Làm vợ người tù

Khi chồng thụ án trong nhà giam, thì những người vợ khốn khổ ấy vừa phải thay chồng lo chèo lái cuộc sống gia đình, vừa phải đương đầu với những định kiến khắc nghiệt. Sóng gió này, nỗi tủi nhục này có lẽ chẳng người đàn ông chân chính nào muốn gieo vào gia đình bình yên của mình.

Số phận một người  đàn bà phụ thuộc vào người đàn ông mà họ chọn làm chồng. Giống như câu chuyện về hạt mưa, sa vào giếng ngọc được làm giọt nước thiêng, còn lỡ sa vào vũng lầy đành phận làm nước đọng. Những nhân vật trong bài viết này của tôi đã có thời là niềm mơ ước của bao nhiêu chàng trai trẻ. Nhưng số phận bắt họ phải làm  “vợ thằng tù” với cuộc sống đầy mặc cảm và những cơn ác mộng.

Làm vợ người  tù ảnh 1
 

I. Tôi gặp chị trên chuyến xe Mỹ Đình – Tân Lập. Thấy tôi nói với anh tài phụ rằng sẽ đến trại giam Tân Lập, chị như tìm được người bạn đồng hành. Chị nhỏ nhẹ hỏi: “Chị gì ơi! Chị cũng đi thăm chồng à!” Tôi đưa đôi mắt nhìn xuống và mỉm cười thay cho câu trả lời. Dường như chị nghĩ đó là thông điệp của một người đàn bà tủi phận khi có chồng rơi vào chốn lao tù. Cứ thế, dọc đường đi,  xen giữa những cơn say xe mật xanh mật vàng, Vừ Thị Nhu- tên người đàn bà đó - kể với tôi về cuộc đời “làm vợ thằng tù” của mình.

Bản làng của chị ở trên đỉnh một ngón núi. Phía bên này là Việt Nam, ngoảnh lại sau lưng là Trung Quốc. Chị nhớ những mùa hoa ban trắng trời Tây Bắc, đêm về, trong mùi hương hoang hoải của núi rừng là tiếng khèn gọi bạn rộn rã quanh nhà chị. Thế rồi, chị được “bắt về” làm vợ khi chưa kịp đến tuổi kết hôn. Người đàn ông của chị không biết thổi khèn. Nhưng chị được sống trong một căn nhà đẹp, được ăn ngon, được mặc đẹp. Chồng của chị không lên nương trồng ngô, không vào rừng bắt thú như những người đàn ông khác trong bản. Chị cũng không hiểu chồng chị làm gì mà có tiền mua được cho chị nhiều đồ đẹp đẽ như thế.

Chị khác cô Mị ngày xưa làm dâu nhà Thống Lý Pá Tra là  ở xứ núi rừng này là không bị đánh đập, nhưng cũng giống như những người phụ nữ H’Mông khác, phận làm vợ, chị chỉ biết im lặng, ngoan ngoãn nghe lời chồng. Thế nên, cho đến tận khi tham dự phiên tòa tại TAND tỉnh Điện Biên, nhìn chồng đứng trước vành móng ngựa, tay bị còng, chị vẫn chưa hiểu nguyên cớ gì khiến anh ta bị bắt. Herroin, đến tận bây giờ chị vẫn chỉ biết đó là một thứ mà dùng nó, mua bán nó là có tội với Nhà nước, với Chính phủ, với người dân và phải đi tù. Bị xử về tội buôn bán trái phép chất ma túy, chồng chị bị kết án Chung thân, thụ án tại trại giam Tân Lập.

