[links()]Sau khi PLVN lên tiếng về việc “Kiên Giang bồi thường hàng tỷ đồng cho hành vi lấn chiếm đất rừng” phản ánh việc chính quyền tỉnh Kiên Giang lấy tiền ngân sách bồi thường cho những hộ dân lấn chiếm rừng phòng hộ khi Nhà nước thu hồi diện tích này để làm đường, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang đã lên tiếng.
Đoạn đường đi qua rừng phòng hộ |
Xác nhận nguồn gốc đất thiếu cơ sở pháp lý
Theo hợp đồng ủy quyền có công chứng của bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho bà Tống Kim Ngọc cùng cư ngụ tại Phú Quốc (Kiên Giang), bà Nga ủy quyền cho bà Ngọc một diện tích đất 16.000 m2 ở Bãi Vòng-Hàm Ninh-Phú Quốc. Bà Ngọc được quyền trông coi, nhận tiền bồi hoàn, đăng ký quyền sử dụng đất… Giấy ủy quyền này được công chứng ngày 30/11/2012, trong khi đó bà Ngọc đã ký vào bản danh sách chi trả tiền bồi hoàn và nhận 70% tiền bồi hoàn ngày 12/9/2012. Hành vi ủy quyền diện tích đất này có phải nhằm đối phó chính quyền hay không, yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Phú Quốc làm rõ.
Về trường hợp này, ông Huỳnh Long Hải - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Quốc - nói: “Hành vi bao chiếm đất rừng của các hộ dân tại đây chúng tôi đã lập đoàn kiểm ra liên ngành kiểm tra thực tế. Kết quả, 5 hộ dân (trong đó, bà Ngọc có diện tích lớn nhất) bao chiếm đất rừng, chúng tôi đã kiến nghị xử phạt nhưng chính quyền xã làm ngơ. Việc Ban nhân dân ấp xác nhận nguồn gốc đất cho bà Nga hoàn toàn vi phạm pháp luật bởi chỉ một chữ ký của ông trưởng ấp thì không đủ pháp lý chứng thực diện tích đất đó do bà Nga khai khẩn. Hồ sơ công chứng giao dịch này không có bản vẽ hiện trạng, không có số thửa, số tờ bản đồ vì nó là đất rừng được quản lý theo tiểu khu. Hơn nữa, trong những năm 90 của thế kỷ trước, tôi là Kiểm lâm viên phụ trách những khu rừng này, khi đó, khu rừng này là rừng ngập mặn, chưa có lối đi nên không ai thèm vào khu rừng khai khẩn. Sau khi Phú Quốc sốt đất, một số người dân ủy quyền, mua bán đất “chỉ” trên khu rừng này (chỉ đại một khu rừng, khu đất nào đó rồi giao dịch với nhau)”.
Thời hiệu văn bản và "râu ông nọ cắm cằm bà kia"
Như PLVN thông tin, khu rừng bị người dân lấn chiếm là tiểu khu 158B, là khu rừng phòng hộ do UBND huyện Phú Quốc giao cho Huyện đội Phú Quốc bảo vệ và trồng mới thêm. Một số báo đài này cáo buộc, Huyện đội phân lô bán nền trên diện tích đất rừng từ 3 triệu-90 triệu/một nền, hiện người mua đang “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì mua phải đất rừng.
Đại tá Kiều Đình Phấn- Chính trị viên Huyện đội - bức xúc nói: “Khu rừng Huyện đội được giao đã được sỹ quan, chiến sỹ trồng mới phủ xanh những mảnh trọc. Phần diện tích ngập mặn, Đảng ủy quân sự họp và xin chủ trương UBND tỉnh một diện tích làm khu nhà ở cho chiến sỹ, sỹ quan. Chủ trương này được UBND tỉnh cho phép bằng công văn 380/CV-UB ngày 18/9/2003 do Phó Chủ tịch Phạm Long ký. Sau khi có chủ trương, chúng tôi tiến hành thu của chiến sỹ, sỹ quan huyện đội 3 triệu/hộ để tiến hành mở đường, làm mương thoát nước. Những người đóng tiền là quân nhân chứ không có người dân bên ngoài. Người dân bên ngoài nhờ con đường này mà vào rừng bao chiếm. Với những thông tin sai lệch trên báo chí, chúng tôi đã gởi công văn yêu cầu họ đính chính, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa”.
PLVN khẳng định lại bản chất vụ việc hiện đang xảy ra tại tiểu khu 158B. Những thông tin trái chiều bị nhầm lẫn là tiểu khu 78 và 78+79. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ Quyết định 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quyết định này điều chỉnh qui hoạch lại Phú Quốc đến năm 2030. Từ quyết định này, UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định 2597/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 thu hồi hơn 10 triệu m2 đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 78 và 78+79 từ rừng phòng hộ giao cho UBND xã Hàm Ninh quản lý. Các báo đài khác căn cứ vào hai quyết định này, cố tình “râu ông nọ cắm cằm bà kia” và cho rằng người dân khai khẩn đất rừng từ năm 1993 là khai khẩn trên tiểu khu 78, 78+79 đã bị thu hồi từ hai quyết định này.
Một chứng cứ khác để chứng minh sự nhầm lẫn là thời hiệu của văn bản: Ngày 14/12/2012, UBND tỉnh Kiên Giang mới ra quyết định thu hồi đất rừng giao cho UBND xã Hàm Ninh quản lý nhưng các hộ dân này đã được nhận 70% tiền bồi hoàn từ ngày 12/9/2012. Thời điểm mà các hộ dân này nhận tiền bồi hoàn, đất này vẫn thuộc đất rừng phòng hộ cho dù nó thuộc tiểu khu nào, vì 3 tháng sau mới có quyết định 2579.
UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra
Từ những chứng cứ pháp lý và thực tế tại hiện trường, một lần nữa PLVN khẳng định: Việc người dân bao chiếm đất rừng và được nhận tiền bồi hoàn là một thực tế hiển nhiên đang tồn tại ở Phú Quốc. Để kết luận vấn đề, chúng tôi nêu lên ý kiến của ông Lâm Minh Thành-Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc: “Sau khi báo chí đăng tải vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau, ngày 31/5/2013, UBND huyện làm tờ trình gởi về UBND tỉnh xin ý kiến. Ngày 4/6, UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo Thanh tra tỉnh phối hợp cùng UBND huyện và các ngành liên quan lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ việc. Ngày 11/6/2013, UBND huyện họp các ngành liên quan trong huyện thông báo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, Thường trực UBND huyện yêu cầu các ngành rà soát lại toàn bộ diễn biến nội dung vụ việc để cung cấp hồ sơ, chứng cứ cho đoàn Thanh tra tỉnh. Khi có kết quả của đoàn Thanh tra, UBND huyện sẽ tổ chức họp báo để thông báo kết luận của Thanh tra. Ai đúng, ai sai, sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.” PLVN sẽ thông tin tiếp khi có kết luận của Thanh tra tỉnh.
Ngọc Long