Theo lời quảng cáo của đơn vị tổ chức sự kiện Lễ hội hoa hồng: "Toàn bộ đảo công viên Thống Nhất sẽ trở thành Đảo Hoa Hồng diện tích 6.000 m2 sẽ được trang hoàng lộng lẫy sắc màu của hoa hồng với hơn 300 loài hoa hồng từ khắp thế giới đua nở trong lễ hội. Xen vào đó, các bạn được chiêm ngưỡng những bụi hoa hồng cổ đẹp nhất, kiến tạo kiểu mái vòm châu Âu cổ kính, chiêm ngưỡng những lâu đài hoa hồng tình yêu bên thung lũng hoa hồng Kazanluk... Các bạn còn có cơ hội trao gửi ước mơ bên giếng Nguyện ước hoa hồng theo truyền thuyết của Nhà tiên tri Vanga (người Bulgari)... Rất nhiều bất ngờ, thú vị đang chờ đón trên “ốc đảo” được xem là nơi tĩnh lặng và thi vị nhất giữa lòng Thủ đô..."
Ban tổ chức cũng hứa hẹn lễ hội sẽ mang đến 'một không gian đầy cảm hứng cho tất cả phụ nữ yêu hoa hồng. Lễ hội cũng là một lựa chọn tham quan lý tưởng cho những quý ông, chàng trai muốn thể hiện tình cảm với một nửa yêu thương trong ngày “Quốc tế phụ nữ 8/3”. "Lễ hội Hoa hồng hứa hẹn trở thành 1 Lễ hội đáng nhớ nhất trong năm 2017."
Nhiều du khách đến với Lễ hội này đã bày tỏ quan điểm đây thực sự là một lễ hội "đáng nhớ' nhất của họ. Tuy nhiên, đáng nhớ theo một chiều hướng khác.
Chị Nguyễn Thu Hiền (Khu tập thể Kim Liên) bơ phờ đi từ trong lễ hội ra nói với những người ngược chiều với vẻ mặt phẫn nộ: "Nếu đã mua vé, tiếc tiền vé thì vào thử đi, xem cảm giác bị lừa thế nào. Còn chưa mua vé thì nên về!".
Với những chậu hồng xơ xác này, chị Hiền cho rằng mình đã bị lừa |
Bà Hoàng Thị Thanh - một cán bộ về hưu ở Hà Nội cũng nói: Tôi đã từng có thời gian công tác tại Bulgaria, nghe nói có lễ hội này, tôi và ông nhà ra đây từ sớm. Nhìn cái cổng toàn hoa giả Trung Quốc đã thấy thất vọng rồi, nhưng vẫn hy vọng sẽ gặp lại những bông hồng Bulgaria như quảng cáo. Đợi hàng tiếng đồng hồ giữa trời nắng, đến hơn 11h mới được vào. Vào rồi thì thất vọng vô cùng. Lơ thơ vài bông hoa bệnh tật. Như một hội chợ tạp hóa. Với đồng lương hưu của chúng tôi, 120.000đ/vé, là quá đắt, cố cắn răng để mua, nhưng vào rồi vô cùng thất vọng.
Hoa giả ở Lễ hội |
Những bông hoa tả tơi ngay sau lễ khai mạc |
"Tôi đã dè chừng trước nó chẳng khác gì lễ hội hoa Tử đằng, nhưng vì yêu hoa hồng quá, nên cố đến, và giờ thì chỉ thấy thêm mất niềm tin." - chị Thu Huế - một thành viên trong Hội những người yêu hoa hồng chia sẻ cảm xúc.
Một cây hồng cổ Sa Pa của Việt Nam - cây khá to, nhưng không có độ khỏe mạnh, mướt lá, tươi hoa như cây trong vườn hồng của những người yêu hoa. |
Đây là một trong số những cây to, đẹp nhất trong Lễ hội, nhưng cũng không khiến những người yêu hoa hồng thấy được thỏa mãn |
Từ Lễ hội hoa về, chị Thanh Vân (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: Hoa hồng trong lễ hội còn kém xa những cây hoa trồng trong vườn nhà bạn bè tôi. Một số cây to đẹp đều là hồng Việt Nam. Thậm chí họ đưa cả những hồng đang bệnh tật vào trưng bày. Tôi thấy số hoa hồng trong lễ hội này không bằng một góc những chợ hoa như Hoàng Hoa Thám, Vạn Phúc, và lại càng không thể bằng những nhà vườn kinh doanh giống hoa ở quanh Hà Nội.
Đây là cây hoa hồng thuộc loại hồng cổ, quý hiếm ở Việt Nam. Hầu hết người yêu hoa ở VN không biết tên gọi chính xác của nó, mà gọi là hồng "Vân Khôi" - hồng "Cung phủ". Tại lễ hội này, nó vẫn được treo bằng tên 'dân gian' ấy. Tuy nhiên, điều đáng nói là cây hồng này đang bị bệnh nấm trắng rất trầm trọng. |
Nổi bật nhất trong Lễ hội là hồng terrazza của Trung Quốc - loại này chả thiếu ở chợ hoa nào, thậm chí ở chợ hoa còn tươi tắn, rực rỡ hơn.
Cũng tại "đảo hoa" này, còn có những gian hàng bán đồ không liên quan gì đến hoa hồng. Một hàng bán các loại vòng, bán rượu pháp, bán quần áo vải vóc... - những mặt hàng có thể thấy ở bất cứ những triển lãm chợ quê khắp Việt Nam.
Thậm chí còn có cả... "Ổi Lệ Rơi". Không biết các vị khách nước ngoài sau khi biết đến nguồn gốc của loại ổi này, sẽ nghĩ như thế nào về một sản phẩm được bày bán trong một lễ hội văn hóa của Việt Nam.