Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với rất nhiều cơ quan có liên quan để phối hợp xử lý, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội. Cùng với đó, #CreateKindness - chiến dịch toàn cầu với chuỗi video sáng tạo do TikTok phát động nhằm nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt trực tuyến và khuyến khích sự tử tế trong cộng đồng.
Những cái chết từ “ném đá hội đồng” trên mạng
Việt Nam hiện có gần 60 triệu người dùng mạng xã hội, trên 70% người dân sử dụng Internet. Những mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Tweeter được phát triển với mục đích kết nối và khuyến khích người dùng chia sẻ hình ảnh, nội dung cá nhân để tương tác với bạn bè của mình. Chỉ có một bộ phận nhỏ sử dụng mạng xã hội để “ném đá”, nói xấu, xúc phạm nhau. Tuy nhiên, “năng lượng đen”, “năng lượng xấu” của một bộ phận rất ít người dùng này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.
“Ném đá hội đồng” - chỉ việc cư dân mạng theo tâm lí đám đông phản đối gay gắt góc nhìn của một hoặc một số người, vì trái quan điểm với đa số hay “khó gần”. Sự bắt nạt tập thể một ai đó trên Internet này tuy ảo nhưng lại được tiếp tay bởi vô số thành viên hung hãn, quá khích khác a dua theo.
Có một thực tế rằng, nhiều cư dân mạng bây giờ chẳng cần biết đầu đuôi tranh luận thế nào, người trong cuộc với câu chuyện ai sai, ai đúng mà… sẵn sàng lao theo số đông phản đối gay gắt quan điểm của số ít. Đôi khi, điều đó chỉ để khẳng định tiếng nói của mình ở diễn đàn hay kiếm thêm vài lượt “thanks”. “Ném đá” là ảo nhưng nạn nhân lại bị tổn thương, bị cô lập, “tẩy chay” giữa cộng đồng.
Những “chiến binh bàn phím” sẵn sàng dành ra cả một khoảng thời gian dài chỉ để theo dõi và “truy cùng diệt tận” đối tượng mà mình không vừa lòng bằng đủ kiểu hình thức như lập nhóm tẩy chay, page anti, ghép hình “dìm hàng”, spam tin nhắn hàng loạt với nội dung đe doạ hay thậm chí là tạo nick giả hoặc account Facebook mạo danh rồi post lên đó những thứ người ta sẽ không nỡ ném vào mặt nhau bằng lời nói nếu gặp nhau ngoài đời thật.
Có rất nhiều người đã chọn cách trở nên độc ác để khác biệt mà họ không hề biết. Những comment bỉ bai hài hước được thiên hạ “like” kịch liệt, những lời tung hê “chửi quá hay!”, những danh phong “vua đanh đá”, “nữ hoàng bỉ bai”… vô tình thành tiếng vỗ tay tán thưởng khiến bạn tưởng chừng như mình đang được “tỏa sáng”.
Chị Kiều Ngoan, chủ tài khoản Facebook có tên Az Love trong trường hợp nói trên chia sẻ về việc mình bị quấy rối trên mạng xã hội: “Cũng rất tình cờ khi tôi đang là Tổng Giám đốc của một công ty về lĩnh vực tư vấn, tâm lý tình cảm mang tên AZ Love. Trong quá trình phát triển công ty, tôi cũng có những chia sẻ một số hình ảnh cá nhân của mình và công ty trên Facebook.
Tuy nhiên, trong vài ngày trở lại đây, lượng theo dõi và kết bạn với tài khoản cá nhân của tôi tăng đột biến. Đi cùng với đó, một số người đã chia sẻ hình ảnh của tôi với mục đích không tốt và thậm chí là gửi tin nhắn với nội dung xấu khiến tôi rất khó chịu. Do vậy, tôi thấy mọi người nên thận trọng và hạn chế đăng hình ảnh, thông tin cá nhân trên mạng xã hội để tránh nguy cơ bị quấy rối. Cùng với đó, Nhà nước cần có chế tài xử lý về vấn đề này nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.
Vụ việc nữ sinh lớp 11 ở Đồng Nai uống 12 viên thuốc ngủ tự tử vì uất ức khi bị miệt thị, xúc phạm trên Facebook đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn “ném đá” hội đồng trên mạng xã hội của các “chiến binh bàn phím”. Đây không phải là trường hợp đầu tiên nữ sinh tự tử vì không chịu nổi áp lực từ cộng đồng mạng.
Ngày 25/9/2016, em Bùi Q.H (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở U Lâu, Yên Bái) đã treo cổ tự tử do quá xấu hổ và hoảng sợ khi clip mình bị đánh, bắt quỳ xin lỗi bị đăng tải trên mạng xã hội.
