Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, mỗi di tích được xếp hạng có hai khu vực cần được bảo vệ. Trong đó, khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích và phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ 1.
Liên quan đến vấn đề này, Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: Khu vực bảo vệ di tích phải được bảo vệ nguyên trạng và nếu có tác động trong khu vực thì phải được sự cho phép bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với di tích cấp quốc gia). Việc xây dựng công trình trong các khu vực này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Nghị quyết số 25 ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo” nêu rõ: mục tiêu phấn đấu từ 60 đến 70% di tích đã xếp hạng các cấp được khoanh vùng, bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ)
Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 128 di tích xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia nhưng mới chỉ có 6 điểm, khu di tích được quy hoạch; 78 điểm, khu di tích được khoanh vùng bảo vệ; 34 điểm, khu di tích được cấp GCN QSDĐ (so với giai đoạn 2011 – 2015 tăng thêm 11 di tích), chiếm 26,6% tổng số di tích xếp hạng, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Di tích hang Rộc Mạ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2002. Tuy nhiên, việc công nhận chỉ là quyết định trên giấy tờ, không có hồ sơ bản đồ trích đo của di tích, trong khi đó, nhiều năm trước, các hộ dân sinh sống ngay trong khu vực của di tích đã được cấp GCN QSDĐ.
Cũng gặp phải những khó khăn tương tự như huyện Văn Quan, hiện nay, huyện Bắc Sơn có 16 di tích đã xếp hạng nhưng có đến 6 di tích vẫn chưa được khoanh vùng, bảo vệ. Nguyên nhân là do hầu hết các di tích này đều nằm trên diện tích đất đã được cấp GCN QSDĐ cho nhiều hộ dân.
Vẫn đang có nhiều khu dân cư trong khu vực cần khoanh vùng, bảo vệ di tích Pháo đài Đồng Đăng (TP Lạng Sơn). |
Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Muốn khoanh vùng bảo vệ di tích phải di dời người dân ra khỏi vùng quy hoạch, nghĩa là liên quan tới cơ chế chính sách, phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và quỹ đất tái định cư cho người dân. Cho nên, một số di tích trên địa bàn huyện hiện nay vẫn chưa được khoanh vùng, bảo vệ.
Không riêng các di tích trên, công tác khoanh vùng bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh gặp phải rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: tình trạng di tích bị xâm lấn vẫn đang xảy ra (pháo đài Đồng Đăng, nhà bia Thủy Môn Đình, huyện Cao Lộc; Khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, TP Lạng Sơn…). Mặt khác, trước đây, khi xếp hạng các di tích chủ yếu chỉ khoanh vùng trên tổng thể và ước lượng nên tính chính xác không cao (lán Khau, chợ Háng Van, huyện Văn Lãng…), nhiều di tích hiện trạng đã bị thay đổi so với trước…
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ có những biện pháp, chính sách quyết liệt hơn để phát huy đúng giá trị trong việc bảo tồn nguyên trạng di tích cũng như quản lý việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, khoanh vùng và bảo vệ di tích lịch sử văn hóa./.