Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh
Với mục tiêu “Xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc”, 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và nhân dân các dân tộc, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã triển khai cụ thể, sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế địa phương; xác định đúng lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tiềm năng, thế mạnh, những khâu đột phá và có lộ trình thực hiện phù hợp.
Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm “gần dân, sát cơ sở”.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức đạt chuẩn, được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thực tiễn đủ năng lực, bản lĩnh, chủ động thực thi công vụ. Các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sáng kiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác được phát động, tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả.
Đặc biệt, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác hiệu quả; liên kết, hợp tác phát triển kinh tế được đẩy mạnh; kết cấu hạ tầng có bước phát triển vượt bậc; đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, bản sắc văn hoá được giữ gìn, phát huy; thể dục thể thao đạt được nhiều thành tích nổi bật; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ; tốc độ giảm nghèo nhanh, dẫn đầu các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng…
Nổi bật là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng khó khăn được tập trung nguồn lực đầu tư có chuyển biến mạnh mẽ; các khu kinh tế, du lịch, đô thị phát triển, từng bước hình thành các vùng kinh tế động lực tại TP Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bảo Thắng...
Bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số chỉ tiêu năm 2020 giảm mạnh so với 2019 (như số lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng GRDP... ) nhưng Lào Cai vẫn có 11/25 chỉ tiêu đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng, đứng thứ 2 trong các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp từ 15,4% xuống còn 12,2%; tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng từ 42,58% lên 45,3%. Nhất là ngành nông nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, ứng dụng công nghệ cao bước đầu được mở rộng, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Khu vực nông thôn chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới về giao thông cho 75 xã với 2.259km đường giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố; 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 100% các xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 100% thôn có điện lưới quốc gia.
Cùng với đó, lâm nghiệp phát triển bền vững, vùng nguyên liệu phát triển ổn định; rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ tốt gắn với phát triển du lịch. Giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 80 triệu đồng/1 ha canh tác (gấp 1,6 lần so với năm 2015 và vượt 6,6% mục tiêu Đại hội), trong đó giá trị từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 260 triệu đồng/ha.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.180 tỷ đồng, vượt 8% mục tiêu Đại hội, gấp 2 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân 15,2%/năm.
Khu kinh tế cửa khẩu được mở rộng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng cao, đạt 4,6 tỷ USD (bằng mục tiêu Đại hội, bình quân tăng 16,49%/năm); kim ngạch luôn duy trì xuất siêu, trung bình chiếm 65-70% giá trị xuất nhập khẩu và chuyển biến tích cực theo hướng tăng cao tỷ trọng xuất nhập khẩu chính ngạch.
Du lịch phát triển nhanh, từng bước trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, nổi bật với khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà và TP Lào Cai. Kết cấu hạ tầng, đô thị được đầu tư, phát triển khá, quy hoạch tỉnh, ngành, lĩnh vực được thực hiện đầy đủ, tạo cơ sở để huy động nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng.
Các công trình trọng điểm, kết nối vùng được xúc tiến mạnh mẽ, như Cảng hàng không Sa Pa, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, Lai Châu, Cầu Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), Cầu Phú Thịnh, Cầu Làng Giàng…
Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, luôn chủ động trong mọi tình huống. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; thường xuyên coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, thế trận lòng dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc.
Hướng tới mục tiêu lớn
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được từ nhiệm kỳ qua, kết hợp công tác dự báo tình hình thế giới, khu vực trong nước cũng như tại tỉnh Lào Cai, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt ra những mục tiêu cùng với các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Cơ sở hạ tầng phát triển hiện đại là biểu tượng cho những thành tựu về kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai. |
Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du, Miền núi phía Bắc.
Tầm nhìn định hướng đến năm 2030 và 2045, Lào Cai phấn đấu phát triển toàn diện trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc; đến năm 2025 Lào Cai thành tỉnh phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước, năm 2045 là tỉnh phát triển của cả nước.
Cùng với mục tiêu tổng quát đó, tỉnh cũng phấn đấu độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt 8,5 - 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người 207 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người: 124 triệu đồng/năm; tỷ lệ đô thị hóa 45%; tổng lượng khách du lịch đến địa bàn 15 triệu lượt; giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 13 tỷ USD.
Lào Cai cũng phấn đấu đạt tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 85% tổng số xã trên địa bàn; tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều bình quân hàng năm đạt 2,5-3%/năm. Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 60%.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ tỉnh Lào Cai thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình, cách làm hay, hiệu quả, tạo sức lan toả trong xã hội. Từ đó, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhân dân các dân tộc, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng trong sạch, phát triển vững mạnh.
Thắng lợi trên chặng đường 5 năm vừa qua tạo dấu ấn tốt đẹp về sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020), tăng niềm tin, tạo khí thế mới cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của tỉnh trong công cuộc xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ mới.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế cao, nhưng Lào Cai cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: quy mô nền kinh tế còn nhỏ; liên kết các ngành, địa phương trong sản xuất chưa nhiều; Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có chất lượng với quy mô lớn còn ít; Tốc độ phát triển du lịch cao nhưng hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, công tác quản lý, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.
Ngoài những nguyên nhân khó khăn vốn có của tỉnh miền núi, biên giới chưa được khắc phục, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận về một số nguyên nhân chủ quan. Đó là việc nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế còn hạn chế; tiếp cận khoa học công nghệ, cuộc Cách mạng 4.0 còn chậm. Môi trường đầu tư có mặt chưa tốt....