Phương tiện “chen vai, thích cánh”…
Với sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện giao thông và nhu cầu lưu thông của người dân ở Hà Nội và TP HCM theo sự phát triển của mật độ dân số, ùn tắc giao thông là vấn đề gây bức xúc, tồn tại dai dẳng nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy, hàng năm rất nhiều hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông được tổ chức, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà xã hội học và cả các chuyên gia nước ngoài đã hiến kế dưới các góc độ khác nhau song tất cả dường như đều “lọt thỏm” trong vòng xoáy giao thông tại hai TP lớn trọng điểm này.
Nguyên nhân hàng đầu của ùn tắc giao thông đã được chỉ ra chính là ý thức chấp hành luật giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông (cả phương tiện có động cơ và thô sơ). Hình ảnh những chiếc xe máy, ô tô đi vào làn của xe buýt nhanh (BRT) tại Hà Nội khiến phương tiện giao thông công cộng này mang tên là “nhanh” nhưng đôi khi vẫn phải đi với tốc độ “rùa”; những phương tiện vượt đèn đỏ tại các điểm giao cắt; những chiếc ô tô, xe máy lấn làn, “hòa trộn” với nhau trong dòng giao thông vào những giờ cao điểm tại Hà Nội và TP HCM… đã minh chứng rất rõ cho nguyên nhân này.
Trật tự giao thông được hình thành từ hành vi của mỗi người tham gia giao thông nếu họ chấp hành đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, sẽ không có ùn tắc giao thông, hạn chế TNGT. Nhưng với quan niệm “đường ta, ta đi”, người điều khiển phương tiện giao thông, bất chấp là ô tô hay xe máy, đang hoàn toàn bỏ qua những kiến thức và quy định về Luật Giao thông đường bộ để luồn lách, “cướp đường, hở chỗ nào, đi chỗ đấy”, tạo sự hỗn loạn trong dòng lưu thông, ảnh hưởng đến trật tự giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
“Thủ phạm” là quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông
Nhiều năm trước đây, các chuyên gia đánh giá, việc phân luồng, phân làn xe chạy, điều phối giao thông, đèn tín hiệu ở nút giao nhau chưa tốt là nguyên nhân đáng kể gây nên tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM. Đơn cử tại Hà Nội, nhiều tuyến phố nhỏ, hẹp nhưng vẫn cho lưu thông 2 chiều ô tô, thậm chí cho phép cả xe buýt, xe du lịch “kềnh càng” chiếm gần hết lòng đường. Những đường ngang được mở ở các phố có dải phân cách mềm không hợp lý cũng gây nên ùn tắc giao thông vì các dòng xe đan xen nhau để quay đầu, đổi hướng... Cùng với đó là hành vi dừng đỗ “vô tội vạ” khiến những đoạn đường đã hẹp càng thêm hẹp và gây ùn tắc giao thông.
Và gần đây, nguyên nhân của ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM được chính lãnh đạo Chính phủ đề cập nhiều chính là quy hoạch đô thị. Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng của công tác quy hoạch đô thị đến việc đảm bảo ATGT và chống ùn tắc giao thông ở các TP lớn, trong đó có Hà Nội và TP HCM.
Thủ tướng chỉ ra: “Có điều rất lạ là tất cả các cơ sở được di dời đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ rất cao. Nhiều khu chung cư cao 40-50 tầng dày đặc, gây ách tắc giao thông, cấp thoát nước, điện lực, vệ sinh môi trường”. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tất cả các địa phương, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, cần nghiêm túc rà soát lại, chấn chỉnh kịp thời việc này trước khi quá muộn.
“Đề nghị các đồng chí phải hiểu rằng không vì lợi ích trước mắt, thậm chí lợi ích nhóm mà quên lợi ích chung của cả cộng đồng. Nếu không sớm khắc phục thì sau này ngân sách nhà nước đổ vào cũng không thể đủ để giải phóng mặt bằng, chống ùn tắc giao thông được. Tôi nói luôn nếu chúng ta không cấm xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô thì hàng loạt dự án đô thị ven đô sẽ không tiếp tục được, bị bỏ hoang” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Và hôm qua (4/1), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT là nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tăng cao so với năng lực kết cấu hạ tầng, cùng với sự phát triển tràn lan các chung cư cao tầng trong nội thành, phá vỡ quy hoạch, trong khi các dự án vận tải khách công cộng khối lượng lớn chậm tiến độ, tạo áp lực lớn cho giao thông đô thị tại Hà Nội, TP HCM, các trục giao thông chính và các đầu mối giao thông trọng điểm…
Nể nang, xuê xoa không làm nên trật tự giao thông
Tại Hội thảo về “Đề xuất, giải pháp kéo giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn Hà Nội”, con số tính toán của các cơ quan chức năng công bố cho thấy, trung bình mỗi ngày một người dân Hà Nội bị ùn tắc giao thông từ 15 - 20 phút, tương ứng mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày mất trên 41 tỷ đồng.
Vì vậy, theo các chuyên gia, nếu các TP lớn không kiểm soát được mật độ dân cư thì sẽ không thể hạn chế được lượng phương tiện lưu thông và tình trạng ùn tắc giao thông sẽ không thể được cải thiện. Theo ông Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Việc kiểm soát tốt mật độ dân cư trước hết là phải thông qua công tác quy hoạch, có biện pháp khống chế mật độ dân cư, kiểm soát số lượng nhà cao tầng. Ở một số quốc gia còn khống chế cả số nhân khẩu trong từng căn hộ…để tránh việc quá tải mật độ dân cư...”.
Góp ý cho giải pháp chống ùn tắc giao thông của TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TP cần nghiên cứu việc phân luồng, tuyến hợp lý để vận hành hiệu quả dự án xe bus nhanh, góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân và đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân; đồng thời kiểm tra, xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi lấn đường, vi phạm. Phó Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội và TP HCM tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý, tổ chức và điều khiển giao thông, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Quan trọng hơn cả là sự cương quyết và thực thi nghiêm các quy định pháp luật về quy hoạch và trật tự đô thị, trật tự giao thông, không có sự nể nang, xuê xoa thì mới hy vọng xử lý triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ở hai TP mang nhiều trọng trách này của đất nước.