Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng bu đen những đống xương như núi chất dọc đường đi, nước thải đen ngòm với đủ thứ xú uế nổi lềnh bềnh… từ các lò mổ trâu, bò tự phát khiến cuộc sống của người dân khu 15, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ như đang bị “bức tử”.
Con mương ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ các lò mổ xả |
Sống chung với ô nhiễm
Có mặt tại khu 15, xã Hoàng Xá theo đơn thư bạn đọc phản ánh, chúng tôi không khỏi rùng mình khi bị tra tấn bởi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ những đống xương trâu, bò la liệt chất cao như núi ở ven đường đang phân hủy, ruồi nhặng bu đen. Đi vào trong, tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn, nước thải dập dềnh với những mảng đen kịt, hôi thối, lưu cữu chủ yếu là tiết, phân gia súc từ các lò mổ xả ra. Trên các con đường trong khu, chất thải của trâu, bò rơi vãi khắp nơi.
Mỗi ngày các lò mổ ở Hoàng Xá mổ hàng chục con trâu, bò. Do phần lớn là lò mổ thủ công, không có hệ thống xử lý nước thải nên chất thải được xả thẳng ra cống rãnh... Nơi nhốt trâu, bò, nơi mổ, nơi sơ chế của các lò mổ đều tập trung ở khu vực sân nhà, các bộ phận của gia súc khi mổ xong vứt bừa bãi, nhiều khi thịt, mỡ dính lẫn đầy phân tro chất thành đống.
Một hộ dân nhà gần điểm giết mổ cho biết: “Các điểm giết mổ này đã hoạt động từ lâu, những ngày cao điểm giết mổ hàng chục con gia súc, thường rất mất vệ sinh; nội tạng, nước thải được xả thẳng ra cống mà không qua xử lý. Ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ngày mưa chất bẩn tràn hết cả ra đường xóm, những người dân quanh xóm luôn phải sống trong cảnh “sống dở chết dở”.
Theo quan sát, tại khu vực lò mổ gia súc nước thải được xả trực tiếp không qua xử lý ra con mương sát cạnh cánh đồng đen ngòm, biến con mương bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối.
“Hàng ngày các cơ sở giết mổ trâu, bò thải phân, tiết cộng với xương động vật bừa bãi khắp nơi. Không có điểm tập kết chất thải, nhiều hộ còn vứt xương khắp bờ ruộng, không những thế do nước thải của các lò mổ nên những hộ dân có ruộng ở khu vực lò mổ không dám canh tác, đành bỏ hoang” - anh Trần Văn Bình bức xúc.
Nghiêm trọng hơn, sau khi giết mổ, xương trâu, bò tiêu thụ không hết đã được đóng bao, đem ngâm ở mương, ao khiến nguồn nước sinh hoạt của khu dân cư bị ô nhiễm nặng. Ông Lê Xuân Quý - Trưởng khu 15 - cho biết: “Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng, Nước lọc qua 2, 3 lần mà vẫn có mùi tanh, có những trường hợp điển hình như nhà bà Tạ, giếng nước giờ đây đã không sử dụng được do ở gần các hố ngâm xương, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã, nhưng không hiểu vì sao mà cho đến nay tình trạng này vẫn không được giải quyết?”.
Sẽ đình chỉ hoạt động nếu còn ô nhiễm?
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, ông Đào Công Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá - cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 7 cơ sở giết mổ, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do các lò mổ gây nên là có thật. Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu các lò mổ phải chấm dứt tình trạng trên đồng thời phải khắc phục tất cả các phần gây ô nhiễm.
Chúng tôi đã thành lập tổ môi trường, yêu cầu các lò mổ cần phải đảm bảo môi trường, nếu cơ sở nào còn gây ô nhiễm sẽ đình chỉ hoạt động. Thời gian tới, xã đang có hướng dành một khu đất để thành lập một khu giết mổ tập trung nhằm cải thiện vấn đề môi trường, đảm bảo cho cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân”.
Thực trạng trên vốn tồn tại đã lâu, các cấp chính quyền địa phương đều đã biết. Mặc dù đã đưa ra được một số giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các lò giết mổ trâu bò, song không biết những giải pháp ấy đạt hiệu quả như thế nào khi mà tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn tiếp tục diễn ra. Các điểm giết, mổ trái phép vẫn hoạt động hết công suất, các chất thải vẫn vô tư xả ra môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân.
Trong khi chờ một giải pháp lâu dài, thiết nghĩ chính quyền xã Hoàng Xá cần vào cuộc và mạnh tay hơn nữa để tình trạng gây ô nhiễm trên của các điểm giết mổ trâu bò tự phát không còn là một “hiểm họa” đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của những người dân Khu 15.
Trung Thứ