Còn theo ông Bùi Đắc Mạnh (SN 1962), đại diện dòng họ, thì tin đồn dưới mộ tổ dòng họ mình chôn kho báu, có thể xuất phát từ cách phát âm cộng với những suy đoán mập mờ. Ông Mạnh giải thích tên gọi gò đẻ nhưng người địa phương phát âm thành “gò để”, rồi từ đó người ta suy đoán chữ “để” có nghĩa nơi này để của, cất giấu vàng bạc.
Rạng sáng 21/6/2017, con cháu họ Bùi Đắc cùng dân làng thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã mai phục bắt quả tang 4 người đào mộ tổ họ Bùi. Đây là lần thứ 5 ngôi mộ cổ ước tính 600 năm tuổi bị kẻ xấu đào trộm vì lời đồn bên dưới “chôn nhiều của cải, vật báu”.
Gò đất lịch sử
Một tổ dòng họ Bùi Đắc ở Yên Trường nằm tại gò đất được gọi nôm na là “gò đẻ”, rộng hơn 80m2, cao khoảng 5m, nằm cách khu dân cư chừng cây số. Ở chân gò có khu lăng mộ được xây dựng bằng bê tông kiên cố, lưng gò có thêm một ngôi mộ nhỏ, đều dựng bia họ Bùi Đắc.
Người dân địa phương cho hay ngôi mộ cổ ở gò đẻ có từ lâu đời, ước tính trên dưới 600 năm tuổi. Lâu nay con cháu họ Bùi Đắc vào ngày mùng 4 Tết hàng năm đều tập trung đến gò tảo mộ tổ.
Tương truyền họ Bùi là một trong bốn dòng họ có công khai khẩn lập nên vùng đất Yên Trường. Dòng họ này có truyền thống làm nghề thuốc và dạy học. Sở dĩ đoạn sông chảy qua làng có tên sông Bùi vì ngày trước dòng họ này được quan giao nhiệm vụ trông coi dòng sông.
Còn chuyện dưới gò đẻ chôn kho báu, người địa phương nói rằng từ 30 năm trước đã có tin đồn này. Thực hư không ai biết. Lúc đầu một số người rỉ tai nhau có người nhìn thấy đàn gà bằng vàng, con lợn vàng đi lại quanh gò nên suy đoán bên dưới có kho báu.
Kẻ gian đào đường hầm xuyên vào mộ cổ tìm của. |
Cũng có lời đồn khi quân nhà Minh (Trung Quốc) sang xâm lược nước ta đã vơ vét nhiều của cải. Thôn Yên Trường vào năm 1426 là nơi nghĩa quân Lam Sơn giao chiến quân Minh với trận đánh Chúc Động - Tốt Động đi vào sử sách. Khi quân địch thua trận bỏ chạy không kịp đem theo của cải. Và người ta suy đoán quân Minh đã chôn của cải xuống đất, khả nghi chôn ở gò đẻ.
Còn theo ông Bùi Đắc Mạnh (SN 1962), đại diện dòng họ, thì tin đồn dưới mộ tổ dòng họ mình chôn kho báu, có thể xuất phát từ cách phát âm cộng với những suy đoán mập mờ. Ông Mạnh giải thích tên gọi gò đẻ nhưng người địa phương phát âm thành “gò để”, rồi từ đó người ta suy đoán chữ “để” có nghĩa nơi này để của, cất giấu vàng bạc.
Cũng vì tin đồn dưới mộ có có kho báu mà trước đây nhiều người lạ từ nơi khác đến nhận là chủ mộ cổ. Tuy nhiên những người này không đưa ra được bằng chứng, khi bị người họ Bùi Đắc chất vấn “kiểm tra” thông tin đều lặng lẽ ra về.
Năm lần bị đào trộm
Đứng quan sát mộ tổ, ông Bùi Đắc Thành (SN 1965), người mai phục bắt quả tang nhóm người đào mộ trộm rạng sáng 21/6 vừa qua không khỏi ngậm ngùi. Ông chỉ vào những chỗ đất lõm quanh gò đất cho biết đó là dấu vết những lần mộ bị kẻ xấu đào xới tìm của.
Lần đầu mộ cổ bị đào trộm cách đây khoảng 30 năm. Khi đó con cháu trong dòng họ đi làm đồng vô tình phát hiện hố sâu hơn mét ở chân mộ đã lấy đất lấp lại. Ba năm sau, người ta lại phát hiện hố sâu hơn 2m ở chân gò rồi lấp lại như trước. Khoảng chục năm trước, kẻ xấu lần thứ 3 đào hai hố sâu hơn 2m quanh mộ tổ. Con cháu họ Bùi ra hiện trường nhìn thấy dưới hố sâu lộ ra một nấm mồ nhỏ.
