Bãi triều bị phân lô, chia thửa
Đón phóng viên vào một ngày đầu tháng 4 tại Mũi Ngọc, H một ngư dân nghề lưới ven bờ đưa tôi xuôi bến về phía đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Con thuyền lưới xuôi dòng về cuối đảo hướng xã Vĩnh Trung. 9 giờ sáng, nước triều đang xuống mạnh, lộ ra nhiều cồn bãi mà khi nước lên các bãi đều bị ngập sâu hai đến ba mét nước. H cho tôi biết khu vực này trước đây đều là những vùng khai thác tự nhiên của ngư dân trên đảo, các xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Vạn Ninh.... Tuy nhiên, hiện tại các bãi này đã được cắm cọc, chia ô, quây lưới nuôi ngao trắng, ngao hoa. Những hàng cọc tre, cọc phi lao quây ô, chia thửa, như "ma trận" hiện lên trước mắt.
Những hàng cọc tre, cọc gỗ cắm xuống bãi triều, quây lưới, chia ô, chia thửa như "ma trận". Ảnh: Quang Hà |
Đảo Vĩnh Thực có diện tích tự nhiên khoảng hơn 5.000 héc-ta. Địa giới hành chính bao gồm hai xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung, thuộc thành phố Móng Cái. Xét về điều kiện tự nhiên để nuôi trồng thuỷ sản các bãi triều tại xã Vĩnh Trung có điều kiện thuận lợi hơn vì không nằm trong luồng hàng hải, ngoài ra các bãi triều nằm gần cửa sông Hà Cối, lượng phù sa, độ phẳng của các bãi triều rất thích hợp để nuôi các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ như; ngao trắng, ngao hoa, ngao hai cùi, hàu..
M, một ngư dân xã Vĩnh Thực, bạn của H đi cùng đón tôi bức xúc: "Trước đây toàn bộ các bãi triều khi nước lên cao các ngư dân tự do thả lưới bắt ghẹ bắt cá, nước rút thì đào con ngao, sái sùng, giun biển... Nhưng giờ đây, những ngư dân như chúng tôi chỉ được đánh bắt ở những lạch nước sâu, những vùng bãi không có cọc cắm hoặc di chuyển ra xa hơn. Đã có nhiều "va chạm" giữa chúng tôi và những ông chủ bãi ở khu vực đảo".
Chiếc thuyền câu đưa tôi đầu đến cuối đảo xã Vĩnh Trung. Từ Vụng Dầm, Cống Cách, Bãi Tùng, Bãi Đai (thôn 3 - khu vực giáp ranh với các xã Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến), đến khu vực Núi Lẻ, Núi Am (thôn 2), bãi Cái (thôn 3), Núi Lở, Núi Mõm Kìm, Thỏ…, cảnh tượng hiện lên thật "tức mắt". Hàng trăm héc-ta bãi đã bị đổ cát, cắm cọc tre, cọc gỗ phân chia thành từng khu vực để nuôi các loại nhuyễn thể như ngao, hàu. Lồng nhựa, phao xốp chất đống trên bờ phục vụ cho những vụ nuôi, xuống giống sắp tới.
Các lồng nuôi được chia ô như những ruộng mạ, rộng thẳng cánh cò bay. Video: Quang Hà |
"Trước những năm 2015, các bãi triều ở đây đều trắng băng anh ạ, chỉ có một vài hộ dân làm lưới đăng, nuôi ngao trắng, ngao hai cùi quy mô nhỏ. Tuy nhiên, sau khi một vài hộ nuôi ngao hai cùi cho hiệu quả kinh tế, các hộ hộ dân tại địa phương và một số người nơi khác đã đổ xô ra bãi triều cắm cọc, lấn chiếm làm nơi nuôi trồng thủy sản. Đến khoảng năm 2020 trở về đây thì tất cả bãi triều trên xã Vĩnh Trung bị quây kín. Những người làm nghề đánh bắt ven bờ hay khai thác tự nhiên trên các bãi triều như chúng em không đi làm thuê cho các chủ bãi triều thì cũng nhọc nhằn con đường mưu sinh với nghề", M than thở với phóng viên.
Tâm sự với phóng viên, cả M và H cho biết, nhiều hộ dân trên đảo có cuộc sống gắn liền với biển có nhu cầu được thuê bãi triều, mặt nước để khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển sinh kế. Tuy nhiên, hiện tại các vùng mặt nước và bãi triều tại hai xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung chưa được quy hoạch cụ thể, việc xin thuê bãi triều, mặt nước phải chờ xã và thành phố có cơ chế chính sách cụ thể.
