Nơi “đáng sống” hay “đáng sợ”?
Khoảng 2 tháng trở lại đây xuất hiện 200 cột sắt có kích thước bằng nhau được trồng dọc theo vỉa hè phố Đình Thôn. Các cột sắt đều sơn màu đỏ, trên đỉnh có 2 nhánh để treo cờ và đèn lồng, có gờ để gắn biển hiệu, biển quảng cáo của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến phố. Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 Nguyễn Sỹ Thắng cho biết, việc này là để thực hiện Đề án thí điểm tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2030 của phường. Đề án này có 3 giai đoạn.
Hiện UBND phường Mỹ Đình 1 đã triển khai giai đoạn 1 là cắm cột và đồng bộ hóa biển hiệu. Toàn bộ biển hiệu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến phố này được lắp đặt theo đúng quy định với chiều cao của bảng biển là 1,2 mét; nội dung của biển theo mục đích kinh doanh của các hộ, không quy định về màu sắc. 100% từ nguồn xã hội hóa, người dân tự lựa chọn chất liệu, hình thức, tự chi trả kinh phí.
Chính quyền sở tại thì hi vọng Đề án sẽ góp phần xây dựng phường Mỹ Đình 1 thành một nơi “đáng sống”, nhưng với người dân chỉ thấy tuyến phố đó “đáng chê”, “đáng sợ” vì tuyến phố nhà ở đây được xây sát tới mép đường, chỗ nào có vỉa hè thì rất hẹp còn bị “bức tử”, “án binh” của 200 cột sắt. Trên nhiều đoạn phố, biển hiệu không thẳng hàng mà thò ra thụt vào.
Người dân cho biết chính quyền phường chỉ dựng các dãy cột rồi cho các hộ dân tự gắn biển hiệu (miễn là đảm bảo kích cỡ, chiều cao của biển). Nhiều cửa hàng dù đã có biển hiệu “kiểu mẫu” vẫn tùy hứng treo thêm vài biển hiệu ngang dọc, ngổn ngang. Lại có cửa hàng chẳng buồn treo biển hiệu trên các cột sắt này khiến cột sắt đứng… chơ vơ như vót chông chĩa lên trời.
Ngay sau khi hệ thống cột sắt được hoàn thiện, một số hộ kinh doanh đã nhanh chóng lắp mái, xây vách đua ra sát vị trí cột. Họ thản nhiên lấn chiếm vỉa hè, nghiễm nhiên coi cột sắt này như cột nhà của mình. Ở nhiều vị trí, khoảng cách từ mặt tiền cửa hàng đến cột sắt phía trước lên đến gần 2 mét.
Lại có nơi cột sắt được dựng một cách rất vô duyên. Ví dụ như ở bức tường của chùa Đình Thôn dựng hai cột sắt “chềnh ềnh” ở đó, mà chẳng thấy biển hiệu nào treo. Lại có cột sắt không dựng ở hai mép tường nhà mà dựng ở giữa cửa. Cửa hàng có một cột sắt chẳng biết treo biển vào đâu đành bắt vít vào một cột, đầu kia bắt vít vào thanh sắt tự chế.
Vỉa hè bị 200 cột sắt “phong tỏa” và người dân chiếm dụng vỉa hè để bày hàng quán khiến trẻ nhỏ và người dân phải đi xuống lòng đường. |
Trước 200 cột sắt “án binh”, không ít người cười nhạo: “Ý tưởng này hay đấy, nhưng tôi nghĩ ông nào vẽ ra cái này cần tăng thêm lượng cột dày hơn. Mục đích là giúp bảo vệ vỉa hè lâu hỏng khi người đi bộ lẫn xe máy không có cơ hội phi lên. Làm vậy vài chục năm vỉa hè cũng không thể hỏng được”. Lại có người hài hước khi mường tượng những tờ rơi, áp phích sẽ “đổ bộ” dán đầy trên các cột để... “phát huy tính lợi ích của cột” trong hoạt động quảng cáo.
Nỗi lo bị cột đè người!
Vì vỉa hè rất hẹp, người dân lấn chiếm vỉa hè bày bán các mặt hàng, xe máy dựng ngổn ngang, lại thêm 200 cột sắt treo biển hiệu “chềnh ềnh” tại đó khiến người dân phải đi bộ dưới lòng đường cùng với các phương tiện giao thông gây cảnh lộn xộn, nhếch nhác, ùn ứ, bức bối, mất an toàn giao thông.
Tận mắt ngắm nơi “đáng sống”, nhiều chuyên gia kiến trúc, mỹ thuật lắc đầu ngao ngán. Nhiều tuyến đường, phố đang muốn đường thông, hè thoáng, nhưng ở đây lại có “sáng kiến” ngược đời. Không hiểu tại sao chính quyền địa phương lại không tham khảo, ý kiến các kiến trúc sư (KTS), nhà mỹ thuật trước khi làm?
Trước đây với tuyến phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn, KTS Ngô Doãn Đức - Hội KTS Việt Nam đã từng cảnh báo: “Cùng kích cỡ, màu sắc, độ cao, cùng phía... thì ôi thôi, quả là nhân bản vô tính rồi. Đường đã chật thì nên ít quảng cáo, biểu ngữ thôi”. Và sau hai năm, Đình Thôn lại đi theo “vết xe đổ” ấy, thậm chí còn thảm họa hơn!
“Tuyến phố đáng sống” phải là tuyến phố có đường thông, hè thoáng, sạch đẹp, an ninh trật tự, không mái tôn, mái vẩy, không lấn chiếm, chứ đâu phải 200 cột treo biển quảng cáo kia! Ngoài mất cảnh quan, mỹ thuật, nhiều người dân sợ hãi khi đi qua tuyến phố này. Biển hiệu được người dân tự bắt vít hoặc hàn vào cột sắt.
Ai dám chắc, 200 cột sắt gắn biển quảng cáo ấy không thể đổ xuống đầu người dân ở đó, người qua đường hoặc đổ vào nhà dân nhất là khi trời giông bão? “Mỗi lần đưa con đi học qua tuyến phố hơn 1km này, tôi rất sợ nhỡ chẳng may cột, biển quảng cáo đổ vào người. Đó là chưa kể tới, người dân và trẻ nhỏ vì tránh cột nên đi bộ xuống lòng đường khiến tôi cứ phải tránh” - chị Đỗ Hoa (35 tuổi) bức xúc.
Theo lãnh đạo phường thì đây mới là công trình thí điểm, hoàn toàn có thể chỉnh sửa nếu thấy không hợp lý. Câu hỏi đặt ra, trong thời gian thí điểm, nếu xảy ra cột đổ gây thương vong, hay người dân phải đi bộ dưới đường vì vỉa hè bị các cột sắt án ngữ, người bán hàng chiếm dụng mà bị tai nạn giao thông thì ai là người chịu trách nhiệm? Đó là chưa kể đến sự lãng phí lớn nếu như hàng cột này bị “thất sủng” trong tương lai.