Người chiến sĩ biên phòng sát cánh cùng ngư dân
Cũng giống như bao chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khác, Thiếu tá Lương Hồng Ngọc, Phó thuyền trưởng Tàu biên phòng BP 05-98-01, Hải đội 2, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa luôn mang trong mình trọn vẹn lời thề: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Từ khi được cấp trên điều động về Hải đội 2 thuộc BĐBP tỉnh Thanh Hóa, anh đã cùng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia tuần tra kiểm soát và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân, giúp ngư dân yên tâm vươn khởi bám biển. “Ý thức được trách nhiệm to lớn mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, bản thân tôi không ngừng học tập, trau dồi kiến thức và nghiên cứu cách cứu nạn trên biển một cách nhanh nhất, có hiệu quả nhất”- Thiếu tá Ngọc chia sẻ.
Hai mươi ba năm binh nghiệp có biết bao nhiêu kỷ niệm và có những kỷ niệm không bao giờ quên, nhưng có lẽ ấn tượng sâu sắc hơn cả với người chiến sĩ biên phòng này là chuyến cứu nạn ngày 4/2/2020.
Thiếu tá Lương Hồng Ngọc. |
Vào khoảng 13 giờ 40 phút, đơn vị của anh được nhận nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển tại tọa độ 19°36`200N-106° 300”E, có tàu cá của ngư dân đang bị chìm dần xuống biển, trên tàu có 7 thuyền viên. Không có nhiều thời gian suy nghĩ, anh chóng chỉ huy tàu, đồng thời hướng dẫn, xác định vị trí cần tới.
“Chẳng bao lâu sau chúng tôi đã tiếp cận được tàu bị nạn. Trước mắt chúng tôi là 7 ngư dân đang buộc túm lấy nhau. Họ xác định trong trường hợp xấu nhất thì cùng chết và như vậy thì còn có khả năng tìm được tất cả xác. Với họ không còn hy vọng sẽ được trở về đoàn tụ gia đình mà phải bỏ mạng giữa biển khơi. Mắt chúng tôi nhòe đi”.
“Khi đưa được các ngư dân lên tàu biên phòng thì ai cũng trong tình trạng kiệt sức, tâm lý hoảng loạn, đói và rét. Sau đó chúng tôi nhanh chóng tiến hành cấp cứu, chăm sóc cho các ngư dân phục hồi sức khỏe.
Đến 21 giờ 40 phút cùng ngày, tàu biên phòng chúng tôi đã đưa các ngư dân cập cảng Hải đội 2 an toàn trong niềm hạnh phúc vô bờ của đồng nghiệp, của chính quyền địa phương và gia đình của họ. Với quan niệm “ngư dân làm ăn trên biển là anh em ruột thịt”, bởi vậy, mỗi khi tìm kiếm, cứu nạn được các ngư dân bị nạn trên biển, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và hạnh phúc như vừa cứu sống được những người thân yêu nhất của mình”- Thiếu tá Ngọc kể lại.
Hơn hai chục năm là lính biển, quanh năm làm bạn với sóng, gió biển khơi, có những khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, hay tham gia phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển thành công lại tiếp thêm nghị lực cho anh gắn bó với con tàu, bảo vệ ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cầu “nối” những niềm vui
Với phương châm sống tốt đời đẹp đạo, hơn 10 năm qua, ni sư Thích Nữ Liên Lập (Trụ trì Chùa Liên Hoa, xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) luôn tích cực tham gia công tác từ thiện, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn và luôn đồng hành cùng Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong hoạt động an sinh xã hội.
Riêng từ năm 2015 đến nay, ni sư đã vận động các nhà hảo tâm tài trợ giúp đỡ cho bà con nhân dân bằng tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ với những người có hoàn cảnh nghèo khó với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng, thông qua các hoạt động như cấp gạo hàng tháng, xây nhà tình thương, bếp ăn từ thiện... Đặc biệt hoạt động nhân đạo luôn được ni sư dành tâm sức là nhận nuôi các trẻ mồ côi, cơ nhỡ và chăm lo các em trong việc học tập.
