1. Đồng Tháp Mười là một trong những căn cứ kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân Nam Bộ; đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai của chúng Đồng Tháp Mười là cả sự khiếp đảm kinh hồn:
“Tây vô Đồng Tháp Mười làm ma không đầu”
Nói đến Đồng Tháp Mười, người ta thường nghĩ tới đỉa, muỗi, nước phèn:
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội lềnh như bánh canh
Danh xưng Đồng Tháp Mười có từ lúc nào? Ít ai nói đến. Còn tại sao lại gọi là Tháp Mười thì có nhiều giả thiết:
- Có người nói rằng: Ngày xưa, cánh đồng này là một vương quốc thịnh vượng giàu có, nưhng về sau bị một nạn hồng thủy dâng lên rồi cuốn đi hết cả nhà cửa, con người… Trong xứ này trước sau có tất cả 10 vương quốc trị vì, mỗi ông đều xây một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng. Khi chôn cất nhà vua, người ta chôn theo cung phi và vàng bạc. có lẽ, cũng do từ thuyết này nên người ta tin rằng ở Gò Tháp có vàng.
- Cũng có người cho rằng: Đây là cái chùa Tháp thứ 10 của người Khmer tính từ đất Chân Lạp xuống. Những tháp này được nối liền với nhau bằng một con đường lót đá.
- Lại có thuyết khác cho rằng: Đây là cái tháp thứ 10 do nghĩa quân Thiên Hộ Dương xây cất trên cánh đồng lầy này, bắt đầu từ vàm Ba Sao đến Gò Tháp, nên gọi là Tháp Mười. Những tháp này là những tháp canh phòng tàu giặc rồi dùng mật hiệu thông tin cho nhau biết. Còn vàng thì người ta cho là của nghĩa quân không kịp mang theo khi rút lui khỏi đồn vào năm 1886, phải chôn vội vã xuống sình, rồi sau trở lại tìm không được.
Sau này, có sách viết rằng đó là do cái tháp mười tầng cao 42 thước. Gải thuyết này không đúng. Vì thực tế có cái tháp do chính quyền Ngô Đình Diệm xây lại trên nền tháp cũ gồm 10 tầng cao 42 mét theo kiểu tháp của chùa Thiên Mụ (Huế), một loại hình kiến trúc Trung Quốc, vào năm 1958, và đã bị du kích đánh sập năm 1959, vì chính quyền Ngô Đình Diệm dùng tháp này nhằm mục đích quân sự: theo dõi, khống chế hoạt động của lực lượng cách mạng ở địa phương. Đến năm 1975, tháp này còn lại tầng dưới cùng.
- Người Pháp trước đây thường gọi Đồng Tháp Mười là đồng cỏ lác: “Plaine des Joncs”
Cũng có người viết rằng: Tháp Mười là một trong những ngôi tháp bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất trên khắp lãnh thổ để thờ vị thần Bà La Môn Lckecvera là vị thần chuyên trị bệnh của nhân loại. Bên cạnh tháp có những ncăn nhà gỗ lợp bằng ngói hay bằng lá thốt nốt, để cho người bệnh nằm dưỡng có nhân viên y tế hoàng triều coi sóc. Những ngôi tháp được xây dọc theo các con đường lớn và ngôi tháp nằm trong Đồng Tháp Mười đứng vào hàng thứ mười, tính từ địa điểm xuất phát.
Thời gian đã tàn phá các công tình kiến trúc của cổ nhân, dãy nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn lại một tượng sư tử và một linh phù (linga) bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Phạn ghi tên tháp thứ mười.
Năm 1932, nhà khảo cổ học người Pháp Parmentier đã đi vào Đồng Tháp bằng ghe xuồng để đọc những chữ khắc vào đã và đã phát hiện ra ngôi tháp. (Lê Hương trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên, tập san Sử Địa, số 14-15 năm 1969).
Trong quyển Lịch sử thế giới trung đại của Lương Ninh và Đặng Đức An có ghi:… “Nhà vua còn cho lập 102 bệnh viên, phân bố trong toàn vương quốc và “người đau đớn cho bệnh tật của thần dân còn hơn của mình”; cả 4 đẳng cấp đều có thể được săn sóc ở đây. Người ta đã tìm thấy cả dấu vết của trên 30 bệnh viện, trong đó có 15 nơi còn tìm thấy cả bia đá với những với nội dung giống nhau, nói về ý định việc cung ứng, tổ chức và chữa bệnh”.
Và trong quyển Lịch sử Campuchia của Phạm Trung Việt, Nguyễn Xuân Kỳ và Đỗ Văn Nhung cũng có ghi: “Lòng từ bi của ông thể hiện trước kết quả những hoạt động từ thiện mà những tài liệu văn bia có ghi chép một cách khá rõ ràng. Đó là hệ thống bệnh viện - ước chừng 102 bệnh viện mà ông đã xây dựng khắp nơi trong nước. Mỗi bệnh viện đều có một bản nội quy mà nội dung được khắc chữ trên tấm bia đá dựng trong một ngôi chùa nhỏ xây cạnh mỗi bệnh viện”.
Như vậy phải chăng Tháp Mười là bệnh viện thứ 10 trong 102 bệnh viện được xây dựng dưới thời Jayavarman VII? Hẳn còn phải chờ đợi kết quả những cuộc khảo cổ ở Gò Tháp.