Bát nháo tình trạng lấn chiếm bãi triều
Để tìm hiểu sâu hơn tình trạng lấn chiếm bãi triều và nuôi trồng thuỷ sản trái phép, tôi và một đồng nghiệp vào vai những người có nhu cầu thuê bãi triều để nuôi ngao hoa (loại ngao hiện giá trị kinh tế cao, khoảng 250.000-270.000/kg, được thương lái thu mua xuất đi thị trường nước ngoài). Chúng tôi liên lạc với một chủ bãi tên H, người xã Quảng Minh, huyện Hải Hà.
Người "ông chủ" H thuê đang cắm cọc quây bãi. Ảnh: Quang Hà |
Đón tôi ra khu vực Thỏ, xã Vĩnh Trung, H giới thiệu mình có cả trăm héc-ta bãi triều được đánh dấu quây mốc từ trước năm 2018. H cùng với T và B (dân xã Vĩnh Trung) cắm mốc, chiếm nơi này. Ngoài một số diện tích cắm cọc quây lưới làm đăng để đánh bắt các loại hải sản, phần còn lại được H quây lưới lồng nuôi ngao hoa, ngao hai cùi và cho các hộ dân có nhu cầu thuê bãi để nuôi với giá 20 triệu đồng/héc-ta mặt nước. H cung cấp đủ dịch vụ chuẩn bị bãi, quây lưới lồng nuôi, chăm sóc, trông coi. Tất cả các chi phí đều tiền mặt và không có bất cứ loại chứng từ hay hoá đơn gì, hợp đồng với nhau chỉ là "hợp đồng mồm". Khu vực Thỏ, ngoài H ra còn một chủ bãi tên C cũng có vài chục héc-ta và đã cho thuê khoanh nuôi hết.
Để tôi tin tưởng hơn, H dẫn tôi ra những lồng lưới H đang nuôi ngao hoa và những lồng H đang cho nhiều hộ dân thuê nuôi. Trước mắt tôi nhiều lồng nuôi ngao hoa đã được thả giống như những ruộng mạ đều tăm tắp, rộng "thẳng cánh cò bay". H đưa tôi xuống từng ô lồng đã được thả giống, có ô đã được thả hơn 6 tháng chuẩn bị được thu hoạch, có ô vừa mới thả trước Tết.
Vừa lội nước, H vừa hạch toán: "Mỗi ô lưới nuôi có diện tích tầm 5.000-5.500 m2. Chi phí thuê bãi 10 triệu đồng/ ô nuôi, chi phí lưới, cọc, công thuê dựng tầm 50 triệu đồng. Giống ngao hoa có hai loại cấp 1 và cấp 2. Giá giống cấp 1 khoảng 80-90 triệu đồng/100 vạn. Giá giống cấp 2 khoảng 160-170 triệu đồng/ 100 vạn. Mọi người thường hay thả giống cấp 2, tuy đắt nhưng an toàn hơn. Với giống cấp 1 phải ươm trong lồng cát 1 đến 2 tháng, mất công, mất thêm chi phí. Con giống sau khi thả khoảng 7-8 tháng sẽ được thu, kích cỡ 80-85 con/1kg là đạt, trừ hao hụt 20% con giống chết có thể thu về hơn chục tấn ngao thương phẩm. Tổng chi phí đầu tư một lồng nuôi cả con giống, lưới, cọc, đánh thuốc chuẩn bị bãi, trông coi... khoảng 320 triệu đồng. Nếu thu 10 tấn ngao thương phẩm giá 250.000/kg thì hiệu suất lãi đã là hơn 2 tỷ đồng trong một ô lồng nuôi. Nếu nuôi nhiều hơn chi phí sẽ giảm đi".
"Ông chủ" H đang kiểm tra ngao hoa nuôi trong lồng. Ảnh: Quang Hà |
Theo H đi trên bãi triều, tôi vừa lắng nghe H vừa hỏi thêm về kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc, vừa thầm nghĩ, với lãi suất "siêu khủng" như H nói, không lạ khi nhiều hộ dân đổ xô ra bãi nuôi ngao hoa; khi bãi triều bị cưỡng chiếm, phân lô, chia thửa để nuôi trồng trái phép. Tôi hỏi H, nuôi trồng trái phép như vậy nếu chính quyền thu giữ, phá lồng thì sao?. H trấn an, không phải lo, H cắm bãi ở đây như khai hoang, lập ấp, và cũng phải có "quan hệ". Chính quyền chỉ phá những lưới đăng, cọc cắm cao, còn những ô lồng nuôi ngập trong nước thì không sao. H cho biết thêm, mình cho thuê mặt nước vì không có nhiều vốn để nuôi và "bãi rộng quá làm không xuể".
