Diễn biến phức tạp
Khách quan nhìn nhận, thực trạng sử dụng “hàng nóng” để gây án của tội phạm không phải bây giờ mới được đề cập. Trong quá khứ, không ít các vụ án mạng liên quan đã diễn ra và tại một số địa phương tình trạng sử dụng loại vũ khí nóng để gây án diễn ra khá phổ biến.
Còn nhớ, ngày 23-8-2008, Công an TP Hạ Long đã đột kích bất ngờ ngôi nhà cho thuê của gia đình ông Đường Xuân Sỹ, ở khu 5 phường Hà Khánh, bắt giữ tại chỗ 5 đối tượng và một số lượng lớn vũ khí gây án, gồm: 1 súng trường (Mỹ), 1 súng bắn tỉa có trang bị ống ngắm (Tiệp Khắc cũ) và 11 khẩu súng bắn đạn ghém cùng gần 100 viên đạn ghém; 10 dao quắm, 28 tuýp nước và 5 gậy gỗ.
Số “hàng nóng” trên nhóm côn đồ này đã sử dụng để thanh toán, tranh giành địa bàn thu mua than trái phép và giải quyết mâu thuẫn với các nhóm làm than khác.
Tuy nhiên, sự táo tợn, hoạt động có tổ chức của tội phạm khi dùng “hàng nóng” gây án gần đây đặc biệt khiến dư luận lo ngại. Minh chứng là, chiều 4/7/2016, ông Lê Đức Trí - giám đốc một công ty xây dựng - đang đến chùa Bảo Lộc 1 gần UBND phường Thanh Châu (TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) thì có hai người đàn ông đi xe máy, mặc áo che nắng, bịt kín mặt lao đến.
Bất ngờ, người ngồi sau rút một khẩu súng ngắn bắn về phía ông Trí rồi lên xe bỏ chạy. Theo thông tin trình báo từ người dân chứng kiến vụ việc, họ nghe thấy có 4 tiếng súng nổ ở khu vực trước cửa chùa Bảo Lộc 1. Khi chạy ra, họ thấy ông Trí nằm gục bên đường, trên người có ba vết thương do trúng đạn.
Sáng ngày 18/8 vừa qua, ngay tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Cường Minh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã dùng súng bắn tử vong 2 lãnh đạo tỉnh này là đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Yên Bái và đồng chí Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy.
Theo điều tra ban đầu, đối tượng Minh đã xông vào phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường và dùng súng bắn ông Cường nguy kịch. Không dừng lại, Đỗ Cường Minh tiếp tục tìm đến phòng làm việc của ông Ngô Ngọc Tuấn, rút súng bắn vào người ông Tuấn rồi tự sát.
Mới đây nhất, ngày 20/8, một nhóm thanh niên khoảng 20 người táo tợn dùng dao, kiếm và súng bắn liên tiếp vào nhà một người dân ở xã Quảng Yên (Quảng Xương, Thanh Hóa) khiến một người bị thương. Ngoài ra chúng còn đập phá 2 chiếc xe ô tô để bên hiên nhà.
Ngay sau khi việc xảy ra, Công an huyện Quảng Xương đã có mặt tại hiện trường phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình để điều tra, làm rõ sự việc. Tại hiện trường, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ nhiều mảnh đạn và các loại hung khí khác.
Từ các vụ án kể trên cho thấy, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) còn nhiều sơ hở, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm sử dụng gây án nghiêm trọng.
Côn đồ nổ súng vào nhà dân ngày 20 tháng 8 ở Thanh Hóa |
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã giảm 4,66% số vụ phạm pháp hình sự, tỉ lệ điều tra khám phá án đạt 78,47%. Đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT tính từ đầu năm 2015 đến ngày 4-1-2016, trên cả nước đã xảy ra hơn 670 vụ, bắt 944 đối tượng.
Cụ thể, trong 307 vụ sử dụng VK, VLN, CCHT trái phép, đã làm 59 người chết, 232 người bị thương, bắt 384 đối tượng; thu 86 khẩu súng các loại, 206 viên đạn, 358 kg thuốc nổ, 645m dây cháy chậm, gần 287 CCHT và vũ khí thô sơ.
Kết quả này đã phản ánh nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng, nhưng cũng phần nào cho thấy hiểm họa khó lường đối với an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng của người dân khi còn biết bao nhiêu vụ việc chưa được phanh phui.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các loại tội phạm này, nhiều ý kiến cho rằng: nhiều “lỗ hổng” trong quản lý là nguyên nhân chính khiến các hành vi phạm tội liên quan “hàng cấm” gia tăng.
Tuy nhiên, nếu đối chiếu trên hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật liên quan thì cơ quan chức năng đã ban hành một hệ thống khá đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như trình tự xử lý VK, VLN, CCHT như:
Nghị định số 26/2012/NĐ-CP, ngày 05-4-2012 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 30/2012/TT-BCA và Thông tư số 31/2012/TT-BCA, ngày 29-5-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh và Nghị định của Chính phủ trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, quy định cụ thể các trường hợp phải khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, CA hoặc chính quyền địa phương.
Chưa hết, hằng năm, cơ quan công an các cấp đều tổ chức các đợt vận động nhân dân thu gom, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Như vậy, không thể nói hệ thống quy phạm pháp luật lỏng lẻo và thiếu đầy đủ được. Thế nhưng, căn nguyên vì sao các vụ trọng án liên quan đến VK, VLN, CCHT vẫn diễn ra?
Nhiều ý kiến cho rằng, “vấn đề” nằm ở công tác tuyên truyền. hay nói cách khác, giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài là phải làm tốt công tác tuyên truyền.
Thiết nghĩ, thời gian tới các ban ngành chức năng liên quan cần xây dựng và tổ chức kế hoạch tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho các đơn vị trong và ngoài ngành công an về công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nếu làm tốt công tác này, tin chắc những vụ việc đau lòng như vừa qua có thể được ngăn chặn…
* Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1-7 năm”.
Nếu người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu là hàng giả, hàng nhái thì có thể xem xét về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Người nào tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại Điều 233 - Bộ luật Hình sự.
* Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 về vi phạm quy định quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có quy định:
Phạt tiền từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa…
Phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao…
Phạt tiền từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép; mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.