Loại ngay các biểu hiện cơ hội, tham nhũng
Cho dù ứng cử đại biểu cấp nào thì người ứng cử đều phải đáp ứng tiêu chuẩn chung nhằm đảm bảo cho cử tri lựa chọn được những đại biểu đáp ứng các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội và Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhất là những người “liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”.
Đặc biệt, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương (TƯ), những người “có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW (ngày 3/7/2007) của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận” sẽ không được giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử.
Ngoài ra, theo quan điểm đại diện của các tổ chức xã hội và nhiều cử tri, trong số những người ứng cử, người nào có điều kiện tham gia các hoạt động của một đại biểu dân cử nhiều nhất thì nên được lựa chọn giới thiệu ứng cử; đồng thời giảm những người có tiêu chuẩn tốt nhưng không có điều kiện hoạt động hoặc chỉ có thể tham gia hoạt động ít.
“Để giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn, tránh những trường hợp đáng tiếc như bà Châu Thị Thu Nga, Đặng Thị Hoàng Yến, việc hiệp thương ứng cử phải bám vào quy định của Luật, điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội chứ không phải là những tiêu chuẩn của Luật, cơ cấu, thành phần” - ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM nhấn mạnh.
Kiên quyết không để lọt người không đủ tiêu chuẩn
Đảm bảo cho cử tri có thể lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn, Ủy ban Kiểm tra TƯ yêu cầu các cơ quan tham mưu, giúp việc của TƯ Đảng, các cấp, các ban cán sự đảng, đảng đoàn tập trung giải quyết tố cáo, khiếu nại phục vụ công tác bầu cử. Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện kịp thời, có kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó có thể lập đường dây nóng, phân công cán bộ, kiểm tra viên trực tiếp công dân và đảng viên 24/2/4 giờ.
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (đến ngày 12/5), Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử, nhưng vẫn phải tổng hợp đầy đủ các trường hợp đơn thư tố cáo báo cáo Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp và ủy ban Kiểm tra cấp trên.
Qua giải quyết tố cáo phải có kết luận rõ đúng, sai, khuyết điểm hoặc vi phạm của đảng viên bị tố cáo, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm; đồng thời phải chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, kết luận, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đặc biệt, nếu phát hiện những trường hợp không đủ tiêu chuẩn để giới thiệu ứng cử thì Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động cùng các cơ quan liên quan trao đổi, đề nghị Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định. Cùng với đó, một trong những yêu cầu đối với công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là “phê phán và uốn nắn những biểu hiện lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để làm mất dân chủ, gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ đại đoàn kết dân tộc và chống những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân”.
Qua đó, “kiên quyết không để lọt và không đưa người không đủ tiêu chuẩn vào danh sách giới thiệu ứng cử bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp” như yêu cầu tại Hướng dẫn số 20-HD/UBKTTW về công tác tiếp công dân, đảng viên và giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban Kiểm tra các cấp phục vụ cho công tác bầu cử.
Theo Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 và Kế hoạch 40/KH-HĐBCQG, sẽ có 3 Hội nghị hiệp thương được tổ chức lần lượt trong 3 tháng 2, 3 và 4. Sau Hội nghị, Biên bản phải được gửi về Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Cụ thể, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phải được tổ chức chậm nhất ngày 17/2 (95 ngày trước ngày bầu cử) thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng những người ứng cử để cơ quan, tổ chức, đơn vị, tổ dân phố được phân bổ số lượng người giới thiệu ứng cử tiến hành lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
Hội nghị hiệp thương lần thứ hai phải được tổ chức chậm nhất ngày 18/3 (65 ngày trước ngày bầu cử) để thỏa thuận danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đồng thời tổ chức hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải được tổ chức chậm nhất ngày 17/4 (35 ngày trước ngày bầu cử) để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách do Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bầu cử tỉnh gửi đến, chậm nhất là ngày 27/4 (25 ngày trước ngày bầu cử). Trước đó, chậm nhất là ngày 12/4, danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu và thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.
Ngoài ra, sẽ tiến hành bầu bổ sung đối với đại biểu Quốc hội, nếu thiếu trên 10% tổng số đại biểu khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội nhiều hơn 02 năm; đối với HĐND, khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng thiếu trên 1/3 tổng số đại biểu hoặc thành lập đơn vị hành chính mới trên cơ sở đơn vị hành chính có số lượng đại biểu HĐND không đủ 2/3 tổng số đại biểu được bầu theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ngày bầu cử bổ sung (nếu có) sẽ được công bố chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử.