Vai trò “then chốt” của cấp ủy, chính quyền các cấp
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là 224 nghìn người. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH thì số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 đạt trên 277 ngàn người, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017; năm 2019 là gần 574 nghìn người, tăng 296.700 người (tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018), chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác phát triển người tham gia BHXH của ngành BHXH Việt Nam.
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cũng như thiên tai, lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên nhưng nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong công tác mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện với số người tham gia đạt 1,128 triệu người, đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực mà ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai thời gian qua, góp phần phát triển thêm nhiều người dân được tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước, được chăm lo cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi về già không còn khả năng lao động, từ đó góp phần củng cố ngày càng vững chắc hơn nền an sinh xã hội vững mạnh của đất nước.
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngay từ đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người.
Là một trong những địa phương đạt kết quả tốt trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, ông Phan Văn Rí - Giám đốc BHXH huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết: Trong tháng 4/2021, BHXH huyện đã phát triển mới được 819 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người đang tham gia trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm lên 3.519 người, đạt và vượt hơn 3% so với kế hoạch của cả năm 2021 về số người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Rí, một trong những cách làm đạt hiệu quả của BHXH huyện trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện/ xã, bám sát người dân để vận động, tuyên truyền, đồng thời yêu cầu đội ngũ đại lý thu quản lý và vận động người dân tham gia liên tục. Trong đó, BHXH huyện luôn hết sức chủ động, thường xuyên làm việc trực tiếp với chính quyền các xã, huy động sự tham gia của Bí thư Chi bộ từng thôn; giám sát, kiểm tra hoạt động của các đại lý một cách thường xuyên… để ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn được tiếp cận, tham gia chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước.
Từ thực tế công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của BHXH huyện U Minh cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hiệu quả công tác này.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo
Tháng 5/2021 là năm thứ hai triển khai tổ chức thực hiện “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH.
Theo đó, “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” năm nay (tháng 5/2021) được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông với chủ đề “BHXH cho tất cả mọi người lao động”, gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.
Qua đó, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa như: “Hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững”; “Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai”; “BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống”; “Lương hưu và bảo hiểm y tế (BHYT) - Chỗ dựa tài chính lúc tuổi già”; “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”;… hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT tháng 5/2021, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cơ quan bưu điện cần linh hoạt, vận dụng các biện pháp sáng tạo ngay từ cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của cơ quan BHXH, huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn trong công tác phát triển người tham gia.
Ông Trần Đình Liệu cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả.
Nhận định vai trò công tác truyền thông là tiên quyết, ông Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản truyền thông cho từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả.