Thời gian qua, các địa phương của tỉnh Lào Cai đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 619/QĐ-TTg ngày 08/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, từng bước có giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận pháp luật tốt hơn.
Vấn đề tiếp cận pháp luật ở địa phương có vai trò quyết định đến hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Theo đánh giá năm 2018, tỉnh Lào Cai có 135 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm: Thành phố Lào Cai có 17/17 xã, phường; huyện Bát Xát 19/23 xã, thị trấn; huyện Bảo Thắng 14/15 xã, thị trấn; huyện Bảo Yên 18/18 xã, thị trấn; huyện Bắc Hà 20/21 xã, thị trấn; huyện Mường Khương 10/16 xã, thị trấn; huyện Văn Bàn 20/23 xã, thị trấn; huyện Sa Pa 4/16 xã, thị trấn, huyện Si Ma Cai 13/13 xã.
Thông báo số 41 của UBND tỉnh Lào Cai về danh sách các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật |
Được biết, để xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, mỗi cơ sở cần phải: Xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, triển khai, thực hiện xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, chính quyền các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa cuả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Mặt khác, rà soát, đánh giá thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, cải thiện khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Lồng ghép xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong chương trình, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, sơ kết, tổng kết, thống kê, báo cáo, theo dõi kết quả, kiểm tra, khen thưởng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Có thể thấy, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương. Vì vậy, việc tuyên truyền đầy đủ, sâu rộng về công tác này cần phải được đẩy mạnh ở các địa phương, nhất là cấp cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao về nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật.