“Lights out” khiến người xem bị ám ảnh ngay từ đầu phim với hình ảnh một bóng người dị dạng thoắt ẩn thoắt hiện. Càng xem càng phát hiện bóng đen đó rất sợ ánh sáng; khi bị ánh sáng chiếu vào, làn da nhăn nheo, sần sùi của bóng đen từ từ bốc cháy.
Hội chứng ma cà rồng
HED (Hypohidrotic ectodermal dysplasia) là hội chứng loạn sản ngoại bì giảm tiết mồ hôi. Đây là một trong khoảng 150 loại loạn sản ngoại bì ở người. Trước khi em bé được sinh ra, những rối loạn này gây ra sự phát triển bất thường về tuyến mồ hôi, da, tóc, răng, móng tay và móng chân.
Phần lớn những người mắc HED bị giảm khả năng toát mồ hôi vì họ có ít tuyến mồ hôi hơn bình thường hoặc các tuyến mồ hôi của họ bị trục trặc, hoạt động không bình thường. Toát mồ hôi là phương cách chính để cơ thể kiểm soát nhiệt độ của mình.
Khi mồ hôi trên da bay hơi, nó làm mát cơ thể. Việc không thể toát mồ hôi hoặc toát mồ hôi quá ít có thể dẫn tới thân nhiệt cao bất thường, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Trong một số trường hợp, thân nhiệt cao có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, người mắc HED phải hạn chế ở nơi nóng nực, tiếp xúc ánh sáng.
Diễn viên, nhà văn Mỹ Maria Bello vào vai bà mẹ Sophie với quá khứ ám ảnh và hy sinh tất cả vì con |
Người mắc HED có xu hướng có ít lông, tóc. Tóc thường sáng màu, dễ gãy và mọc chậm. Ngoài ra, răng họ thường mọc không đủ số hoặc răng dị dạng, chủ yếu là nhỏ và nhọn. Nếu lợi bị viêm lâu ngày, tụt xuống, chân răng lộ ra, nhìn qua, răng họ nhọn hoắt như răng ma cà rồng, lợi sưng đỏ, chảy máu chân răng trông như ma vừa hút máu.
Khuôn mặt người mắc HED cũng có nét riêng: trán dô cao, môi dày, mũi tẹt, má hóp, giọng nói lào khào, phều phào. Da của họ cũng có nét đặc trưng: khu vực quanh mắt đen sạm, nhăn nheo, mỏng; mắc bệnh kinh niên như eczema (chàm bội nhiễm). Họ còn thường bị trĩ mũi (hội chứng viêm mũi teo) khiến mũi luôn tỏa mùi hôi thối.
Người mắc HED thường xấu hổ, mặc cảm, để lâu dẫn tới trầm cảm nặng nề. Vì vậy, họ cần được điều trị cả về răng hàm mặt, da liễu, nội khoa và tâm lý.
Lên đồng, ma nhập
Qua lời nói của các nhân vật trong “Lights out”, người xem hiểu rằng, bóng đen có thể chui vào đầu người khác, khống chế suy nghĩ, việc làm của họ. Cụ thể, nhân vật bà mẹ tên Sophie nói rằng, bà là người duy nhất để bóng đen đó trú ngụ, hiển thị. Bóng đen đó không muốn bà uống thuốc điều trị, không muốn bà khỏi bệnh.
Trong thực tế, có không ít người trực tiếp trải qua hoặc chứng kiến hiện tượng lên đồng, ma nhập. Theo nhiều nhà khoa học, những người bị coi là ma nhập, hồn nhập (ông đồng, bà cốt, hoặc người đi gọi hồn) có thần kinh yếu, dễ bị kích động bởi yếu tố bên ngoài.
Trong bóng đêm huyền bí, hương khói lan tỏa, âm thanh ám ảnh, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các chất gây ảo giác, ảo thị, họ dễ rơi vào trạng thái mê man, tự kỷ ám thị hoặc mắc hysteria – một loại rối loạn phân ly thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở người yếu đuối về tinh thần, đặc biệt là phụ nữ.
