Trả lời:
Để xác định bạn có buộc phải chuyển hổ khẩu về nhà chồng hay vẫn có thể được giữ hộ khẩu như lúc chưa kết hôn cần căn cứ vào các quy định của Luật cư trú. Cụ thể như sau:
Tại Điều 3 Luật cư trú năm 2006 quy định:
Điều 3. Quyền tự do cư trú của công dân
Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú.
Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định".
Bên cạnh đó, tại Điều 15 Luật cư trú năm 2006 cũng quy định về nơi cư trú của vợ chồng như sau:
Điều 15. Nơi cư trú của vợ, chồng
1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.
2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận”.
Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành ghi nhận quyền tự do cư trú của công dân và vợ chồng có thể có nơi cư trú (Hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú) khác nhau nếu có thỏa thuận. Việc thỏa thuận này có thể lập bằng văn bản.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Cư trú sửa đổi bổ sung năm 2013 thì:
Điều 23. Thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp
Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú.”
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, tại Điều 29 Luật cư trú 2006 cũng quy định:
Điều 29. Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu
4. Trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục điều chỉnh phải nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; xuất trình sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới.”.
Như vậy, mặc dù pháp luật cho phép vợ chồng thỏa thuận về nơi cư trú nhưng theo các quy định này thì nếu bạn thay đổi chỗ ở hợp pháp trong thời hạn 12 tháng, bạn sẽ phải làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú, chủ hộ sẽ phải làm thủ tục điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu. Do đó, nếu bạn đã chuyển chỗ ở hợp pháp (đến chỗ ở hợp pháp của chồng) mà bạn không làm thủ tục nhập vào hộ khẩu của chồng theo thời hạn quy định ở trên thì bạn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Thực tế, khi vợ chuyển về ở với chồng thì người vợ cũng sẽ tiến hành thủ tục nhập vào hộ khẩu của chồng hoặc làm thủ tục đăng ký tạm trú. Điều này cũng tránh được việc hai vợ chồng có thể gặp khó khăn trong việc xin cấp Giấy khai sinh cho con sau này. Vì vậy, nếu bạn không sinh sống ổn định, thường xuyên cùng với anh trai thì bạn nên làm thủ tục nhập vào hộ khẩu với chồng của bạn.
Liên quan đến căn nhà mà bố mẹ bạn để lại cho bạn và anh trai: Việc bạn nhập về hộ khẩu mới không làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế của bạn đối với căn nhà này vì theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 thì bạn và anh trai đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Điều này có nghĩa là trong trường hợp chia thừa kế căn nhà do bố mẹ để lại thì bạn vẫn có quyền được hưởng mà không phụ thuộc vào hộ khẩu của bạn.
Trân trọng!