Trưng bày giới thiệu những thành tựu của chính các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua, đặc biệt chú trọng giới thiệu những kết quả khảo cổ học đã đạt được bởi sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam trên lĩnh vực khảo cổ. Thông qua các hiện vật trưng bày giới thiệu những giá trị về lịch sử văn hoá của các nền văn hoá cổ ở Việt Nam. Đồng thời góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Lá vàng hình voi |
Hơn 300 báu vật từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII) được trưng bày thành 3 phần chính: “Báu vật khảo cổ thời Tiền sử”; “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”.
“Báu vật khảo cổ học thời Tiền sử” tập trung giới thiệu những hiện vật điển hình của một số di tích khảo cổ học Tiền sử tiêu biểu thuộc các loại hình như: Công cụ lao động, đồ trang sức bằng đá, đồ gốm… được tìm thấy tại các di chỉ thuộc nhiều vùng khác nhau ở Việt Nam.
Linga vàng |
“Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí” trưng bày các hiện vật tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam.
“Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử” gồm 4 nội dung trưng bày: Báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên; Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn; Văn hóa Óc Eo- Phù Nam; Báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Trước đó, trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã tổ chức thành công tại Đức (từ 2016 - 2/2018), thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Đức, giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam thông qua các tài liệu, hiện vật, phát hiện qua các đợt nghiên cứu và khai quật khảo cổ học, trong đó có những đóng góp và kết quả hợp tác của các nhà khảo cổ học Việt Nam và Đức.
Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2018 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).