Ni sư Thích Nữ Liên Lập. |
Mong muốn được chia sẻ một phần khó khăn đối với những bệnh nhân nghèo đang nằm điều trị tại Trung tâm y tế huyện và Hội người mù huyện Hàm Thuận Bắc, ni sư Thích Nữ Liên Lập đã vận động xây dựng bếp cơm từ thiện tại chùa Liên Hoa, trong đó có 10 hội viên phụ nữ tham gia.
Nhiều năm nay, cứ vào trưa Chủ nhật hàng tuần, mỗi lần hơn 150 phần cơm trị giá mỗi phần 15.000 đồng/1 phần được ni sư và các chị em gửi đến các bệnh nhân nghèo. Giá trị tổng số tiền lên đến 144 triệu đồng.
“Những việc làm được của chúng tôi tuy chưa nhiều so với yêu cầu chung của phong trào, nhưng đó chính là động lực để tôi cùng các chị em hội viên phật tử cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Trong việc làm thiện nguyện này, chúng tôi chỉ là cầu nối đem chỗ dư bù vào chỗ thiếu để cho người nhận được vui. Khi người nhận cảm thấy vui thì mình là cầu nối cũng chung niềm vui đó”- ni sư Thích Nữ Liên Lập tâm sự.
Với những việc làm đầy tình nhân văn, ni sư đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen về gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiêu biểu trong việc học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Vượt mọi thử thách đem vinh quang về cho Tổ quốc
Đó là động lực và là mục tiêu phấn đấu của vận động viên (VĐV) Lê Đức Đông đến từ tỉnh Sóc Trăng. Năm nay mới hai mươi tuổi nhưng anh đã có bề dày thành tích đáng nể trong thi đấu thể thao.
Năm 2019, lần đầu tiên môn Kurash được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 30). Lê Đức Đông được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, ngoài tham dự môn judo, võ sĩ trẻ này còn được tuyển chọn thi đấu môn Kurash ở đấu trường khu vực Đông Nam Á và anh đã làm nên điều kỳ diệu cho thể thao nước nhà.
Trong ngày thi đấu thứ hai của SEA Games 30, VĐV Lê Đức Đông đã mở màn cho thể thao Việt Nam khi giành Huy chương Vàng đầu tiên của môn Kurash hạng dưới 66 kg nam. Cũng trong năm 2019, Lê Đức Đông còn giành được 1 Huy chương Bạc giải Kurash trẻ châu Á tại Thái Lan.
Vận động viên Lê Đức Đông. |
Ngoài ra, anh còn giành được rất nhiều Huy chương Vàng và Huy chương Bạc tại giải các giải vô địch câu lạc bộ judo, giải trẻ, giải đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII. Hiện nay Đông đang được tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Giấu nụ cười bẽn lẽn vì “ngại nói về thành tích của bản thân”, Đông chia sẻ: Từ nhỏ em đã rất hâm mộ các anh, chị trong Đoàn thể thao Việt Nam khi đem về những tấm huy chương cho nước nhà. Nhìn các anh chị và các VĐV nước ngoài thi đấu cật lực rồi giành được huy chương, lúc đó em tự nhủ rằng, các anh chị làm được thì tại sao mình không làm được. Thế là ngày ngày em ra sức luyện tập không biết mệt mỏi, thậm chí quên cả những cơn đau do chấn thương trong thi đấu để vươn đến thành công.
“Bác Hồ từng căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, em luôn tâm niệm điều này, trong mọi hoàn cảnh đều phải phấn đấu, nỗ lực không ngừng để vượt qua chính mình và vượt qua thử thách của từng đối thủ, góp phần nhỏ bé của mình đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Đặc biệt, tại SEA Games 31 sắp tới do Việt Nam đăng cai tổ chức, em sẽ luôn nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, trung thực, cao thượng trong thi đấu, chủ động vượt qua mọi hoàn cảnh để giành thành tích cao hơn nữa”- Đông nêu quyết tâm. Vân Anh