Khi người tiêu dùng quay lưng
Cách đây vài ngày, website tại nước ngoài của thương hiệu thời trang H&M thông báo đồng ý đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp. Ngay sau đó vài giờ, người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu lên tiếng kêu gọi tẩy chay H&M vì không tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nhiều bài viết trên mạng xã hội liệt kê những cửa hàng của hãng thời trang này trên lãnh thổ Việt Nam để kêu gọi người tiêu dùng “tránh xa”.
Đồng thời, một lượng người tiêu dùng vào Fanpage của thương hiệu này để lại đánh giá “1 sao” và bày tỏ sự tức giận đối với việc H&M chấp nhận bản đồ phi pháp trên. Ở nhiều bài viết trên Fanpage này đều bị thả biểu tượng phẫn nộ và không ít bình luận lên án.
Sự việc này cũng nhanh chóng tạo một cơn sốt trên mạng xã hội. Các group, trang thông tin trên Facebook liên tục đăng tải các bài viết về vấn đề này, bày tỏ quan điểm “không mua hàng của doanh nghiệp không tôn trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam”.
Nhiều group “anti H&M” cũng đã được lập ra trên mạng xã hội với số thành viên tăng chóng mặt trong thời gian ngắn. Nhiều người nổi tiếng trong làng giải trí cũng lên tiếng đồng thuận tẩy chay thương hiệu này.
Nhiều người trẻ vốn yêu thích H&M cũng tích cực tham gia phong trào tẩy chay nhãn hàng. Nguyễn Thị Thảo Vy, 20 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn chia sẻ: “Em và bạn bè rất thích sử dụng sản phẩm của hãng H&M vì tuy là hàng nhập khẩu nhưng khá vừa túi tiền, thiết kế cập nhật xu hướng thời trang quốc tế. Tuy nhiên, sau sự việc này nhóm em quyết định ngừng sử dụng các sản phẩm của thương hiệu H&M. Em nghĩ còn rất nhiều thương hiệu quần áo mình có thể sử dụng, trong đó có các thương hiệu của người Việt. Còn một nhãn hàng nếu không tôn trọng chủ quyền đất nước mình thì mình không nên ủng hộ”.
Dạo một vòng quanh cửa hàng H&M tại một số trung tâm thương mại lớn ở TPHCM trong hai ngày cuối tuần vừa qua, có thể thấy được cảnh tượng kinh doanh khá đìu hiu, giảm sút rõ rệt so với thời gian trước. Trước đó, hầu hết những ngày cuối tuần, các cửa hàng H&M luôn đông nghịt người, có thời điểm người mua phải xếp hàng dài chờ đợi để được thanh toán. Doanh thu của H&M tại thị trường Việt Nam năm 2019 lên đến trên 1.100 tỉ đồng.
Bài học hành xử
Trước đó, người tiêu dùng Việt cũng từng tẩy chay một số thương hiệu khác. Cách đây nhiều năm, cuộc tẩy chay hướng đến một thương hiệu trong ngành giải khát khi bị cho là hành xử “thiếu tình người”, khiến người tiêu dùng liên quan phải vào tù.
Trường hợp khác, một số nhãn hàng bị ảnh hưởng do nữ nghệ sĩ đại diện có đời tư tai tiếng. Người tiêu dùng đã ra “tối hậu thư” đề nghị các nhãn hàng hoặc là bỏ tư cách đại diện của nữ nghệ sĩ, hoặc là bị người tiêu dùng quay lưng.
Cũng có những thương hiệu từng bị tẩy chạy vì lừa dối khách hàng, thiếu trung thực, bán sản phẩm kém chất lượng. Như một thương hiệu điện tử quảng cáo là “made in Việt Nam” nhưng bị phát hiện nhập khẩu linh kiện Trung Quốc về lắp ráp. Hay những thương hiệu mỹ phẩm bị phát hiện có kinh doanh sản phẩm kem trộn...
Tuy nhiên, có lẽ ít có cuộc tẩy chay nào mang quy mộ rộng, mạnh mẽ như cuộc tẩy chay H&M lần này. Có thể nói, H&M đang đứng trước làn sóng phẫn nộ của người tiêu dùng Việt. Đặc biệt trong môi trường mạng xã hội lan tỏa thông tin nhanh chóng, cuộc kêu gọi tẩy chay như một đám cháy lan nhanh càng lúc cháy càng to.
Theo các chuyên gia, chưa biết cuộc tẩy chay sẽ kéo dài bao lâu, nhưng sự việc “chưa từng có” diễn ra đối với thương hiệu H&M càng khẳng định sức mạnh của người tiêu dùng ở kỉ nguyên số và là bài học chung với các doanh nghiệp. Kinh doanh ở thời đại này, doanh nghiệp không chỉ cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đến các chiến lược bán hàng đúng đắn mà càng cần duy trì thái độ kinh doanh tử tế, tôn trọng chủ quyền các quốc gia.