Hai ngày, ba lần trộm
Buổi chiều, sân tòa án vắng tanh. Nữ sinh viên là bị hại trong vụ án tần ngần ngồi một góc nơi sân tòa. Cô là bị hại trong vụ án trộm cắp, bị mất chiếc điện thoại và máy tính.
“Em vô Huế trọ học. Nhà nghèo lắm nhưng bố mẹ vẫn cố mua cho em một chiếc điện thoại để tiện liên lạc với gia đình. Chiếc máy tính ấy, mẹ em dồn tiền bán lúa đến mấy vụ mới mua được”, bị hại thở dài.
Khi chiếc xe tù lầm lũi đỗ xịch trước sân tòa, bị cáo vẻ bình thản bước xuống, ánh mắt đảo quanh một vòng rồi cụp xuống, lặng lẽ đi vào phòng xử án, bước đi nặng nhọc. Phòng xử án rộng thênh thang, trống trải. Nhưng người nhà bị cáo chẳng thấy ai lai vãng.
Có người hỏi, gia đình có biết hôm nay bị cáo ra tòa không, bị cáo lặng lẽ gật đầu.Nhà ở trung tâm thành phố, đi chừng vài phút là đến tòa, có lẽ họ không muốn nhìn mặt con. Phải chăng lần này cha mẹ không thể tha thứ cho sai lầm của bị cáo, nên họ quyết định “làm ngơ”?
Phiên tòa bắt đầu, bị cáo khai tên Lê Phụ, sinh năm 1990, ngụ TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có vợ và đứa con 3 tuổi, tuy nhiên vợ Phụ đã ôm con bỏ nhà đi đã lâu.
Bị cáo khai, trong hai ngày 17 và 18/4/2015, đã ba lần đột nhập vào nhà dân lấy cắp tài sản. Thời điểm gây án là ban ngày. Để thực hiện hành vi trộm cắp trót lọt, Phụ đã cất công quan sát, thấy các phòng trọ sinh viên cửa nẻo thường sơ hở, nên “ưu tiên” chọn nơi gây án.
Vụ thứ nhất xảy ra lúc 2h chiều ngày 17/4, kẻ cắp chỉ cần thò tay qua cửa sổ đã “khoắng” được chiếc điện thoại “cùi”, bán được 200 ngàn. Ngày hôm sau, cũng vào tầm 2h chiều, bằng thủ đoạn tương tự, Phụ trộm một chiếc điện thoại khác của một sinh viên ở trọ bán được 150 ngàn.
Sau đó kẻ cắp dạt đến một phòng trọ khác, tiếp tục đánh cắp một điện thoại, một máy tính xách tay. Toàn bộ tài sản đánh cắp, Phụ mang bán lấy tiền tiêu xài cá nhân hết.
Theo hội đồng định giá, tổng tài sản Phụ đã đánh cắp có giá trị 6,7 triệu.Vì bị cáo có hai tiền án về tội chiếm đoạt tài sản, đã tái phạm chưa được xóa án tích nên phạm vào Điểm c, Khoản 2, Điều 138 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Bị cáo Phú bị tuyên án 30 tháng tù |
Đứa trẻ đến dự phiên xử anh trai
Phiên tòa diễn ra quá nửa, mẹ bị cáo mới đến, dẫn theo đứa em trai bị cáo chừng 8 tuổi. Dáng vẻ bà lam lũ, trên đầu đội chiếc nón rách te tua, chiếc áo khoác đã sờn màu. Bà mang cho con trai mấy lốc nước ngọt, em bị cáo lẽo đẽo đi phía sau, tay cầm bọc ni lông đựng nước chanh, “bới xách” cho anh trai.
Bà ngồi lặng lẽ phía cuối phòng, nước mắt rơi suốt phần còn lại của phiên tòa. Giờ nghị án, khi bị cáo được dẫn giải vào phòng cách ly, người mẹ lật đật chạy theo, gương mặt nhòe nhoẹt nước. Ngồi thẫn thờ bên con trai, đôi tay sần sùi cầm tay con thật chặt, bà không nói một câu, chỉ để nước mắt lặng rơi.
Cha bị cáo đến muộn hơn, bần thần đứng bên ngoài, thở dài nặng nhọc. Ông bảo, giận con lắm, lẽ ra không đến dự tòa, nhưng cầm lòng không được, nên cuối cùng vẫn đến.
“Sinh con ai cũng muốn con cái ngoan ngoãn, ăn học thành tài. Nhưng con hư, dạy mãi không được, tui cũng chịu bó tay. Thằng ni chỉ có thay bộ não khác, may ra mới sống tốt, chứ chừ chịu rồi”, người cha ngao ngán.
Nhìn vợ khóc, ông càng thêm não ruột: “Con cái mà nói mãi không nghe, nhưng vứt bỏ cũng không được, vì hắn hư cách mấy cũng là con mình đẻ ra. Nhìn mẹ hắn đau lòng như rứa, nhưng hắn không tỉnh ra mô. Lần mô đi tù, cũng hứa ngon hứa ngọt sẽ bỏ tật xấu, như ra tù là tái phạm ngay, đời hắn coi như bỏ rồi…”
Ông bảo, hôm nay dẫn con trai út lên, để con út hiểu chuyện, may ra sau này không theo vết xe đổ của anh. Cậu em nhỏ ngồi ngoài cửa, nhìn ba rồi nói: “Dưới chân anh là sợi xích phải không?”. Người cha gật đầu buồn hiu. Cậu bé lại hỏi: “Ở tay anh là cái chi rứa ba hè, con quên mất”. “Đó là cái còng. Con đừng hư như anh nhé”. Đứa nhỏ giương đôi mắt tròn xoe, ra vẻ hiểu chuyện.
Tòa tuyên phạt bị cáo 30 tháng tù, người mẹ khóc như mưa, người cha đứng bất động. Ông bần thần: “Hắn về hai tháng, giờ lại đi 30 tháng. Mai mốt ra tù, sợ lại gây chuyện. Hắn ở ngoài mô có yên”./.