Ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng động vật hoang dã ở Việt Nam: Pháp luật và ý thức cần song hành

Các hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, tàng trữ và buôn bán trái phép cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của gấu đều là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, tàng trữ và buôn bán trái phép cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của gấu đều là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm đánh giá và xác định những vấn đề cấp bách cần được ưu tiên để xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, góp phần bảo vệ các quần thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và từng bước xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu, đầu tháng 11/2024, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt tài liệu thường niên “Những hành động cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng năm 2024”.

Hành trình 20 năm vì tự do cho loài gấu ở Việt Nam sắp cán đích

Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam và đóng cửa toàn bộ các trại gấu tư nhân ở Thủ đô Hà Nội là một trong 12 vấn đề trọng tâm của năm 2024 được ENV nêu. Điều đáng nói là đây là tài liệu thường niên, được phát triển từ năm 2016 và vấn đề liên quan đến tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam đã được đề cập đến hàng năm.

Tại sự kiện “Chấm dứt nuôi nhốt gấu tại Việt Nam - Hành trình sắp cán đích” do ENV tổ chức ngày 22/10/2024 vừa qua, nhìn lại hành trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật ở góc độ pháp lý có thể thấy, từ năm 2005, sau khi phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật trên cả nước, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) thực hiện một chiến dịch nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng này. Ngay từ bước khởi đầu, năm 2005, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 02/2005/QĐ-BNN về quản lý gấu nuôi nhốt. Theo đó, tất cả các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để nhận dạng và quản lý. Các cá thể gấu không có đăng ký, gắn chíp sẽ bị tịch thu. Hoạt động đăng ký quản lý và gắn chíp gấu đã được hoàn thành vào năm 2006.

Sau gần 20 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 95% từ khoảng 4.000 cá thể năm 2005 còn 192 cá thể tại 60 trại gấu tính đến hết tháng 8/2024. Hiện có 46/63 tỉnh, thành không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.

Bà Bùi Thị Hà trao tặng kỉ niệm chương cho các cán bộ kiểm lâm đã có nhiều thành tích đóng góp trong hành trình loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam.

Bà Bùi Thị Hà trao tặng kỉ niệm chương cho các cán bộ kiểm lâm đã có nhiều thành tích đóng góp trong hành trình loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam.

Chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật còn có sự tham gia của ENV, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Tổ chức Four Paws và Free The Bears. Các tổ chức này đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ. “Đăng ký và gắn chíp cho các cá thể gấu là một trong những bước quan trọng đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. Dù đây là một hành trình rất dài và gian nan, nhưng cũng tương tự như nhiều đơn vị, cá nhân khác, chúng tôi rất tự hào vì hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ sớm bị xóa bỏ hoàn toàn tại Việt Nam”, bà Maya Pastakia - Quản lý chiến dịch của tổ chức WAP cho biết.

Trong hành trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật ở Việt Nam, Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trên cả nước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ dần hoạt động nuôi gấu lấy mật thông qua các hoạt động đăng ký, gắn chíp, thường xuyên theo dõi số gấu bị nuôi nhốt cũng như bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ gấu. “Chúng tôi trân trọng sự quan tâm và cam kết của Bộ NN&PTNT, các ban, ngành cũng như quyết tâm cao của các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là ở địa phương. Chúng ta sẽ không có mặt ở đây ngày hôm nay nếu như không có những nỗ lực bền bỉ của tất cả các cơ quan, đơn vị trong suốt 19 năm qua”, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV nhấn mạnh.

Có một số ví dụ điển hình như những nỗ lực bền bỉ của cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao gấu, đưa tỉnh này trở thành một trong những tỉnh, thành đầu tiên không còn tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật. Bên cạnh đó, với quyết tâm cao độ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã rất xuất sắc vận động chủ nuôi chuyển giao thành công 94 cá thể gấu từ các trại gấu đến trung tâm cứu hộ.

Điều đáng buồn là hiện nay, Hà Nội vẫn là địa phương có số lượng gấu bị nuôi nhốt nhiều nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu bị nuôi nhốt hiện nay tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 8/2024, vẫn còn 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trong 16 cơ sở tư nhân tại Hà Nội với 94,7% số gấu tập trung ở huyện Phúc Thọ.

Cũng theo bà Hà, các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại Hà Nội có thể triển khai một số hoạt động để mang lại hiệu quả tích cực hơn như: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt gấu, kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp nuôi nhốt, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và các sản phẩm, bộ phận từ gấu; nỗ lực khuyến khích các chủ gấu còn lại tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không cần “bồi thường”; kịp thời xử lý những hoạt động quảng cáo, buôn bán trái phép gấu, mật gấu và sản phẩm, bộ phận khác từ gấu đang phát triển mạnh mẽ trên internet, đặc biệt là thông qua các mạng xã hội như Facebook.

“Thời gian gần đây, ENV đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực tại Hà Nội trong công tác giám sát, thực thi pháp luật cũng như tuyên truyền, khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao gấu. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần tiến hành những biện pháp quyết liệt hơn để thực sự chấm dứt được tình trạng nuôi gấu lấy mật trên địa bàn Thủ đô. Biết rằng, công tác thuyết phục chủ nuôi chuyển giao gấu tuy rất khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi tin rằng tất cả các tỉnh, thành đều có thể thành công. Để đẩy nhanh việc chấm dứt triệt để tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật gấu tàn nhẫn và bất hợp pháp, 17 tỉnh, thành còn có gấu bị nuôi nhốt cần nhanh chóng có giải pháp chuyển giao toàn bộ 192 cá thể gấu còn lại đến các trung tâm cứu hộ, bảo tồn phù hợp”, bà Hà kêu gọi.

Cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng

Việc buôn bán trái phép các loài ngoại lai là mối đe dọa tiềm ẩn với đa dạng sinh học và sức khỏe con người. (Ảnh trong bài: ENV)

Việc buôn bán trái phép các loài ngoại lai là mối đe dọa tiềm ẩn với đa dạng sinh học và sức khỏe con người. (Ảnh trong bài: ENV)

Đầu tháng 11/12024, ENV đã ra mắt tài liệu “Những hành động cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng năm 2024” xác định 12 vấn đề trọng tâm cần tập trung xử lý, trong đó có rất nhiều vấn đề dù đã liên tục được đề cập nhiều năm trong các tài liệu thường niên nhưng vẫn rất “nóng hổi” như: xóa bỏ các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia quy mô lớn và nghiêm trị những đối tượng cầm đầu; ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép nuôi thương mại tại Việt Nam để giải quyết tình trạng nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp; tăng cường đấu tranh với vi phạm về ĐVHD trên Internet; chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam và đóng cửa toàn bộ các trại gấu tư nhân ở Thủ đô Hà Nội; ngăn chặn sự du nhập và phát triển của các sinh vật cảnh ngoại lai…

“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta đang phải đối diện với không ít những khó khăn trong nỗ lực ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD tại Việt Nam và trên thế giới. Tất cả các hành động được liệt kê trong tài liệu đều mang tính khẩn cấp và đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng để có thể giải quyết triệt để. ENV đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung điều tra, bắt giữ và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD lớn cũng như việc ban hành một danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ ĐVHD và làm chậm lại quá trình suy giảm sự đa dạng sinh học tại Việt Nam”, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ.

Theo ENV, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực và bước tiến đáng kể của Việt Nam trong công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm về ĐVHD cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ ĐVHD, thì vẫn còn nhiều thách thức lớn vẫn còn tồn tại như việc xóa bỏ triệt để các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia và trừng trị những đối tượng cầm đầu.

Theo Cơ sở dữ liệu của ENV ghi nhận từ năm 2017 đến nay, mới chỉ có 5 trên tổng số khoảng 20 đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia có quy mô lớn bị bắt giữ và xử lý. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung ương và địa phương cần tập trung nhiều nguồn lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và sử dụng các phương pháp, cách thức phù hợp để điều tra, xử lý các vụ việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD lớn, đặc biệt tại khu vực cảng cũng như phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng cầm đầu để triệt phá hoàn toàn những đường dây buôn bán ĐVHD lớn đang làm giàu bất chính từ đa dạng sinh học nước nhà. Bên cạnh đó, việc tiếp tục đề xuất ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép nuôi thương mại tại Việt Nam như một giải pháp cấp thiết trước mắt để giải quyết tình trạng nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp.

Một vấn đề nhức nhối khác cũng được đề xuất là việc ngăn chặn sự du nhập và phát triển của các sinh vật cảnh ngoại lai. Chỉ riêng năm 2023, đã ghi nhận hơn 316 vụ vi phạm với khoảng 19.320 cá thể ĐVHD ngoại lai bị buôn bán hoặc nuôi nhốt. Việc buôn bán trái phép các loài ngoại lai là mối đe dọa tiềm ẩn với đa dạng sinh học và sức khỏe con người nên đòi hỏi cơ quan chức năng cần ưu tiên quan tâm xử lý…

Trong bối cảnh nhiều loài ĐVHD đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, Hội nghị Thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) vừa được tổ chức vào cuối tháng 10 năm nay tiếp tục hướng đến mục tiêu giải quyết sự suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học toàn cầu. Việt Nam là một thành viên tham gia công ước về đa dạng sinh học từ năm 1994 và đã luôn thể hiện trách nhiệm đối với quốc tế trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Minh chứng là Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2022 - được coi như một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để thực hiện các mục tiêu bảo tồn loài. Tại Hội nghị, phái đoàn Việt Nam đã tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như các nguy cơ từ loài ngoại lai xâm hại và nhiều vấn đề nhức nhối khác.

Đọc thêm

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển

Không khí lạnh tăng cường yếu, gây gió mạnh trên các vùng biển
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, đêm 18 và ngày 19/12, không khí lạnh tiếp tục tăng cường yếu xuống phía Nam, gây gió mạnh trên các vùng biển. Trên đất liền, khu vực miền Bắc duy trì hình thái thời tiết đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù nhẹ, ngày nắng.

Công an khuyến cáo biện pháp phòng cháy, nổ khi thắp hương tại nhà

Lực lượng PCCC nhắc nhở và hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng.
(PLVN) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy mà nguyên nhân là do chập điện bóng đèn trên bàn thờ hoặc do khi thắp hương thờ cúng. Do đó,  Công an thành phố khuyến cáo một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi thắp hương thờ cúng tại gia đình.

Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…