Từ đây, cuộc đời của chị bắt đầu bước sang một trang mới với những tủi nhục, u ám. Người con gái H’mông có dáng đi luôn chúi về phía trước, bây giờ lại càng không dám ngẩng mặt lên khi ra đường. Đồ đạc trong nhà của chị cũng  đội nón ra đi kể từ khi khi chồng bị bắt. Căn nhà gọi là đẹp nhất bản, nhưng ở xứ núi chon von này, lại thiếu vắng  đàn ông thì chỉ qua một mùa lũ đã long vách, trốc mái. Một mình chị chèo chống với cuộc sống khốn khó cùng ba đứa con nheo nhóc, nay đứa này ốm, mai đứa kia đau. Không những thế, chị lại cố gắng tích cóp, giành giụm để năm hai lần khăn gói đi thăm chồng. “Em đi từ chiều hôm qua, bắt xe ôm hơn 100 cây  xuống núi, rồi từ thị trấn đến Hà Nội là trời vừa sáng để kịp chuyến xe này.” Chị nói. Em chỉ muốn đến thăm xem anh ấy có bị ốm không. Và cho anh ấy biết là con hết ốm rồi! 

2. Cũng vì ma túy, chị Tạ Thị Thu ở Lai Châu cũng phải trở thành “vợ người tù” khi chưa đầy 30 tuổi. Vợ chồng chị là dân kinh tế mới, lên Lai Châu khai hoang lập nghiệp. Thuận vợ thuận chồng, lại chịu thương chịu khó, nên chẳng mấy chốc vợ chồng chị đã có một cơ ngơi bề thế với đồi mận, na trĩu quả khi mùa về, ao sôi tăm cá và đàn lợn lũ lượt thay nhau xuất chuồng. Hai đứa con trai được anh chị cho học hành đến nơi đến chốn, rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Chưa đầy 30 tuổi, chị tưởng như hạnh phúc viên mãn đang đến sớm với mình.

Chị như trẻ ra, xinh hơn thời con gái. Nhưng tai họa ập xuống đầu chị bởi chồng chị bị bắt quả tang khi đang tàng trữ trái phép chất ma túy. Với số lượng quá lớn, lại không đủ bằng chứng để chứng minh rằng mình chỉ là người vận chuyển giúp một người khách lạ, nên anh Lương – chồng chị - đã bị bắt và kết án chung thân. Nghe lời xúi bẩy của một người quen, chị bán đi gần hết gia sản mà hai vợ chồng đã gây dựng, với mong muốn giúp chồng chạy án. Nhưng tiền mất, căn nhà chỉ còn trơ trọi cái khung và những đồ dùng nghèo nàn, mà ngày về của chồng vẫn còn xa tít tắp.

Cuộc sống quá khó khăn, chị đành phải gửi đứa con nhỏ xuống dưới xuôi với ông bà nội. Mùa hè năm ấy, khi năm học kết thúc chưa lâu, trong lúc chị đang định khăn gói về xuôi đón con lên cho mẹ con, anh em đỡ nhớ nhau, thì chị nhận được hung tin.

Tất tả về quê, chị chỉ kịp nhìn thấy thi thể đã biến dạng vì ngâm nước của đứa bé! Những tai họa đồn dập khiến chị tưởng như không thể sống nổi. Nghe lời gia đình, chị lại khăn gói về xuôi. Nhưng mọi cánh cửa cuộc sống dường như đã đóng lại với “vợ thằng tù buôn ma túy”. Đinh kiến của dân làng khiến chị như một mầm họa của những tội ác, những bệnh tật, những trò lừa đảo…. mang tên “cái chết trắng”. Đi đâu chị cũng bị xa lánh. Làm thuê, làm mướn cũng chẳng mấy ai thuê. Thậm chí  khi đi chợ, người ta cũng khống muốn bán cho chị, không muốn nhận những đồng tiền mà người ta cho rằng có được nhờ chồng “buôn ma túy”.

