[links()]“Việc vòi vĩnh tiền của gia đình bị can của một thẩm phán TAND huyện Yên Thành là không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc nói về quan điểm của lãnh đạo tỉnh xung quanh vụ thẩm phán nhận tiền chạy án gây xôn xao dư luận mà PLVN có loạt bài phản ánh.
Không thể chấp nhận được
“Uy tín của Đảng, của Nhà nước tốt hay xấu người dân đều nhìn vào hình ảnh người cán bộ thực thi công vụ mà đánh giá. Việc làm của thẩm phán TAND huyện Yên Thành là không thể chấp nhận được phải xử lý nghiêm”- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc |
Chủ tịch Hồ Đức Phớc nói rằng uy tín của Đảng, của Nhà nước tốt hay xấu, người dân đều nhìn vào hình ảnh người cán bộ thực thi công vụ mà đánh giá: “Đã là cán bộ làm trong các cơ quan bảo vệ pháp luật phải giữ được sự chính trực, công minh. Việc làm của thẩm phán Đức ở TAND huyện Yên Thành là không thể chấp nhận được, việc vòi vĩnh tiền của gia đình bị can có hoàn cảnh khó khăn như thế càng phải lên án, càng phải xử lý nghiêm”.
Ông Phớc cho hay, dù thẩm phán này không phải là cán bộ thuộc diện cán bộ quản lý của tỉnh, nhưng ông nắm bắt được sự việc này qua Trưởng Công an huyện Yên Thành và qua phản ánh của báo chí. “Công an huyện bắt quả tang thẩm phán nhận hối lộ là việc làm rất tốt. Vụ án này xảy ra ở huyện yên Thành, nên đồng chí Bí thư huyện, Chủ tịch UBND huyện phải có trách nhiệm chỉ đạo để làm rõ ràng ra. Kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội”- Ông Phớc nhấn mạnh.
Về dư luận đặt vấn đề có chỉ đạo từ trên để “dằn mặt” người phanh phui vụ việc, khi TAND huyện đã trút giận lên đầu bị cáo Thảo - người giúp công an bắt quả tang thẩm phán của TAND huyện nhận tiền chạy án mức án nặng nề với nhiều bất thường, Chủ tịch Phớc nói: “Một số ít vụ án 3 ngành nội chính có quan điểm trái ngược nhau là do có nhận thức khác nhau thôi. Nói giữa CQĐT, Viện KSND, Tòa án thiếu thống nhất, chia rẽ là chưa đúng. Nếu có thì Tỉnh ủy đã có ý kiến ngay. Các cuộc họp với cơ quan Công an họ đánh giá là giữa họ với cơ quan Tòa và Viện phối hợp công việc rất hiệu quả”.
Xử nghiêm để tạo niềm tin cho người dân
Theo Đại tá Đào Hồng Lập, Trưởng phòng CSĐTTP về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Nghệ An, hiện tình trạng “chạy án” diễn ra nghiêm trọng trong các cơ quan tố tụng làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Trong 4-5 năm lại nay, ở Nghệ An, các vụ án tham nhũng phần lớn bị xử treo hoặc cải tạo không giam giữ. Tại sao vậy?”, ông Lập lý giải là do pháp luật hiện còn trao cho cơ quan tòa quá nhiều quyền dẫn đến tình trạng thẩm phấn thông đồng với bị can, bị cáo để “chạy án”.
Ông Lập chỉ ra một số bất cập như khung hình phạt ở tội danh này là quá rộng. Ngoài ra, nếu có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên là có thể được phép xử dưới khung. Đặc biệt, trong quá trình xét xử một số tình tiết khác ngoài tình tiết giảm nhẹ theo quy định, tòa còn có quyền được coi đó là tình tiết giảm nhẹ nếu ghi vào bản án. “Đây là kẻ hở của pháp luật, nó tạo điều kiện cần để tòa có thể thực hiện mục đích chạy án nếu thẩm phản có tiêu cực”, Đại tá Lập phân tích.
Đại tá Lập cũng cho biết, vụ thẩm phán TAND huyện Yên Thành nhận hối lộ là một vụ điển hình nên quan điểm của Viện KSND cũng như Công an tỉnh Nghệ An là phải xử lý nghiêm để tạo dựng niềm tin cho người dân.
“Hiện nay tình trạng “chạy án” diễn ra nghiêm trọng trong các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, đặc biệt là cơ quan tòa án làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong 4-5 năm lại nay, ở Nghệ An, các vụ án tham nhũng phần lớn bị xử treo hoặc cải tạo không giam giữ. Tại sao vậy”, Đại tá Đào Hồng Lập, Trưởng phòng PC 46 Công an tỉnh Nghệ An. |
Phi Hùng - Tuấn Ngọc