Mộ tổ họ Bùi Đắc ở gò đẻ. |
Lần thứ 4, mùa hè năm 2015, chính ông Thành nhiều ngày linh tính có người đào mộ đã gọi em họ ra kiểm tra 2 lần đều không thấy. Ông Thành sau đó ra dò tìm kĩ quanh mộ tổ phát hiện hố sâu hơn 2m, đường hầm xuyên vào lòng mộ sâu dài 13m cùng quạt điện, xà beng. Kẻ xấu dùng bạt nilon che miệng hố, phủ cỏ ngụy trang. Đất đào ra chúng đổ xuống hồ nước gần đó nên không ai phát hiện. Ngay hôm đó con cháu họ Bùi họp bàn, mua 20m3 bê tông lấp lại.
Tối 20/6 vừa qua, anh Bùi Đắc Dương (SN 1982) sang nói với ông Thành hình như mấy ngày nay có người lại đào mộ tổ. Tối hôm đó anh Dương và ông Thành quyết định mai phục. Khoảng 3h sáng ngày 21/6, cả hai nhìn thấy chiếc taxi đỗ gần gò đẻ cùng năm chiếc xe máy. Phía trên mộ có ánh điện nhấp nháy.
Biết chắc chắn có kẻ đào mộ, ông Thành nhắn con trai gọi thêm con cháu, dân làng ra gò bắt kẻ đào trộm. Khi mọi người ập tới, khoảng 5 người đã bỏ chạy, dưới hố còn 4 người chưa kịp trèo lên.
Tại hiện trường, những người đào mộ khai đều ở thị trấn Phùng (huyện Hoài Đức). Họ được một người ở làng thuê về đào mộ tìm của cải, đào từ ngày 17/6. Ngay sau đó tất cả được đưa về trụ sở công an Trường Yên làm việc. Bốn người bị bắt quả tang khai tên Nguyễn Văn Nẻ, Nguyễn Văn Thắng, Đỗ Phú Hải, Lê Văn Tính khai đào hầm tìm của chứ không đào trộm mộ. Họ phủ bạt lên miệng hầm để không ai chú ý, cứ đêm xuống là đào đất, khi có ánh nắng thì dừng.
Bên dưới gò đất được cho chôn nhiều của cải. |
Vì sao “không thể xử lý hình sự”?
Đại diện dòng họ Bùi Đắc cho biết, người đàn ông ở cùng xã thuê nhóm người về đào mộ đã đến nói chuyện với ông Bùi Đắc Thành. Người này thừa nhận vì ham của đã đào mộ cổ, mong muốn đền bù chi phí san lấp 30 - 40 triệu đồng và được bỏ qua. Tuy nhiên người dân họ Bùi Đắc không đồng ý.
Theo quan sát tại hiện trường, những người tìm của đào hố sâu khoảng 3m, rộng đủ 3 người lớn đứng. Từ hố này là đường hầm sâu 10m xuyên vào tâm mộ, chạm tới tường gạch được cho là thành mộ chính dưới gò đất, một ít gạch đã bị phá dỡ đưa lên mặt đất. Phía trên các vật dụng như thùng nhựa, bạt nilon, cuốc xẻng, xà beng vẫn còn để nguyên.
Trao đổi với PV, ông Bùi Đắc Dũng, trưởng công an xã Trường Yên xác nhận có nhóm người lạ về địa phương đào tìm của cải, danh tính như đã nêu. Tuy nhiên trưởng công an xã nói rằng vị trí nhóm người lạ đào tìm của cải là gò đất trống, nằm sát mộ tổ họ Bùi Đắc nên không có cơ sở xử lý hình sự. Hiện công an xã đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt hành chính nhóm người tự ý về địa phương tìm của cải.
Tuy nhiên đại diện họ Bùi Đắc phản đối ý kiến trên. Họ nói rằng từ xa xưa cả khu gò đẻ là mộ tổ dòng họ, cả xã ai cũng biết. Ngày trước tổ tiên lập mộ sau đó đắp đất cao xung quanh, trải qua nhiều năm bồi đắp nên hình dáng khu mộ biến dạng:
“Cả gò đẻ là mộ tổ, còn vị trí chính xác lăng mộ bên dưới chúng tôi cũng không rõ. Những người tìm của đã đào chạm tới tường lăng bên dưới, mang cả gạch lên mà nói là đào ở đất trống. Công an xã căn cứ vào đâu mà nói họ chỉ đào ở đất trống?”, ông Bùi Đắc Mạnh phản bác.
Ông Bùi Đắc Mạnh, đại diện dòng họ đề nghị xử lý nghiêm những người xâm phạm mồ mả. |
Đại diện họ Bùi Đắc cho biết đã gửi đơn tố giác tội phạm lên công an xã, UBND xã và sẽ gửi lên công an huyện đề nghị xem xét xử lý hình sự những người xâm phạm mộ tổ dòng họ: “Nếu các cấp chính quyền không xử lý nghiêm, tôi e rằng sẽ còn nhiều vụ đào trộm ở mộ tổ họ Bùi nữa”, ông Mạnh lo lắng.