết được điều đó, biết được tất thảy những gì mẹ đã dành cho con nhưng con lại không biết cách đón nhận tình yêu của mẹ. Con luôn luôn làm theo ý của bản thân và trái lời của mẹ, gạt bỏ đi sự lo lắng của một người mẹ dành cho con gái mình để rồi con mang đến cho mẹ một nỗi đau mà mẹ chưa bao giờ nghĩ đến. Thành thật con xin lỗi mẹ, mẹ của con…
Mẹ ơi! Khi con đang ngồi đây, xung quanh con là 4 bức tường lạnh lẽo. Nỗi sợ hãi luôn luẩn quẩn quanh con... Con muốn thoát khỏi nó mẹ ạ. 5 năm qua, lương tâm và trái tim con không ngày nào đươc yên và con biết, dù đã bước chốn tù lao nhưng con vẫn làm mẹ buồn, khóc và lo lắng cho con. Mẹ ơi, dù con có thế nào, có ngu dại ra sao thì con vẫn mãi là con của mẹ, vẫn mãi là con gái mà mẹ yêu thương phải không mẹ của con? Con luôn cảm nhận được sự tha thứ trong im lặng của mẹ. Con thấy rõ điều đó qua ánh mắt u buồn của mẹ. Thế nhưng sự tha thứ ấy khiến con thấy mình không xứng đáng một chút nào vì con đã gây cho mẹ quá nhiều tổn thương, suy sụp. Dù vậy, con vẫn muốn nhận được sự tha thứ của mẹ. Mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời, trong trái tim con và con luôn cần có mẹ trong bước đi của mình…
Lúc này đây, con muốn được ở bên mẹ, được lọt thỏm trong vòng tay ấm áp của mẹ, mẹ ơi. Thời gian con được gần mẹ cũng sắp đến rồi… Con mong đến ngày đó lắm và con sẽ cố gắng cải tạo tốt, cố gắng làm theo lời mẹ chỉ dạy để sớm được về bên mẹ. Mẹ hãy chăm sóc bản thân và giữ gìn sức khỏe thật tốt để chờ con nhé mẹ yêu của con!…”.
Thương mẹ khuất xa, thân cò lặn lội
Phạm nhân Nguyễn Thị Thanh N, quê Nghệ An tay nhúng chàm khi mẹ còn khỏe mạnh. Nhưng vì lao tâm bởi lỗi lầm của con gái, vì nghĩ suy quá nhiều về trách nhiệm của mình đối với tội lỗi của con khiến bệnh cũ tái phát, mẹ N đã ra đi khi cô đang thụ án tại trại giam. Xót xa cho số phận của mẹ, xấu hổ cho tội lỗi của mình, chị N đã cầm bút viết đôi dòng gửi mẹ nơi chín suối, mong hồn mẹ chứng kiến cho sự tiến bộ trong cải tạo của đứa con gái mẹ đã sinh ra, nuôi nấng và yêu thương.
Thư chị N viết: “Mẹ ơi! Con gái bất hiếu của mẹ chưa từng một lần được thắp lên bàn thờ mẹ một nén hương thành kính. Vành khăn tang vẫn chờ con về, giọt nước mắt tiếc thương của con chưa được thấm lên mộ mẹ. Con vẫn chưa về được mẹ ơi, vì “món nợ” cuộc đời con vay chưa trả hết. Nỗi đau xé lòng con khi giờ phút mẹ trút hơi thở cuối cùng con không thể về bên mẹ… Đó là nỗi đau con vẫn hằng ngày phải đối diện và trăn trở. Nước mắt con đã cạn khô khi hằng đêm trên mảnh đất xa xôi, trong 4 bức tường trại giam con luôn nghĩ về mẹ, về gia đình…
Mẹ ơi! Con biết chắc rằng mẹ sẽ không thể mỉm cười nơi chín suối không thể thanh thản ra đi vì con không chỉ có lỗi với bản thân, gia đình mà con còn mang tội với xã hội, những người đã vì con gieo “cái chết trắng” mà tự hủy hoại cuộc đời, khiến gia đình họ tan hoang, cuộc sống của họ chìm trong cảnh điên loạn dở khóc, dở cười…”
Còn chị Vũ Thị Kiều T, (SN 1982, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) lại gửi đến người mẹ của mình lời tri ân sâu sắc. Đến phút này, chị hiểu hơn ai hết về đức hy sinh, chịu đựng của mẹ dành cho mình - cô con gái lớn nhưng mắc sai lầm của mẹ. Bố mất sớm, mình mẹ thân cò lặn lội, gồng vai gánh vác nuôi 4 chị em T khôn lớn. Vậy mà vì sớm vấp váp trong chuyện tình cảm, T đã ích kỷ khi chỉ nghĩ đến nỗi đau của bản thân mà thả mình vào hành vi tội lỗi. Để rồi, khi phải trả giá về lầm lỗi đã gây nên, T sực tỉnh thì quá muộn màng. T đã đi ngược lại tình yêu thương của mẹ.
Mỗi lần mẹ vào thăm, T nhìn mẹ khóc mà chẳng biết nói câu gì. T chỉ biết ôm mẹ mà van xin: “Con xin mẹ, mẹ đừng khóc cho con. Con khóc cho bản thân mình như vậy đã là quá đủ rồi!”. Cả đời mẹ vất vả, ngược xuôi, nay mẹ đã già, tóc bạc nhiều phần mà chưa một ngày được ngơi nghỉ. Nhìn mẹ, chị T nhủ lòng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để sớm được trở về, đáp đền lại phần nào tấm chân tình của mẹ…
Những cảm xúc của con gái tội lỗi gửi mẹ có lẽ còn dài lắm nhưng không tỏ bày hết được. Còn những người mẹ, mãi mãi trong họ, con gái của mình vẫn bé bỏng, ngây thơ và khờ dại. Con trót đi sai đường, mẹ không bỏ mặc con, tuy có giận nhưng vẫn thương con vô hạn. Lời bà Đỗ Thị Loan, mẹ của Trần Thị Ngọc T có lẽ cũng là tiếng nói chung của nhiều bà mẹ. “Mẹ đã tha thứ cho con. Niềm mong ước lớn nhất của mẹ lúc này là mong con sớm được trở về với mẹ, với gia đình và không bao giờ đi vào vết xe đổ của mình nữa…”
Mong rằng, những người con gái đó sớm thực hiện theo niềm nguyện ước của mẹ, đó là lao động, cải tạo thật tốt để ngày trở về với cuộc sống được gần hơn…