Sau khi đã bì bõm cả buổi sáng cùng H, tôi được H mời ở lại nhậu cùng "anh em" đang nuôi ngao hoa tại Thỏ. Tôi tìm kế rút lui không quên hẹn H ngày quay trở lại.
Khó khăn trong xử lý
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong thời gian năm 2015-2017, trên địa bàn xã Vĩnh Trung có 40-50 hộ lấn chiếm bãi triều làm các khu nuôi nghêu, ngao, hàu, hà trái phép. Sau nhiều lần xã ra quân xử lý, đến tháng 7/2018 trên địa bàn xã còn 43 hộ dân lấn chiếm bãi triều để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, số hộ chiếm bãi triều đã tăng lên tới 71 hộ, diện tích lấn chiếm trái phép khoảng 105ha. Trên thực tế, số hộ lấn chiếm bãi tăng, quá trình chuẩn bị thả giống nghêu, ngao, hàu, hà... có nguy cơ gây ô nhiễm khu vực bãi nuôi.
Ngày 4/6/2018, UBND TP Móng Cái đã ra văn bản số 1385 về việc quản lý diện tích đất mặt nước tại Bãi Tùng: Không đồng ý với việc cho các hộ dân thuê đất, mặt nước để nuôi nhuyễn thể tại khu vực này và giao cho xã Vĩnh Trung, các phòng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác thủy sản hủy diệt và các tài nguyên khoáng sản khác (nếu có) tại khu vực Bãi Tùng (xã Vĩnh Trung).
Ngày 16/6/2018, UBND TP Móng Cái đã có buổi làm việc với xã Vĩnh Trung và các ngành chức năng kiểm tra công tác quản lý nuôi trồng thủy sản tại xã. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố khẳng định: việc người dân tự lấn chiếm bãi triều ven biển để nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và có nguy cơ lan rộng. 100% các hộ nuôi đều tự phát, không được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thuê mặt nước và cấp phép nuôi trồng thủy sản. Do đó dễ xảy ra xung đột giữa những người nuôi và người khai thác tự nhiên, là nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn xã.
TP Móng Cái đã phê bình Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung trong công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản, để xảy ra tình trạng tự ý lấn chiếm bãi triều với diện tích lớn, không kịp thời xử lý, ngăn chặn; yêu cầu xã Vĩnh Trung thông báo tới các hộ nuôi giữ nguyên hiện trạng, không phát triển thêm, triển khai cho 100% hộ nuôi ký cam kết giữ nguyên hiện trạng đến hết năm 2018, sau đó tự tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu cho đất rừng phòng hộ, luồng lạch giao thông đường thủy.
Để làm rõ tình trạng lấn chiếm bãi triều và nuôi trồng trái phép trên địa bàn xã Vĩnh Trung, phóng viên đã liên hệ với ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái. Ông Tuấn cho biết: "Toàn bộ các hộ nuôi trồng trên khu vực Thỏ xã Vĩnh Trung là trái phép. UBND thành phố đã lập đoàn kiểm tra liên ngành và đang xử lý các vi phạm trong nuôi trồng, khai thác tài nguyên tại vùng biển ven bờ thuộc phạm vi quản lý của thành phố."
Trước đó, ngày 5/3/2024, Ban thực hiện cưỡng chế TP Móng Cái tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 15 trường hợp nuôi trồng thủy sản không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định trên khu vực biển Cống Cách, xã Vĩnh Trung, TP Móng Cái.
Ngày 18/3/2024, UBND Thành phố Móng Cái có văn bản số 744/UBND-KT về việc rà soát, báo cáo thực trạng nuôi trồng thuỷ sản trên biển và chấp hành các chỉ đạo liên quan đến nuôi biển trên địa bàn thành phố. Trong văn bản nêu rõ, các địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm bãi triều nuôi thuỷ sản trái phép trên địa bàn quản lý. Giao cho phòng Kinh tế thành phố đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, tham mưu cho UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh phê duyệt Đề Án Nuôi Biển tại các địa phương trong tỉnh.