Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật (CHBT&PTSV), đơn vị trực thuộc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, vừa chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm VQG này và Tổ chức Động vật Châu Á tổ chức tái thả thành công 2 cá thể chim Hồng hoàng về môi trường tự nhiên.
Báo PLVN từng có bài viết về loài chim quý hiếm này. Hồng hoàng tên khoa học là Buceros bicornis, thuộc họ hồng hoàng, bộ sả, lớp chim. Hồng Hoàng sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, thuộc nhóm IB - đang bị đe dọa tuyệt chủng theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi được đánh giá có sinh cảnh sống phù hợp với Hồng hoàng và những năm qua đã ghi nhận sự hiện diện của loài chim này tại đây. Hiện ở Việt Nam, nhiều vùng vẫn còn chim Hồng hoàng ngoài tự nhiên, nhưng do nạn buôn bán trái phép khiến loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tháng 11/2022, 1 cặp chim Hồng hoàng trống mái đã được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chọn lọc, ghép chuồng và bàn giao cho Trung tâm CHBT&PTSV Phong Nha – Kẻ Bàng để tiếp tục cứu hộ, huấn luyện bay trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Ban quản lý VQG này đã xây dựng 1 chuồng tập bay lớn nhất Việt Nam cho Hồng hoàng với kích thước dài 50m, rộng 5m và cao 6m, giúp chim có thể bay lượn từ 30 – 50km mỗi ngày.
Cá thể Hồng hoàng vừa được tái thả đang dần thích nghi với môi trường tự nhiên. |
Sau hơn 8 tháng chăm sóc tại Cơ sở Bảo tồn động vật hoang dã Phong Nha - Kẻ Bàng, Trung tâm CHBT&PTSV đã phối hợp với các chuyên gia là bác sỹ thú y, chuyên gia động vật trong và ngoài nước tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện như: chụp Xquang, lấy máu, mẫu phân, kiểm tra sinh hoá, lấy các mẫu test… Kết quả cho thấy, 2 cá thể chim Hồng hoàng nói trên sức khỏe bình thường, đủ tiêu chuẩn để thả về môi trường tự nhiên.
Trước khi tái thả, cá thể chim đực đã được mặc áo chip định vị với giá 1.000 USD/thiết bị, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của chim. Bác sĩ thú y Halter Goelke (chuyên gia của Tổ chức FOUR PAW Viet) cho biết: “Sở dĩ chỉ mặc áo cho chim đực, bởi khi ghép đôi, chúng luôn sinh hoạt cạnh nhau. Tới mùa sinh sản, chim làm tổ ở hốc cây, con cái ấp trứng, tới khi trứng nở con cái thường xuyên ra vào kiếm ăn. Quá trình này rất dễ gây cọ xát cơ thể chim cái với tổ làm mất thiết bị định vị. Chính vì vậy lắp thiết bị lên người con đực sẽ tránh được rủi ro”.
Chiếc áo định vị này sẽ theo con chim suốt cuộc đời, để theo dõi hành trình, phân bố, khả năng bay và sinh tồn trong tự nhiên. Trước khi chính thức tái thả 1 tuần, 2 cá thể Hồng hoàng này đã được lực lượng chức năng thực hiện tái thả mềm (thả thử nghiệm) để theo dõi bảo vệ, thích nghi với khí hậu.
Đến 10h30 ngày 21/8/2023, sau khi gắn vòng nhận dạng vào chân, 2 cá thể chim Hồng hoàng đã được mở cửa lồng để tái thả về với môi trường tự nhiên. Theo các chuyên gia của Tổ chức Động vật Châu Á, sau khi ra khỏi lồng, Hồng hoàng sẽ sẽ có phần bỡ ngỡ, bay đậu trên cây gần chuồng trong thời gian vài ngày. Sau đó, chim sẽ sinh hoạt xung quanh khu vực tái thả để tìm kiếm thức ăn và khoanh vùng lãnh thổ sinh sống.
Với sắc đẹp đầy vẻ mê đắm, ấn tượng như huyền thoại, nhiều bộ lạc trên thế giới vẫn tin rằng, Hồng hoàng là hiện thân của quyền lực tối cao. Cá thể trưởng thành có thể dài từ 0,95 - 1,2m với sải cánh rộng tới dài tới 1,52m và cân nặng từ 2,15 - 4kg.
Nhiều nhà động vật học mệnh danh Hồng hoàng là loài chim lãng mạn nhất thế giới. Việc lựa chọn bạn đời của chúng là quá trình cực kỳ ấn tượng khi biết tặng quà (cành cây, động vật chết… và cả xương) cho “người yêu”. Đây là loài chim mang trái tim ấm áp và rất chung tình. Cả đời chúng sẽ không đổi bạn đời, không bao giờ phản bội và sẽ cùng chung sức nuôi chăm chim con.
Đôi chim Hồng hoàng trong tự nhiên. |
Theo Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, hoạt động tái thả 2 cá thể chim Hồng Hoàng là sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt không chỉ riêng đối với Vườn này, mà là lần đầu tiên loài chim quý hiếm Hồng hoàng được tái thả về môi trường tự nhiên ở Việt Nam.
Trước đó, một số nước ghi đã ghi nhận việc tái thả chim Hồng Hoàng về tự nhiên như Thái Lan và Campuchia. Sự kiện này cũng đã khẳng định nỗ lực và vị thế trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng, của Việt Nam nói chung.