Khi mắc hysteria, người ta không mất ý thức, nhưng thường xuất hiện các cơn rối loạn cảm xúc, cảm giác và vận động. Hysteria khiến người mắc có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức không rõ nguyên nhân, nói năng lảm nhảm, khóc cười vô cớ, hay li kỳ hóa các hiện tượng bình thường…
Nhân vật Bret (Alexander Dipersia đóng) đem lại đôi cảnh nhẹ nhàng, hài hước hiếm hoi trong phim qua cảnh hậu ân ái với bạn gái Rebecca, cảnh sử dụng màn hình điện thoại, đèn pha ôtô để tự vệ |
Ngoài lề
Đạo diễn David Sandberg quyết định tập trung vào các hiệu ứng thực tế, giảm thiểu việc sử dụng CGI (hình ảnh do máy tính tạo ra). Ông cho sử dụng ánh sáng thực trong hầu hết cảnh phim. Một số cảnh chỉ được chiếu sáng bằng ánh nến hoặc đèn huỳnh quang. Đây là bộ phim truyện đầu tiên mà Sandberg làm đạo diễn. Trước đó, năm 2013, ông đạo diễn bộ phim ngắn cùng tên. Phim ngắn này là nền tảng của phim “Lights out” sau này.
David Sandberg tiết lộ rằng, trong những buổi chiếu thử đầu tiên, cuối phim có cảnh nhân vật Diana trở lại, tấn công Rebecca, Bret và Martin. Nhưng sau khi nhận được những phản ứng tiêu cực, các nhà làm phim cắt bỏ cảnh đó, phim đến cảnh 3 người trò chuyện bên xe cứu thương là hết.
David Sandberg được mời đạo diễn phim kinh dị “Annabelle 2” sau khi làm việc với “Lights out”. Trước khi “Lights out” được công chiếu”, công việc sản xuất “Annabelle 2” đã bắt đầu. “Lights out” độc quyền ra rạp Thái Lan trong 5 ngày (từ 16 đến 20/7), trước khi được công chiếu rộng rãi ở nhiều nước từ 21/7.
Ở Thái Lan, phim này chỉ được chiếu từ lúc 8 giờ tối trở đi. Ban đầu, các nhà làm phim định cho phim ra rạp vào mùa đông 2016, nhưng khi nhận được phản hồi tích cực sau khi chiếu thử, họ quyết định cho “Lights out” trình làng vào mùa hè.
Tầng hầm căn nhà mà hầu hết cảnh phim “Lights out” diễn ra đã bốc cháy một cách bí ẩn sau khi việc sản xuất phim kết thúc được vài tháng. Ở đầu phim xuất hiện cảnh có nhiều ma-nơ-canh trông khá ám ảnh. Tuy nhiên, chúng không được đưa vào để phục vụ bộ phim.
Diễn viên đóng thế Alicia Vela-Bailey đảm nhiệm vai Diana, xuất hiện trong phim chủ yếu chỉ là một cái bóng đen đáng sợ |
Trước khi “Lights out” được bấm máy, chủ ngôi nhà đã đặt các ma-nơ-canh ở đó. Ngôi nhà trong “Lights out” chính là ngôi nhà được sử dụng trong phim “Ouija” (2014) và “Ouija: Origin Of Evil” (2016). Trên tường phòng nhân vật Rebecca, có một tấm poster có chữ “Släckt”. Đây là một từ tiếng Thụy Điển, nghĩa là “Lights out” (Tắt đèn).
“Lights out” là bộ phim kinh dị thứ hai mà Teresa Palmer tham gia (vai Rebecca). Phim trước đó là “The Grudge 2” ra đời 10 năm trước. Palmer sinh năm 1986, là diễn viên, người mẫu Úc. Cô tham gia một số phim ấn tượng như, “The Grudge 2”, “December Boys”, “Bedtime Stories”, “The Sorcerer's Apprentice”, “I Am Number Four”, “Take Me Home Tonight”, “Warm Bodies”, “Love and Honor”, “Kill Me Three Times”, “Point Break”…
Năm 2014, Palmer vào vai chính trong phim độc lập “The Ever After” mà cô cùng viết kịch bản, cùng sản xuất với chồng – đạo diễn Mark Webber. Palmer cũng là nữ diễn viên Úc thứ hai đóng vai chính trong phim kinh dị của James Wan. Trong phim trước đó, “Insidious” (2010), cô thủ vai Rose Byrne, cũng khá ấn tượng…/.