Đó là mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đề xuất tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra cả ngày hôm qua (2/11).
Chưa chỉ ra được người chịu trách nhiệm
Theo ĐBQH, hiện có ba vấn đề tồn tại, trở ngại lớn cho sự phát triển chung của đất nước, đó là công tác tổ chức bộ máy, quản lý tài nguyên và quản lý thu chi ngân sách. ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) chỉ ra “những hạn chế đã tồn tại trong nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được” là cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo chưa cụ thể, cải cách hành chính trong một số lĩnh vực chậm, thủ tục còn gây phiền hà cho doanh nghiệp (DN), người dân nhưng việc thanh, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, có nơi hậu kiểm tra, giám sát còn bỏ ngỏ, kỷ cương, kỷ luật còn lỏng lẻo.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng nhận thấy, một trong những nguyên nhân của những tồn tại trong thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nâng cao năng lực, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là “chúng ta còn nhiều cán bộ thiếu năng lực, thiếu phẩm chất và cốt lõi là chúng ta chưa chỉ ra được người chịu trách nhiệm”.
Đây là vấn đề đáng lo ngại vì đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, sự ổn định của xã hội. Do vậy, ĐBQH kiến nghị Chính phủ có những giải pháp cụ thể, sát sườn hơn nữa để sớm khắc phục những yếu kém, nhất là vấn đề tổ chức công tác nhân sự, trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ.
Muốn vậy, “cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, công chức ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao, có quan hệ trực tiếp với công đân, tổ chức, cá nhân” - ĐB Nguyễn Tấn Tuân nêu.
Cùng nhấn mạnh đến yếu tố cán bộ trong quá trình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị cương quyết chống bệnh “ăn xổi, ở thì”, dẫu còn một ngày làm công chức phải tận tụy với công việc. ĐB này đề nghị Quốc hội “năm 2016 ban hành Luật Công vụ xác định rõ các chức danh, vị trí việc làm để chống, loại bỏ cán bộ ăn bám, như vậy mới tinh giản biên chế. Phải bằng cơ chế giải pháp, buộc phải tinh giản biên chế không chỉ tinh giản bộ máy nhà nước mà còn các tổ chức công quyền khác. Giảm thiểu các chức danh, kể cả các ban chỉ đạo, tránh thu chỗ này, lại phình chỗ khác”.
Đưa công nghệ đến với nông nghiệp
Đây tiếp tục là kiến nghị của nhiều ĐBQH như một giải pháp “vàng” cho việc thực hiện chính sách “tam nông” vì hiện có gần 70% dân số sống ở nông thôn và làm nông nghiệp nhưng câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn dai dẳng khiến đời sống của người nông dân ít được cải thiện một cách thực chất.
Theo ĐBQH, Nhà nước có giải pháp mạnh hơn để kiểm soát chất lượng vật tư thiết yếu cho nông nghiệp, có cơ chế cung ứng nguồn vốn để doanh nghiệp chủ động tạm trữ sản phẩm có chất lượng cao, giúp người nông dân không lo bị “ép giá” mỗi khi đến vụ thu hoạch…
Cùng mối lo cho đời sống người nông dân, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, để khắc phục những tồn tại trong vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ để đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp. Tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ mới ở mức 30% cho GDP của ngành nông nghiệp là “còn thấp so với các nước trên thế giới (trung bình là 80%)” khiến sản phẩm nông nghiệp chưa có tính cạnh tranh, hạn chế giá trị.
Theo ĐBQH, giải pháp nên được nghiên cứu, triển khai là mỗi tỉnh cần có vùng chuyên canh sản xuất công nghệ cao, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghiệp được hưởng tối đa các ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư nghiên cứu và phát triển. “Nhà nước cần có chính sách đặc biệt về vật chất và tinh thần để người nghiên cứu chuyển giao công nghệ hưởng lợi thông qua các nghiên cứu của mình; tập trung cao độ nghiên cứu các sản phẩm lợi thế của Việt Nam” – ĐB Trần Văn Minh đưa ra ý kiến.