Vào tháng 6/2013, nữ sinh N.T.C.L (sinh năm 1995, Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn trong lớp học thêm ghép mặt của mình vào tấm hình của một cô gái khác ăn mặc hở hang và đăng lên mạng xã hội. Mặc dù nạn nhân có đe dọa sẽ tự tử nếu các bạn không gỡ những hình ảnh đó xuống nhưng lại nhận được những thách thức, bình luận trêu đùa. Vì quá phẫn uất, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử.
Lan tỏa sự tử tế trong cộng đồng mạng
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với rất nhiều cơ quan có liên quan để phối hợp xử lý, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, giảm bớt năng lượng xấu và hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của mạng xã hội, đồng thời cũng làm rõ hạn chế của mạng xã hội.
#CreateKindness – lan tỏa sự tử tế. |
Cùng với đó, tháng 6 năm 2021, một chiến dịch toàn cầu với chuỗi video sáng tạo mang tên #CreateKindness do TikTok phát động nhằm nâng cao nhận thức về nạn bắt nạt trực tuyến và khuyến khích sự tử tế trong cộng đồng. Trong chiến dịch #CreateKindness lần này, TikTok hợp tác với Hội Truyền thông số Việt Nam và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Namđể lan tỏa thông điệp này đến tất cả người dùng.
Với thông điệp Create Kindness - Lan tỏa sự tử tế, chiến dịch tiếp tục là dấu ấn quan trọng trong nỗ lực thực hiện cam kết dài hạn của TikTok về việc xây dựng một nền tảng sáng tạo toàn diện, an toàn và văn minh.
TikTok hiểu rằng, trải nghiệm trực tuyến có thể vô hại với một số người dùng nhưng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những người khác ngay cả khi họ đã thoát khỏi ứng dụng. Do đó, nền tảng luôn khuyến khích người dùng chia sẻ về trải nghiệm của mình và nghiên cứu các giải pháp nhằm duy trì môi trường sáng tạo tử tế và thân thiện.
Là một phần trong cam kết thúc đẩy và lan tỏa sự tử tế trên môi trường trực tuyến, TikTok đã hợp tác với 6 nhà sáng tạo, đồng thời là nghệ sĩ hoạt hình để thực hiện chuỗi 6 video chia sẻ trải nghiệm thực tế của họ khi sử dụng nền tảng trực tuyến.
Chủ đề của 6 video: Ngăn chặn bắt nạt: Được thực hiện bởi @milkymichii, nói về cách cô ấy giải quyết vấn đề khi nhận ra video của mình bị Duet một cách thiếu tôn trọng. “Tại sao bạn lại...:” cho thấy sự đấu tranh nội tâm của @recokh khi xuất hiện ý định đối xử không tử tế với người khác và cách anh ấy loại bỏ suy nghĩ này. “Những comment tôi luôn giữ trong lòng” - @kellyemmrich chia sẻ về cách vượt qua những bình luận tiêu cực bằng cách tập trung vào những điều tốt đẹp và hướng về cộng đồng luôn ủng hộ, khích lệ cô.
“Bỏ đi chỗ khác”- @amyrightmeow đưa lời khuyên khi phải đối mặt với những người cố tình bóp méo suy nghĩ của mình. “Sức mạnh của ngôn từ” của @rosie.gif nhấn mạnh rằng một từ ngữ, một thái độ không thân thiện cũng có thể là tiền đề của hành vi bắt nạt và kêu gọi mọi người suy nghĩ cẩn trọng trước khi đăng tải nội dung. “Những gì chúng ta không nhìn thấy” của @king.science lại khuyến khích mọi người đối xử với người khác bằng sự quan tâm và đồng cảm.
Bằng cách ứng dụng đồ họa hoạt hình, giọng nói ấn tượng và việc tiết lộ bản thân vào cuối video, những nhà sáng tạo này đã gửi đến cộng đồng thông điệp: Đằng sau mỗi tài khoản là một con người thật và họ xứng đáng được tôn trọng, đối xử tử tế.
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: “Bắt nạt trực tuyến hay còn gọi là hành vi bắt nạt khi sử dụng công nghệ kỹ thuật số vẫn luôn là vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến người dùng trên môi trường Internet mà còn gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần trong thế giới thực.
Vì vậy, bên cạnh sự tự giác của mỗi người dùng, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ là yếu tố vô cùng quan trọng. #CreateKindness – lan tỏa sự tử tế là một chiến dịch thiết thực và truyền cảm hứng, vì vậy, tôi mong rằng, thông qua chiến dịch này, chúng ta sẽ một lần nữa nhìn nhận rõ thực trạng, nói không với hành vi bắt nạt trực tuyến.
#CreateKindness góp phần tạo dựng được văn hoá ứng xử trên không gian mạng, xây dựng một xã hội văn minh, tử tế và tôn trọng lẫn nhau”.