3. Nguyễn Thị Hà là cô giáo dạy tiểu học ở một xã ngoại thành Hà Nội. Quê Hà nghèo nàn, nhưng xóm làng bình yên với những người dân thật thà, chất phác. Vì thế, cái tin Thịnh – chồng Hà – bị bắt quả tang khi đang ăn trộm xe máy khiến cả làng sửng sốt.  Hà lấy Thịnh  khi chị vừa đậu công chức. Cô giáo ở quê vốn “đắt khách” lắm.

Hà đã bỏ qua những chàng trai hào hoa phong nhã với những lời tán tỉnh, săn đón, chiều chuộng để đến với Thịnh – một anh thợ sửa xe máy đầu làng. Nhà Thịnh nghèo, lại đông anh em, nhưng Hà không ngại ngần. Ước mơ của Hà chỉ đơn giản với một căn nhà nhỏ xinh, vợ chồng cùng bảo ban nhau làm ăn, nuôi dạy con cái, no đói có nhau. Từ khi về làm vợ Thịnh, Hà dấn thân vào những lo toan. Cuộc sống hoàn toàn khác với giai đoạn son rỗi của một cô con gái út trong ra đình công chức nhà nước. Đầu tắt mặt tối, những Hà chưa bao giờ phàn nàn với chồng, bởi cô nghĩ, “vạn sự khởi đầu nan”, cứ khổ tận rồi sẽ có ngày cam lai.

Nhưng rồi Hà biết, chị không thể mong chờ cái ngày tươi sáng đó nữa, khi chồng chị phải thụ án 20 năm tù giam vì tội trộm cắp. Thịnh bị bắt khi đang thực hiện hành vi mở khóa một chiếc xe máy không phải của mình. Chỉ đến khi chồng bị đi tù, Hà mới biết những ngày qua, chồng mình đã bị trò đỏ đen lôi kéo. Vào bước đường cùng, Thịnh đi trộm xe để có tiền nướng vào các chiếu bạc. Cho đến khi bị bắt quả tang, Thịnh đã thực hiện trót lọt hơn 30 phi vụ bằng thủ đoạn giả làm khách đến cơ quan làm việc, rồi lựa lúc bảo vệ không để ý, dùng chìa khóa vạn năng để lấy trộm xe máy.

Vốn là một cô giáo trẻ xinh đẹp, nhiều tâm huyết và tài năng, được các phụ huynh học sinh tin tưởng gửi gắm, hàng xóm yêu mến. Nhưng kể từ khi “là vợ của thằng ăn trộm”, chồng vào tù, Hòa phải đứng ra hứng chịu mọi búa rìu dư luận. Chưa từng được chồng mua cho một bộ quần áo đẹp, một món ăn ngon, nhưng giờ đây, chị phải còng lưng kiếm việc làm thêm quên ngày quên đêm để giúp chồng đền bù cho người bị hại. Đặc biệt, nỗi đau lớn nhất của Hà là khi nhận được những lá đơn xin chuyển lớp của phụ huynh học sinh; khi đứa con chạy về nhà khóc mếu với mẹ khi bị bạn bè đánh bởi nó là: Con một thằng ăn trộm.

Những người vợ khốn khổ mà tôi đã kể trong bài viết của mình vốn là những người phụ nữ hiền lành, lương thiện. Bước chân theo chồng, họ mang trong tim khát vọng hạnh phúc  dưới một mái nhà nhỏ bình yên. Nhưng chỉ vì lòng tham, vì sự mù quáng, thiếu hiểu biết hay coi thường luật pháp, những người đàn ông của cuộc đời họ đã đẩy vợ mình vào cảnh khốn cùng với cái tên đầy tủi nhục: Vợ thằng tù.  Khi chồng thụ án trong nhà giam, thì những người vợ khốn khổ ấy vừa phải thay chồng lo chèo lái cuộc sống gia đình, vừa phải đương đầu với những định kiến khắc nghiệt. Sóng gió này, nỗi tủi nhục này có lẽ chẳng người đàn ông chân chính nào muốn gieo vào gia đình bình yên của mình.

Nhật Thanh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.