2. Ngày xưa, nói tới Đồng Tháp Mười là người ta nghĩ ngay đến một vùng cỏ lác mênh mông, sình lầy nước động quanh năm, đầy muỗi, đỉa, rắn rít… Nên đã có câu:
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội lềnh tợ bánh canh.
Thiệt vậy, trước đây trong Đồng Tháp Mười muỗi nhiều vô kể. Do cỏ cây mục nát trong nước tù hãm là môi trường tốt cho muỗi sanh sôi nẩy nở. Ngay cả ban ngày, hễ chỗ nào kín gió hay thiếu ánh sáng là muỗi tập trung dày đặc. Tiếng muỗi bay vang lên âm thanh như sáo thổi. Về đêm, không biết cơ man nào mà kể, chỉ cần hươ tay một cái là nắm được hàng chục con. Nhiều người nói rằng muỗi bay mát mặt, mát tay, muỗi như hốt trấu mả rải, như bão ở sa mạc.
Trời chạng vạng là phải vô mùng (cái lớn ở ngoài, cái nhỏ ở trong, cách nhau độ hai mươi phân, đề phòng khi ngủ quên để tay chân ra ngoài không bị muỗi cắn). Trên bờ cũng phải ngủ mùng! Nhưng không phải lúc bấy giờ người dân Đồng Tháp Mười ai cũng có mùng mà ngủ.
Những người không có mùng phải đốt củi lá un khói để đuổi mỗi, có người phải ngủ “mùng gió” (ngồi trên xuồng bơi mạnh vài ba dầm cho có gió để xua muỗi đi, một lát sau muỗi bu tới lại bơi nữa, cứ như thế cho qua đêm). Có người phải ngủ “mùng nước” (nhận xuồng cho nước vào rồi nằm ngâm mình trong nước chừa đầu ra, chỉ có người khỏe mạnh mới dám ngủ theo kiểu này.
Những người đi khai hoang hoặc các nghĩa quân chống Pháp trong Đồng Tháp Mười xưa kia phải gánh chịu biết bao gian lao nguy hiểm - nhất là muỗi. Mặc dù muỗi đồng ít gây bệnh sốt rét hơn muỗi rừng, nhưng vì quá nhiều, nên không có cách gì trừ, chúng có thể hút hết máu con bò trong một đêm.
Nếu lỡ ngủ mà để cánh tay ra sát vách mùng, thì chúng cắm vòi vào mà hút máy đầy bụng, phóng uế rồi lại hút. Những con khác không có chỗ đậu, cắm vòi vào trước mà hút, cứ như thế con này nối con kia dày như một sợi dây!
Thuở ấy, nghĩa quân không đủ cho mỗi người một cái mùng, phần lớn nghĩa quân có một tấm đệm (đương bằng gọng bàng) nửa nằm nửa đắp thay mền. Nhưng hai đầu còn trống, còn có chỗ cho muỗi bay vào. Muốn xua đuổi được chúng ít nhứt phải đốt đống un (dùng rơm rạ, trấu hay lá cây ẩm, vừa cháy vừa có khói) muỗi mới bay đi, nhưng đốt như thế thì lộ chỗ đóng quân một nghĩa quân mới nghĩ ra cách xếp đội tấm đệm, lấy lạt dừa may kín hai đầu.
Chui vào nằm trong đó, xem như có màn và có cả mến đắp mưa, không con muỗi nào vào được, có thể ngủ được suốt đêm. Từ đó, mỗi nghĩ quân đều có một cái như vậy, gọp là cái “xếp”.
Đồng bào quanh vùng hoan nghinh sáng kiến ấy. Không bao lâu “chiếc xếp” xuất hiện khắp vùng Đồng Tháp Mười và theo ghe thương buôn đến khắp miền Lục tỉnh Nam Kỳ.
Khi thực dân Pháp tấn công Đồng Tháp Mười, một sĩ quan Pháp thấy “chiếc xếp” lấy làm lạ, hỏi tên thông ngôn. Tên này nghĩ rằng nếu nói là “chiếc xếp” thì trùng với tiếng “chef” (sếp) có nghĩa là người chỉ huy, e xúc phạm tới quan Tây, biết đâu tay sĩ quan này lại nghi ngờ mình có ý xỏ xiên dám dùng chức vị “quan lớn” của nó để lót đít ngồi, nên hắn nói trại ra thành “chiếc nếp”.
Ít lâu sau, một tên thầy đội người Việt đóng đồn trong Đồng Tháp Mười tên là Nếp. Y cấm đồng bào không được dùng tên y để gọi “chiếc xếp”. Nên “chiếc nếp” được đổi thành “chiếc nóp” và gọi mãi cho đến ngày nay.
Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 697.000 hecta, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp trong đó Long An chiếm hơn phân nửa, thủ phủ vùng là thị xã Kiến Tường. Vùng Đồng Tháp Mười có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim. Trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và chiến tranh Việt Nam, Đồng Tháp Mười là một trong những chiến khu quan trọng nhất.
Trong thập niên 1980, ba tỉnh nói trên đã đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu lúa gạo quan trọng trên thế giới. Đồng Tháp Mười cũng là bối cảnh của bộ phim Cánh đồng hoang nổi tiếng tại Việt Nam.